Những tháng cuối năm, nếu tình hình dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát tốt thì sẽ mang đến những tín hiệu lạc quan, niềm hy vọng để phục hồi sự phát triển trên lĩnh vực du lịch. Mặc dù được nhận định sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn, nhưng Bạc Liêu đã cho thấy sự chủ động, quyết tâm khi xây dựng các nhóm giải pháp quan trọng để sớm khắc phục những tổn thương cho ngành du lịch tỉnh Bạc Liêu.
Lượng khách ít ỏi đến đăng ký lưu trú tại Khách sạn Sài Gòn - Bạc Liêu vào đầu năm 2021. Ảnh: H.T
Ưu tiên hỗ trợ doanh nghiệp
Bạc Liêu đưa ra kịch bản tình hình dịch bệnh trong những tháng còn lại của năm 2021 và đầu năm 2022 được kiểm soát, khi đó hoạt động du lịch nội địa sẽ hoạt động trở lại. Chưa hết, với điều kiện dịch Covid-19 trên cả nước từng bước ổn định thì các thị trường du lịch quan trọng với Bạc Liêu như: TP. Hồ Chí Minh, khu vực Đông Nam Bộ cũng sẽ được khôi phục. Do đó, ngay từ bây giờ tỉnh đã có sự chuẩn bị để sẵn sàng tái khởi động du lịch sau nhiều tháng “đóng băng” vì dịch bệnh.
Trong các nhóm nhiệm vụ, giải pháp phục hồi du lịch, tỉnh ưu tiên hỗ trợ doanh nghiệp, bởi đây vừa là đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề do dịch Covid-19, vừa là nhân tố hết sức quan trọng trong việc tái thiết nhanh hoạt động du lịch. Cụ thể là tổ chức gặp gỡ, đối thoại giữa lãnh đạo tỉnh với các doanh nghiệp du lịch, nhà đầu tư để tháo gỡ khó khăn cũng như tìm giải pháp phát triển. UBND tỉnh giao Sở VHTTTTDL phối hợp với Hiệp hội du lịch tỉnh xây dựng các gói sản phẩm, dịch vụ kích cầu với mức giá ưu đãi nhưng cam kết đảm bảo chất lượng. Đồng thời, làm “cầu nối” cho các doanh nghiệp tiếp cận, tham gia xúc tiến bán sản phẩm và kết nối lại với các thị trường, khách du lịch.
Còn các sở, ngành và tổ chức liên quan nghiên cứu kiến nghị cơ chế tài chính hỗ trợ phù hợp với tình hình hoạt động của từng doanh nghiệp du lịch, việc hỗ trợ phải đảm bảo hiệu quả, đúng đối tượng. Ngoài ra, đẩy mạnh thực hiện chương trình kết nối ngân hàng và doanh nghiệp để đơn giản hóa các thủ tục về tín dụng, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận các chính sách hỗ trợ mới của Chính phủ, Ngân hàng Trung ương.
Phát triển du lịch an toàn
Một trong những giải pháp cấp bách, quan trọng hàng đầu đối với du lịch Bạc Liêu là phải sớm xây dựng những sản phẩm có sức hấp dẫn, đa dạng, mang thương hiệu Bạc Liêu để đáp ứng xu hướng mới của thị trường. Trước mắt, tỉnh sẽ rà soát, đánh giá lại các tài nguyên du lịch để xây dựng Đề án phát triển sản phẩm du lịch, trong đó chú trọng phát triển các loại hình sản phẩm mang tính bền vững gắn với thiên nhiên và bảo vệ sức khỏe.
Còn với 9 điểm du lịch đã được công nhận là điểm du lịch tiêu biểu của Đồng bằng sông Cửu Long, Bạc Liêu không chỉ phát huy giá trị mà còn “gia cố” thêm cho những sản phẩm này. Chẳng hạn như bổ sung các hoạt động về đêm, quảng bá sản phẩm OCOP tại Khu lưu niệm nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ và nhạc sĩ Cao Văn Lầu. Hay xây dựng chương trình nghệ thuật sân khấu hóa về cuộc đời Công tử Bạc Liêu, đôn đốc chủ đầu tư sớm triển khai đầu tư Khu văn hóa đa năng ngoài công lập Công tử Bạc Liêu.
An toàn sẽ là tiêu chí mà du lịch Bạc Liêu hướng đến trong bối cảnh cả nước chưa khống chế hoàn toàn được dịch bệnh, cũng đồng thời là mục tiêu cho sự phát triển về lâu dài. Chính vì thế, tỉnh sẽ khẩn trương xây dựng và triển khai bộ tiêu chí đánh giá an toàn trong phòng, chống dịch Covid-19 đối với hoạt động du lịch. Cùng với đó là kiểm tra, xử lý nghiêm để đảm bảo việc tuân thủ các quy định an toàn phòng, chống dịch bệnh tại các điểm đến, các cơ sở kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh để từng bước xây dựng “vùng xanh” cho du lịch.
Muốn tìm lại “ánh hào quang”, du lịch tỉnh Bạc Liêu còn rất nhiều việc phải làm và phải vượt qua cho được những khó khăn, thách thức trong và hậu Covid-19. Tuy nhiên, việc vạch ra những giải pháp căn cơ, tính toán các phương án phục hồi ngay từ bây giờ sẽ giúp Bạc Liêu phát triển với đường hướng đúng đắn, bền vững.
Hữu Thọ