Nghe đề cập đến sự bất tiện, nhỏ hẹp của ngôi nhà rường truyền thống, “vua nhà rường” Dương Đình Vinh đã rất thoải mái: Cứ mạnh dạn mà đưa hiện đại vào…
Một góc vườn Ngự Hà
“Sống chi rứa cho khổ…”
Tạt xe vào một cửa hàng bán chậu và các loại giá thể trồng hoa trên một con đường trung tâm thành phố, tôi ngạc nhiên xen lẫn thán phục khi nhận ra giữa lòng thành phố và trên con đường đắc địa thế này mà người bán chậu vẫn giữ được khu đất mênh mông đến thế. Bởi tâm lý thường tình, và thực tế đã rất nhiều người “áp dụng”, là cắt bớt một phần để bán, thu về một đống tiền vừa để xây sửa nhà cửa, vừa để có vốn làm ăn hoành tráng, việc gì phải còng lưng đi bán lẻ từng chiếc chậu, từng bịch phân như vậy. Gia đình này quả thật quý hóa.
Chừng như biết suy nghĩ của tôi, người chủ cửa hàng kéo tay, chỉ cho tôi ngôi nhà rường bên trong và khoe: “Giữ cái nhà ấy mới quý tề. Kỳ công lắm…”. Từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác, tôi không ngờ khuất sau những chồng hàng hóa cao ngất ngưởng kia là một ngôi nhà rường với hệ thống cột kèo bằng gỗ lên nước đen thui, trông rất xưa cũ. Tôi đưa ngón tay cái, muốn bày tỏ sự thán phục của mình, rồi chào để rời đi. Người chủ mặt mày rạng rỡ, vẻ rất mãn nguyện.
Nhà tiếp khách ở khu nhà rường của ông Phạm Bá Vinh (Hương Long - TP. Huế)
Sau đó mấy bữa, trong một lần hàn huyên với nhóm mấy anh em thích phong lan, cây cảnh, nhắc đến cửa hàng và ngôi nhà rường nọ, một người vẻ không mấy hào hứng: “Tôi có biết cái nhà đó, nhưng thật lòng không khoái. Nhà mặt phố chi mà thấp lé đé, cột kèo tùm lum, tối thui tối mò, nội chuyện quét mạng nhện thôi cũng đủ… chết. Sống chi rứa cho khổ?”. Biết là gặp người "khác hệ", nên tôi thôi, tranh luận chẳng để làm gì. Hơn nữa tôi cũng hiểu, đó không phải là ý kiến cá biệt, thực ra, chỉ những người lớn lớn và có chút hoài cổ, mới thích nhà rường. Còn đa phần, nhất là lớp trẻ vẫn chỉ thích sống trong những ngôi nhà hiện đại, tiện dụng, thoải mái và cả tân thời nữa. Chứ còn như cái nhà rường, chỉ phù hợp để… thờ tự. Chứ ẩm thấp túng rối, ăn ở, sinh hoạt trong đó thật bất tiện. Tôi có người bạn học, gia đình anh cũng sở hữu một ngôi nhà rường. Lần tôi ghé thăm mấy thằng con anh còn rất nhỏ, chúng đùa nghịch, rượt đuổi nhau, rồi va đầu vào cột. Hết đứa này đến đứa khác khóc ré lên, khiến cuộc trò chuyện giữa chúng tôi cứ phải gián đoạn. Đúng là bất tiện thật. Nhà rường đang có giá, không khéo “gả” luôn mần cái nhà hộp cho nó khí thế. Lúc ấy tôi cũng đã từng nghĩ như thế. Nhưng rồi, trong một lần gặp chuyên gia chế tác nhà rường Dương Đình Vinh, tôi đã được “giải tỏa”.
