Theo Ngân hàng Thế giới (NHTG), đầu tư vào du lịch sinh thái và bảo tồn thiên nhiên có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ các chương trình phục hồi môi trường xanh.
Hầu hết các quốc gia vẫn chưa đạt được nhiều tiến bộ trong việc “Xanh hóa” gói kích thích kinh tế do tác động của đại dịch COVID-19, tuy nhiên các chuyên gia của Ngân hàng Thế giới cho biết đầu tư vào du lịch sinh thái và bảo tồn thiên nhiên có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc thay đổi các nền kinh tế đang trì trệ.
Báo cáo của Ngân hàng Thế giới về thúc đẩy du lịch bền vững tại các khu bảo tồn (KBT) và sinh kế của cộng đồng địa phương cho biết đối với mỗi đô la chính phủ đầu tư vào các KBT và hỗ trợ cho du lịch dựa vào thiên nhiên năm 2019, tỷ suất sinh lợi kinh tế cao hơn ít nhất sáu lần so với mức đầu tư ban đầu. Báo cáo tập trung vào một số quốc gia, bao gồm Công viên biển Abrolhos của Brazil, nơi du khách có thể bơi, lặn tự do, Vườn quốc gia Chitwan ở Nepal, nơi cung cấp các chuyến đi bộ đường dài và xem động vật hoang dã, và Vườn quốc gia Nam Luangwa ở Zambia.
Tỷ lệ lợi nhuận tại các du lịch thiên nhiên này dao động từ 6 đến 28 lần số tiền chi tiêu trong năm 2019 cho những hạng mục, như đường giao thông, đường mòn du lịch, trung tâm tham quan du lịch, tiền lương cho cán bộ quản lý, nhân viên KBT và kiểm lâm để phục vụ cho công tác bảo tồn. Với những lợi ích kinh tế này, các nhà nghiên cứu cho rằng các kế hoạch phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19 nên thúc đẩy du lịch xanh, tạo công ăn việc làm cho các địa phương, cải thiện thu nhập, sinh kế cộng đồng và tăng cường bảo tồn đa dạng sinh học.
Bà Urvashi Narain, Cố vấn Trưởng kinh tế môi trường của NHTG cho rằng đầu tư vào các KBT và thúc đẩy du lịch bền vững dựa vào thiên nhiên tại các KBT là định hướng, chiến lược phục hồi kinh tế hiệu quả sau đại dịch COVID-19. Để phục hồi ngành Du lịch sau đại dịch, NHTG đã có một số khuyến cáo để thúc đẩy đầu tư và phát triển du lịch thiên nhiên, cụ thể:
Tại nhiều quốc gia, lợi ích và tầm quan trọng của thiên nhiên đối với nền kinh tế chưa được nhận thức và dánh giá một cách đầy đủ và toàn diện.
Quản lý bền vững các KBT thiên nhiên, chẳng hạn như công viên, đại dương, rừng và vùng hoang dã, ngày càng được coi là một công cụ quan trọng để các quốc gia bảo vệ thực vật, động vật và môi trường sống, đồng thời góp phần đạt được các mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Tuy nhiên, nhiều Chính phủ coi việc tài trợ, khuyến khích cho công tác bảo tồn đa dạng sinh học là một điều xa xỉ, tốn kém, hoặc họ lo sợ nó có thể đe dọa các nền kinh tế còn phụ thuộc nhiều vào tài nguyên thiên nhiên. Vì vậy, các chiến lược, chính sách đầu tư cho các KBT chưa thực sự được ưu tiên. Bên cạnh đó, do hạn chế về nguồn lực và thiếu thông tin, dữ liệu cập nhật, các cơ hội và điều kiện đầu tư cho bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học và phát triển du lịch sinh thái chưa được các Chính phủ thúc đẩy một cách hiệu quả và bền vững.
Các khu bảo tồn thiên nhiên và Vườn quốc gia cần được quan tâm, tăng cường đầu tư hạ tầng ngay từ bây giờ để đón đầu làn sóng du lịch thiên nhiên (xanh) sẽ gia tăng sau đại dịch
Bà Karin Kemper, Giám đốc toàn cầu về môi trường và kinh tế xanh của Ngân hàng Thế giới cho biết, trước đại dịch, có hơn 8 tỷ lượt khách mỗi năm đến các khu bảo tồn biển và đất liền, mang lại nguồn thu nhập quan trọng cho các cộng đồng có sinh kế chủ yếu dựa vào các hoạt động du lịch.
