Hà Nội đang xây dựng kế hoạch phục hồi du lịch, trong đó trước mắt tập trung phục hồi, phát triển thị trường khách nội địa, thí điểm mở các vùng du lịch xanh.
Hà Nội sẽ thí điểm nhiều vùng du lịch xanh
Đợt bùng phát dịch COVID-19 lần thứ tư ảnh hưởng rất lớn đối với ngành du lịch Thủ đô. 9 tháng năm 2021, khách đến Hà Nội chỉ là khách nội địa, với 2,92 triệu lượt, giảm 57,5% so với cùng kỳ năm 2020 và bằng 26,5% so với kế hoạch đề ra.
Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang cho biết, Thành phố đang đẩy nhanh chiến dịch tiêm chủng vaccine toàn dân, nhằm từng bước khôi phục hoạt động kinh tế-xã hội. Đối với khách du lịch quốc tế đến Việt Nam, Hà Nội dự báo chỉ có thể đón vào nửa sau năm 2022, vì vậy trước mắt cần tập trung phục hồi, phát triển thị trường khách nội địa.
Ngành du lịch sẽ mở cửa hoạt động, phục hồi trở lại khi các ngành kinh tế khác cũng hoạt động trở lại, do sản phẩm du lịch là sản phẩm liên kết với các sản phẩm dịch vụ khác, và phụ thuộc cả vào việc mở cửa của đường bộ, đường sắt và hàng không. Hoạt động du lịch cũng phải đáp ứng đầy đủ các quy định của ngành y tế về đảm bảo an toàn phòng, chống dịch bệnh.
Phục hồi du lịch theo lộ trình
Bà Đặng Hương Giang cho biết, trên cơ sở đánh giá tình hình thực tế của Hà Nội, đồng thời căn cứ kế hoạch triển khai chính sách kích cầu, phục hồi hoạt động du lịch, lữ hành của Bộ VHTTDL, Sở Du lịch Hà Nội đã xây dựng báo cáo UBND Thành phố về kế hoạch phục hồi, phát triển hoạt động du lịch Thủ đô gắn với phòng, chống dịch COVID-19 trong quý IV/2021.
Theo đó, ngành du lịch sẽ xây dựng dự thảo bộ tiêu chí thích ứng an toàn dịch bệnh COVID-19 trong hoạt động du lịch, trình UBND Thành phố ban hành trong thời gian tới, trong đó thực hiện theo lộ trình chuyển đổi 4 giai đoạn, tương ứng với các cấp độ dịch.
Cụ thể, các dịch vụ du lịch sẽ mở cửa hoạt động theo diễn biến dịch bệnh vào tháng 10, chia làm 2 giai đoạn để có thể cho phép các đơn vị du lịch đón khách trong địa bàn Thành phố.
Tháng 11 tới sẽ áp dụng các biện pháp mở cửa và phục hồi theo giai đoạn 3, dựa theo đánh giá tình hình thực tế. Cho phép các đơn vị du lịch đón khách trong Hà Nội và các tỉnh, thành phố kiểm soát tốt dịch bệnh.
Tháng 12/2021 áp dụng các biện pháp mở cửa và phục hồi theo trạng thái bình thường mới ở giai đoạn 4.
Ngành du lịch Hà Nội cũng triển khai xây dựng các điểm đến, sản phẩm du lịch an toàn theo bộ tiêu chí đánh giá an toàn trong phòng, chống dịch COVID-19 đối với hoạt động du lịch tại Thành phố. Tập trung hỗ trợ nâng cấp chất lượng sản phẩm du lịch, điểm đến du lịch gắn với di sản-di tích, làng nghề; hỗ trợ doanh nghiệp lữ hành đăng ký xây dựng các tour du lịch, caravan khép kín, ngắn ngày đến các điểm du lịch xanh tại Thành phố.
Dự kiến, Hà Nội sẽ thí điểm tour du lịch, caravan khép kín tại làng cổ ở Đường Lâm, Vườn quốc gia Ba Vì, chùa Hương theo hướng dẫn của Sở GTVT, Sở Y tế và chính quyền địa phương; phối hợp với một số tỉnh, thành phố kiểm soát tốt dịch bệnh, xây dựng phương án mở lại hoạt động trao đổi khách du lịch.
Các doanh nghiệp lữ hành xây dựng một số tour du lịch, sản phẩm caravan khép kín đến các tỉnh, thành phố kiểm soát tốt dịch bệnh. Dự kiến thí điểm triển khai các tour du lịch Hà Nội-Quảng Ninh, Hà Nội-Ninh Bình, Hà Nội-Hải Phòng, Hà Nội-Lào Cai, Hà Nội-Quảng Bình...
Bên cạnh việc báo cáo đề xuất Thành phố về lộ trình phục hồi các hoạt động dịch vụ du lịch, ngành du lịch cũng đang tích cực triển khai thủ tục hỗ trợ lực lượng hướng dẫn viên du lịch; hỗ trợ doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch COVID-19, và hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp.
Trong quý IV/2021, Sở Du lịch dự kiến sẽ tổ chức chuỗi chương trình hoạt động, sự kiện du lịch, như Lễ hội quà tặng du lịch Hà Nội năm 2021 (dự kiến tổ chức vào tháng 12, tại xung quanh hồ Hoàn Kiếm), xây dựng Đề án chuyển đổi số trong ngành du lịch, tọa đàm nâng cao kiến thức, kỹ năng phục vụ khách du lịch tại một số quận, huyện, thị xã (dự kiến tổ chức vào tháng 11 và 12), triển khai một số lớp bồi dưỡng về du lịch cho cộng đồng dân cư tại điểm du lịch làng nghề, các lớp bồi dưỡng nguồn nhân lực du lịch, thúc đẩy hoạt động của các sàn giao dịch việc làm, tạo điều kiện để các doanh nghiệp du lịch tiếp cận nguồn nhân lực du lịch.
Ngành du lịch Thủ đô cũng đã kiến nghị với lãnh đạo Bộ VHTTDL, Tổng cục Du lịch quan tâm hỗ trợ về chuyên môn và quy trình thực hiện chương trình chuyển đổi số trong ngành du lịch ở các địa phương. Nghiên cứu, xây dựng các cơ chế, chính sách thu hút lực lượng lao động du lịch, đặc biệt là lực lượng có chuyên môn cao, nhằm đáp ứng nhu cầu phục hồi và phát triển du lịch khi dịch bệnh đã được kiểm soát.
Đồng thời đề xuất với Chính phủ, Bộ Y tế, chính quyền địa phương ưu tiên tiêm vaccine cho lực lượng lao động du lịch toàn quốc theo đúng tinh thần của Nghị quyết số 21/NQ-CP ngày 26/2/2021 của Chính phủ.
Đề xuất với các bộ, ngành về chính sách hỗ trợ du lịch liên quan đến miễn giảm thuế, phí, giãn thời gian nộp thuế, giãn hoãn nợ, đồng thời tạo điều kiện để các doanh nghiệp lữ hành có điều kiện tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi.
Minh Anh