Nhân sự kiện Ngày Quốc tế chim di cư, ngày 9/10/2021, Hội thảo trực tuyến "Tầm quan trọng của các bãi triều ven biển đồng bằng sông Cửu Long đối với các loài chim di cư" đã được diễn ra nhằm thúc đẩy mạnh mẽ nhận thức về các loài chim di cư và các vùng đất ngập nước của Việt Nam.
Hội thảo được tổ chức với sự chủ trì của Bà Hoàng Thị Thanh Nhàn - Phó Cục trưởng Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học (BCA), ông Nguyễn Hoài Bảo - Giảng viên ĐHQG TP. Hồ Chí Minh - Giám đốc Công ty Hoang dã Wildtour, ông Ding Li Yong - Điều phối viên của Flyways châu Á - Tổ chức BirdLife Quốc tế cùng sự tham gia của ông Sayam Chowdhury - Trợ lý điều phối viên Đội ứng cứu Rẽ mỏ thìa, đại diện các cơ quan quản lý các tỉnh khu vực sông Mê Công, đại diện các vườn quốc gia, khu bảo tồn, các nhà báo và nhiều chuyên gia bảo tồn đến từ các tổ chức trong và ngoài nước.
Các loài chim di cư là một trong số những loài chim bị đe dọa nhất ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Mỗi năm, hàng chục triệu chim di cư bay qua đường di cư kết nối các vùng đất ngập nước ở Bắc Á với Đông Nam Á, bao gồm Việt Nam và Úc. Tuy nhiên, sự phát triển nhanh chóng xuyên suốt châu Á đã dẫn đến việc mất đi một khu vực rộng lớn các vùng đất ngập nước ven biển, hậu quả là làm suy giảm nghiêm trọng số lượng nhiều loài chim nước.
Việt Nam được xác định là một trong những khu vực trọng yếu nhất trong mạng lưới các tuyến đường bay của chim di cư với 63 vùng chim quan trọng toàn cầu và 7 vùng chim đặc hữu. Việt Nam cũng là điểm dừng chân của nhiều loài chim nước di cư trong đường bay tuyến Úc - Đông Á trải qua 22 quốc gia với hàng chục triệu cá thể, hơn 150 loài chim nước, trong đó có những loài nguy cấp như sếu đầu đỏ, rẽ mỏ thìa... Các loài chim giữ vai trò quan trọng trong việc đảm bảo chức năng hệ sinh thái trực tiếp ảnh hưởng đến sức khỏe con người, nền kinh tế và sản xuất lương thực, diệt trừ các loại sâu hại, côn trùng, và giúp thụ phấn cho các loài thực vật, phát tán hạt cây, kết nối các hệ sinh thái trên cạn và đất ngập nước.
Bảo tồn các loài chim hoang dã, chim di cư trước nạn săn bắn
Tại Hội thảo, các đại biểu đã được nghe tham luận về "Tổng quan về các quy định pháp luật, kế hoạch, hành động bảo tồn các vùng đất ngập nước và chim di cư". Trong đó có nêu rõ một số văn bản pháp luật liên quan đến bảo vệ đất ngập nước, chim di cư cũng như các mối đe dọa hiện nay đối với chim di cư. Cùng với đó, tham luận cũng nêu khái quát các mục tiêu chính trong Dự thảo Kế hoạch hành động quốc gia về đất ngập nước giai đoạn 2020 - 2025, tầm nhìn 2030 đang trình Chính phủ ban hành và một số chỉ đạo chính trong Dự thảo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để bảo tồn các loài chim hoang dã, di cư tại Việt Nam. Cụ thể, Việt Nam sẽ tăng từ 9 lên 13 khu Ramsar, tăng diện tích đất ngập nước được bảo vệ, 70% các vùng đất ngập nước quan trọng trên toàn quốc được kiểm soát có hiệu quả việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất...
Hội thảo cũng chia sẻ các kết quả khảo sát, nghiên cứu về chim di cư tại đồng bằng sông Cửu Long của WildTour và Birdlife, thông tin về nỗ lực bảo tồn loài rẽ mỏ thìa. Các diễn giả và nhiều đại biểu đều đồng tình rằng đồng bằng sông Cửu Long là khu vực quan trọng với chim di cư, có ý nghĩa sinh thái lớn nhưng đang bị ảnh hưởng do xu hướng phát triển kinh tế, xã hội khiến sinh cảnh sống của nhiều loài bị thu hẹp, đe dọa lâu dài đến quần thể, cũng như các mối đe dọa từ thực trạng săn bắt, bẫy bắt tràn lan do nhận thức của người còn hạn chế.
Bên cạnh đó, các đại biểu đã trao đổi và thảo luận các vấn đề liên quan đến việc huy động nguồn lực tài chính cho công tác bảo tồn các vùng đất ngập nước, tác động của các hoạt động phát triển tại các khu vực kiếm ăn của chim di cư, vai trò của chim di cư với hệ sinh thái và các mô hình, bài học kinh nghiệm trong sự tham gia của cộng đồng trong bảo tồn chim di cư. Điều đáng mừng là trong đó có nhiều đại diện của nhiều công ty, tổ chức ngoài công lập bày tỏ sẵn sàng tham gia hỗ trợ chim di cư nếu có hoạt động phù hợp.
Kết thúc Hội thảo, Bà Hoàng Thị Thanh Nhàn cho biết, Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học sẵn sàng phối hợp và hỗ trợ hướng dẫn các quy định liên quan trong quản lý đất ngập nước và bảo tồn chim di cư. Đây là hội thảo đầu tiên về chủ đề bảo tồn chim di cư và các nỗ lực bảo tồn chim di cư trong thời gian tới sẽ được ưu tiên thực hiện bởi đây là một trong những nội dung ưu tiên trong Dự thảo Chiến lược quốc gia về bảo tồn đa dạng sinh học trong giai đoạn tiếp theo.
Nam Việt