Nằm sát biên giới Việt-Lào, bản Yên Hòa (xã Mỹ Lý, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An) là nơi sinh sống của nhiều tộc người với những phong tục tập quán đặc sắc.
Đến với Yên Hòa, du khách không chỉ cảm nhận được sự bình yên của một bản nhỏ vùng biên viễn mà còn cảm thấy ấm áp bởi sự hiếu khách của người dân nơi đây.
Bản Yên Hòa nằm cách trung tâm xã Mỹ Lý khoảng 4km. Muốn đến được bản, con đường thuận tiện nhất là tuyến đường thủy trên dòng Nậm Nơn. Ngồi trên chiếc thuyền máy nhỏ, du khách được tận mắt ngắm khung cảnh thanh bình hai bên bờ với những ngôi nhà sàn ẩn dưới vườn cây xanh mướt nhìn ra sông. Sau khoảng 20 phút, khi thuyền cập bến, bạn sẽ thấy người dân nơi đây hồ hởi chào đón từ đầu cầu với sự nồng hậu, ấm áp như người thân lâu ngày gặp lại.
Dòng Nậm Nơn đoạn chảy qua bản Yên Hòa
Con đường vào bản rợp bóng cây, hai bên là những nếp nhà sàn bằng gỗ đặc trưng của người Thái. Trước cửa mỗi nhà đều có một khung cửi, nơi các mẹ, các chị trong bộ váy Thái truyền thống đang thoăn thoắt dệt những tấm thổ cẩm sặc sỡ sắc màu. Thấy khách, họ duyên dáng nở nụ cười tươi, mời khách vào thăm nhà.
Điểm đến đầu tiên khiến du khách ấn tượng ngay là tháp Xốp Lợt cổ kính, rêu phong nằm bên cây bồ đề cổ thụ hàng trăm năm tuổi. Theo người dân trong bản, tòa tháp này là một trong những hạng mục kiến trúc còn sót lại của một công trình Phật giáo có quy mô bề thế, được xây dựng cách đây hơn 1.000 năm. Trải qua nhiều thăng trầm, công trình hiện đã bị xuống cấp nghiêm trọng, nhiều hiện vật quý bị đánh cắp. Tuy nhiên, những gì còn lại ở tòa tháp vẫn cho du khách thấy được những dấu tích vàng son trong quá khứ.
Đến với Yên Hòa, bạn không chỉ được tham quan bản làng, tìm hiểu các phong tục tập quán được người dân nơi đây gìn giữ, trao truyền qua nhiều thế hệ mà còn được thưởng thức những món ăn địa phương dân dã nhưng vô cùng đặc sắc như: Cá nướng, rêu đá nướng, lạp, nậm pịa, mọc cá, mọc thịt hay chẻo pắc hom... Tất cả đều được chế biến theo hương vị đặc trưng, mang đậm dấu ấn ẩm thực địa phương, khiến du khách thưởng thức một lần sẽ nhớ mãi. Bên cạnh đó, du khách còn được thưởng thức những vò rượu cần nồng đượm do chính tay người dân ngâm và chiết xuất từ các loại cây rừng, thảo dược hay hòa mình vào tiếng đàn, điệu múa, khúc dân ca đặc trưng của đồng bào các dân tộc nơi đây.
Cuộc sống nơi đây vô cùng bình yên bởi người dân đa phần sống bằng nghề nông, đánh bắt cá suối. Đàn ông có thêm nghề đan lát, còn phụ nữ thì dệt vải. Bà Lò Thị Hà, 46 tuổi, người dân tộc Thái cho biết: “Phụ nữ Thái từ nhỏ đã được bà và mẹ dạy cách dệt vải để may quần áo cho mình cùng các thành viên trong gia đình. Nhờ sự khéo léo cùng gu thẩm mỹ được chắt lọc từ văn hóa truyền thống của dân tộc, những sản phẩm thổ cẩm truyền thống của phụ nữ ở bản Yên Hòa được người dân các vùng lân cận, đặc biệt là người Lào ưa chuộng. Nếu chăm chỉ, cơ bản cũng có nguồn thu nhập ổn định từ nghề dệt thổ cẩm...”.
Với tiềm năng và lợi thế về thiên nhiên, văn hóa, Yên Hòa được ngành du lịch tỉnh Nghệ An xác định sẽ trở thành một bản du lịch cộng đồng trong thời gian tới.
Bài và ảnh: Mỹ An