Bằng cách đầu tư ngay từ bây giờ, các Chính phủ có thể tạo công ăn việc làm ngắn hạn cho những người làm du lịch bị mất việc do đại dịch COVIS-19 thông qua các hoạt động hỗ trợ khôi phục sinh kế hoặc xây dựng cơ sở hạ tầng tại các KBT để chuẩn bị và đón nhận du khách quay trở lại sau đại dịch. Theo đó, khi các chuỗi cung ứng dịch vụ du lịch được tăng cường đầu tư, nâng cấp hoặc tái đầu tư tại các KBT, như: khách sạn, cửa hàng lưu niệm, phương tiện giao thông, nhà hàng và một loạt các hoạt động ngoài trời, du khách sẽ chi tiêu nhiều hơn cho các dịch vụ du lịch khi họ lưu trú tại các KBT so với trước đây, từ đó sẽ tạo thêm việc làm và sự thịnh vượng cho nền kinh tế địa phương.
Cách tiếp cận tốt nhất để các quốc gia đầu tư vào du lịch thiên nhiên và bảo tồn đa dạng sinh học là hoàn thiện và minh bạch hoá cơ chế chính sách, nguồn lực tại các khu bảo tồn.
Các nhà hoạch định chính sách, các nhà quản lý và các cơ quan có liên quan, trước hết cần hoàn thiện, thể chế hoá và minh bạch hoá các tiêu chuẩn môi trường, cơ chế quản lý và chính sách bảo tồn và phát triển bền vững tại các KBT, nếu không sẽ khó thu hút và hấp dẫn các doanh nghiệp đến đầu tư, đồng thời dễ tạo khoảng trống và khó khăn cho việc quản lý các hoạt động bảo tồn và phát triển sinh kế một cách bền vững tại các KBT.
Thông thường, các cán bộ quản lý và bảo tồn đều có kinh nghiệm và kiến thức chuyên môn nghiệp cao trong bảo tồn và quản lý tài nguyên thiên nhiên nhưng lại thiếu các kỹ năng để thu hút nhiều du khách hơn, điều này thường làm cho KBT thiếu tính hấp dẫn, chưa tạo được tính độc đáo và trải nghiệm thú vị đối với du khách đến tham quan.
Chính vì vậy, các gói hỗ trợ, đầu tư của cả Chính phủ và khu vực tư nhân nên quan tâm, tăng cường năng lực cho đội ngũ cán bộ bảo tồn và kiểm lâm để ngăn chặn hiệu quả hành vi xâm phạm tại các KBT, bên cạnh đó cơ sở hạ tầng, như: đường vào các KBT, đường mòn và trung tâm tham quan du lịch cũng cần được quan tâm đầu tư, đặc biệt là đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, hướng dẫn viên để có thể đáp ứng tốt các nhu cầu nghiên cứu, tìm hiểu và trải nghiệm về thiên nhiên, môi trường, đa dạng sinh học và văn hoá bản địa tại các KBT.
Xây dựng, đảm bảo cơ chế chia sẻ lợi ích và tăng cường sự tham gia của cộng đồng từ du lịch thiên nhiên
Theo NHTG, một trong những nhiệm vụ quan trọng của Chính phủ là hoạch định và thực thi các chiến lược, chính sách bảo tồn thiên nhiên tại các KBT, tuy nhiên xây dựng và tăng cường các chính sách thu hút đầu tư, phát triển sinh kế địa phương cũng rất quan trọng. Theo đó, các doanh nghiệp có thể tạo thêm việc làm và cung cấp các dịch vụ chất lượng, như chỗ ở và nhà hàng, sẽ thu hút khách nhiều hơn đến tham quan, trải nghiệm tại các KBT.
Tăng cường sự tham gia của cộng đồng và chia sẻ lợi ích giữa các bên là chìa khóa quan trọng để thúc đẩy phát triển du lịch thiên nhiên, bảo tồn và phát triển cộng đồng. Doanh thu từ các hoạt động du lịch cần phải được chia sẻ với cộng đồng người dân bản địa và các bên liên quan khác. Nếu cuộc sống và sinh kế của cộng đồng người dân bản địa bị ảnh hưởng, thiệt hại do các thay đổi trong hoạch định chính sách và thực hiện công tác bảo tồn và phát triển du lịch thiên nhiên thì các quyền lợi về kinh tế xã hội của họ cần phải được bồi thường thoả đáng từ Nhà nước và các doanh nghiệp.
Chính vì vậy, các kế hoạch phục hồi kinh tế xã hội sau đại dịch sẽ thúc đẩy du lịch thiên nhiên, thân thiện với môi trường, từ đó tạo thêm nhiều công ăn việc làm cho cộng đồng địa phương, cải thiện thu nhập và tăng cường bảo tồn đa dạng sinh học tại các KBT thiên nhiên.
TS. Ngân Ngọc Vỹ - (tổng thợp theo WEF/Diễn đàn kinh tế thế giới)