Ngày 19.10, tại nhà khách Hà An, Tổ chức Bảo tồn động thực vật hoang dã quốc tế (FFI) phối hợp với Chi cục Kiểm lâm tỉnh tổ chức hội thảo xây dựng kế hoạch hành động bảo tồn voọc mũi hếch, giai đoạn 2021 - 2030 và tầm nhìn đến năm 2050. Tham dự có: Ông Hoàng Văn Lâm, Giám đốc FFI tại Việt Nam; ông Bùi Văn Đông, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh; đại diện một số huyện và người dân sinh sống gần khu bảo tồn vọc mũi hếch.
Hội thảo xây dựng kế hoạch hành động bảo tồn vọc mũi hếch, giai đoạn 2021 - 2030 và tầm nhìn đến năm 2050
Tỉnh Hà Giang là nơi có quần thể vọc mũi hếch lớn nhất cả nước, với khoảng trên 200 con đang sinh sống tại khu vực Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn. Đây là loài động vật đặc hữu của Việt Nam, là một trong 25 loài linh trưởng đang bị đe dọa tuyệt chủng cao nhất trên thế giới hiện nay, được xếp vào mức đe dọa “rất nguy cấp – CR” cả trong Sách đỏ Việt Nam (2007) và Danh mục Đỏ IUCN (2013). Nguyên nhân chính làm suy giảm loài động vật này là do hoạt động săn bắn, khai thác lâm sản và canh tác thảo quả của con người đã làm mất đi môi trường sống tự nhiên của vọc mũi hếch. Tổ chức FFI và Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã phối hợp với chính quyền địa phương thực hiện nhiều hoạt động bảo tồn và phát triển loài vọc mũi hếch, như: Truyền thông trong cộng đồng, hỗ trợ sinh kế cho người dân gần khu bảo tồn, trồng vườn ươm cây gỗ quý… Tuy nhiên, công tác bảo tồn vẫn gặp nhiều khó khăn, quần thể loài vọc mũi hếch đang có dấu hiệu suy giảm.
Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận về kế hoạch bảo tồn vọc mũi hếch, giai đoạn 2021 - 2030 và tầm nhìn tới năm 2050; các mối đe dọa, thách thức và cơ hội đối với bảo tồn vọc; các hành động và mức độ ưu tiên dựa trên tác động và tính cấp bách; thống nhất nội dung, đơn vị chịu trách nhiệm và tiến trình thực hiện các hành động đã đề ra; các hành động bảo tồn ưu tiên, giai đoạn 2021 - 2025… Qua đó nhằm góp phần bảo tồn và tăng số lượng loài vọc mũi hếch tại Việt Nam.
Tin, ảnh: Lê Hải