“Di sản sống”, nên bảo tồn thích nghi
Ông Dương Đình Vinh nổi tiếng với việc sưu tập và chế tác nhà rường đến nỗi được nhiều người phong cho biệt danh “vua nhà rường” không chỉ của Huế. Ngoài xưởng chế tác nhà rường tại Nguyệt Biều (TP. Huế), ông còn được mời ra bắc vào nam giúp phục chế, dựng mới không biết bao nhiêu ngôi nhà rường ở nhiều tỉnh thành. Ai khó tính mấy, đến gặp ông đều được mãn nguyện. Tại Huế, ông là chủ nhân của khu nhà rường tuyệt đẹp mang tên vườn Ngự Hà trên đường Xuân 68 gần cống Lương Y. Hôm ấy gặp ông tại vườn Ngự Hà, khi nghe đề cập đến sự bất tiện, nhỏ hẹp của ngôi nhà rường truyền thống, ông Vinh đã rất thoải mái bày tỏ quan niệm của mình và đã được ông ứng dụng rất thành công, rất nhuần nhuyễn là cứ mạnh dạn “đưa hiện đại vào”. “Vô đụng cột ra đụng cột là do diện tích quá nhỏ, nay mình mở lòng căn cho nó rộng ra, ngôi nhà sẽ thoáng. Đừng lo cái “tỷ lệ vàng” của nhà rường bị phá vỡ. Bởi mở rộng chừng nào thì cột, kèo phải cao, phải đổ ra sao, tất cả đều có tỷ lệ tương ứng cả. Mặt sàn thì có thể lát đá, chẳng hại gì hết, màu trắng của đá không chỉ làm cho ngôi nhà sạch sẽ mà còn tôn thêm vẻ đẹp của các cấu kiện gỗ. Xưa không có điều kiện nên cha ông mình không lát đó thôi, nay vật liệu phong phú, không việc gì không lát. Ngay một số công trình trong Đại Nội như lầu Ngũ Phụng (Ngọ Môn), Duyệt Thị Đường… nếu để ý, ta sẽ thấy cũng đã bắt đầu được lát gạch men cả, đó là do sau này đã có vật liệu mới từ Pháp chở sang. Rồi công trình vệ sinh, thiết bị hiện nay rất hiện đại, mình có thể nghiên cứu bố trí nó vào một góc hợp lý khép kín trong nhà vẫn ổn. Nói chung, nhà truyền thống nhưng vẫn rất tiện dụng…” - Ông Vinh nói say sưa như giảng bài. Cũng từ quan điểm thoáng như vậy nên một số người đã nhờ ông Vinh tư vấn mà giữ được ngôi nhà rường truyền thống của gia đình để dùng làm nơi thờ tự, miễn là thiết kế sao cho hài hòa là được... Đó là cách bảo tồn thích nghi và phù hợp đối với “di sản sống” là những ngôi nhà rường…
Không chỉ có vậy, ông Vinh còn đưa mỹ thuật vào những ngôi nhà rường truyền thống. Chẳng hạn đưa những bức tranh sơn mài vào những vị trí vách ngăn phù hợp. Ngôi nhà rường làm sao vẫn vừa giữ được nét đẹp truyền thống nhưng cũng phải vừa lấp lánh, sang trọng nữa, thỉnh thoảng có dịp ông Vinh vẫn chia sẻ những ấp ủ với tôi như vậy. Tiếc là rất nhiều những dự định tốt đẹp đang dang dở thì ông đã giã từ cuộc chơi để vân du miền biên viễn…
Vậy nên, với chủ nhân của cửa hàng có ngôi nhà rường nọ, tiện dụng hay không tiện dụng không quan trọng. Quan trọng nhất với họ có lẽ là giữ được mảnh đất và ngôi nhà mà ông cha đã trao truyền. Trong đó, tàng chứa bao nhiêu ký ức, bao nhiêu giá trị của gia tộc. Mà giữa cơn lốc cơm áo thị trường này, giữ được như thế chủ nhân hẳn phải có một nền tảng văn hóa “thâm hậu” lắm. Tôi tẩn mẩn nghĩ và thấy vui vui cho những bất ngờ nơi người dân xứ Huế…
Bài, ảnh: Hiền An