Ô nhiễm chất thải nhựa (CTN) là một trong những thách thức về môi trường lớn nhất trên thế giới hiện nay. Tại Việt Nam, tốc độ tăng trưởng kinh tế, công nghiệp hóa và đô thị hóa nhanh chóng đã dẫn tới sự gia tăng đáng kể CTN, gây áp lực không nhỏ lên môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân và các hệ sinh thái.
Các thành viên nhóm Keep Hanoi Clean tham gia thu gom, phân loại rác thải. Ảnh: HÀ MY
Theo báo cáo của Hiệp hội Nhựa Việt Nam, tốc độ tăng trưởng của ngành nhựa trung bình là 15%/năm, đạt khoảng 4 triệu tấn/năm. Trong đó, sản phẩm nhựa bao bì như túi nylon, chai lọ nhựa, bao bì hàng hóa… chiếm khoảng 36%; nhựa vật liệu xây dựng, đồ gia dụng và các loại dành cho ngành công nghiệp điện tử, điện, giao thông vận tải chiếm khoảng 64%. Báo cáo Chương trình giám sát và đánh giá rác thải nhựa ở bờ biển Việt Nam năm 2020 của Liên minh Quốc tế Bảo tồn Thiên nhiên (IUCN) cũng cho thấy: Việt Nam là một trong những quốc gia có lượng rác thải nhựa xả ra biển nhiều nhất trên thế giới, với trung bình mỗi năm lượng rác thải nhựa thải ra biển khoảng từ 0,28 đến 0,73 triệu tấn (tương đương 6% tổng lượng rác thải nhựa đại dương). Cùng với sự gia tăng của các sản phẩm nhựa đã dẫn tới một lượng lớn CTN thải ra môi trường, không chỉ gây ô nhiễm môi trường và hệ sinh thái, mà còn ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của người dân. Chỉ tính riêng hai thành phố lớn là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, mỗi ngày thải ra môi trường khoảng 80 tấn nhựa và túi nylon khó phân hủy. Tuy nhiên, chỉ có từ 11% đến 12% lượng CTN, túi nylon được xử lý, tái chế theo đúng quy định, số còn lại chủ yếu chôn lấp, đốt và thải trực tiếp ra môi trường. Trong khi đó, hầu hết CTN phát sinh từ sinh hoạt, tiêu dùng của người dân chưa được phân loại tại nguồn. Nhựa phế liệu phát sinh từ các cơ sở sản xuất phần lớn được thu gom bán cho cơ sở tái chế, nhưng do phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn chưa tốt cho nên giá trị thu hồi thấp. Nhận thức của người dân về tác hại của CTN, việc phân loại rác còn hạn chế gây không ít khó khăn cho công tác quản lý CTN.
Ngày 22/7 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 1316/QĐ-TTg phê duyệt Đề án tăng cường công tác quản lý CTN ở Việt Nam, với các mục tiêu như: Đến năm 2025, Việt Nam sẽ sử dụng 100% túi nylon, bao bì thân thiện với môi trường tại các trung tâm thương mại, siêu thị phục vụ cho mục đích sinh hoạt thay thế cho túi nylon khó phân hủy; bảo đảm thu gom, tái sử dụng, tái chế, xử lý 85% lượng CTN phát sinh; giảm thiểu 50% rác thải nhựa trên biển và đại dương; phấn đấu 100% các khu du lịch, cơ sở lưu trú du lịch, khách sạn không sử dụng túi nylon khó phân hủy và sản phẩm nhựa dùng một lần; giảm dần hoạt động sản xuất và sử dụng túi nylon khó phân hủy, sản phẩm nhựa dùng một lần trong sinh hoạt… Để thực hiện tốt các mục tiêu Đề án đề ra, Bộ Tài nguyên và Môi trường cần tập trung rà soát, nghiên cứu, đề xuất ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền; nghiên cứu, đề xuất lộ trình hạn chế sản xuất, nhập khẩu sản phẩm nhựa dùng một lần, bao bì nhựa khó phân hủy sinh học và sản phẩm hàng hóa chứa vi nhựa trong Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường; đề xuất hoàn thiện hoặc phối hợp xây dựng mới các quy chuẩn, tiêu chuẩn, quy định kỹ thuật môi trường cho các sản phẩm, hàng hóa và túi nylon có nguồn gốc từ nhựa tái chế; các sản phẩm, hàng hóa chứa hạt vi nhựa, nano nhựa để phòng ngừa các tác động xấu đến sức khỏe con người, môi trường sinh thái...
Mặt khác, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp các bộ, ngành có liên quan nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao công nghệ tái chế CTN, sản xuất các sản phẩm thân thiện với môi trường thay thế túi nylon khó phân hủy và các sản phẩm nhựa dùng một lần; đề xuất các tiêu chí giảm thiểu, phân loại, thu gom CTN trong đánh giá, xếp hạng kết quả hoạt động bảo vệ môi trường của các địa phương. Các bộ, ngành, chính quyền địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định về thu gom và xử lý CTN phát sinh từ hoạt động du lịch biển, vận tải biển, nuôi trồng và khai thác thủy sản; giảm thiểu việc thải bỏ, làm thất lạc ngư cụ khai thác thủy sản; tuyên truyền, nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi ứng xử với các sản phẩm nhựa, CTN của người dân, nhất là hạn chế tối đa việc sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần và thực hiện nghiêm việc thu gom, phân loại rác thải tại nguồn theo quy định…
Các chuyên gia môi trường đề nghị: Lộ trình chuyển đổi sang kinh tế tuần hoàn của ngành nhựa nên tập trung vào một số ưu tiên như xác định danh mục bao bì nhựa không cần thiết, có nguy cơ cao và xây dựng kế hoạch tiêu hủy các thành phần này; thể chế hóa trách nhiệm nhà sản xuất trong ngành bao bì nhựa để đầu tư vào hạ tầng tái chế; cần thống nhất các đối tác tham gia trong chuỗi giá trị nhựa để cùng nhau phối hợp trong thiết kế, sử dụng và tái sử dụng nhựa. Từ đó, từng bước giảm CTN thải vào môi trường và tạo kinh tế tuần hoàn cho ngành nhựa. Đồng thời, Bộ Tài nguyên và Môi trường định kỳ hằng năm, chủ trì, phối hợp các bộ, cơ quan liên quan xây dựng cơ sở dữ liệu về CTN thống nhất, phù hợp với cơ sở dữ liệu quốc gia về nguồn thải; xây dựng cơ sở dữ liệu về đăng ký, khai báo, quản lý việc sản xuất, sử dụng sản phẩm phát sinh CTN, túi nylon trên cả nước...
Trung Tuyến