Từ bỏ công việc văn phòng ổn định, Tuấn Anh tìm thấy đam mê từ các mô hình tiểu cảnh xưa. Những lon bia, bìa giấy… tưởng chừng bị bỏ đi, nay được tái chế thành những mô hình sinh động về khung cảnh Sài Gòn xưa, góc phố Hà Nội...
Tính đến thời điểm hiện tại, Phạm Tuấn Anh (28 tuổi, Nghệ An) đã cho ra đời được khoảng 40 sản phẩm. Anh thường mất khoảng 7 ngày cho một sản phẩm thông thường. Còn đối với những sản phẩm đòi hỏi tính tỉ mỉ cao hơn, thời gian sẽ mất khoảng 15 ngày để hoàn thiện nó.
Khung cảnh phố đường tàu - Hà Nội đầy sống động. (Ảnh: Báo NLĐ)
Mô hình những ngôi nhà miền Tây. (Ảnh: Báo Thanh Niên)
Được biết, Phạm Tuấn Anh là cựu sinh viên ngành trắc địa công trình, Trường Cao đẳng Giao thông vận tải Trung ương IV. Thời gian đầu khởi công, Tuấn Anh gặp không ít khó khăn. Anh phải lên mạng tìm hiểu kỹ từng công đoạn, cách để tạo nên một mô hình tiểu cảnh. Sau khoảng thời gian tìm tòi, tận dụng những vật liệu sẵn có, anh bắt tay vào thực hiện.
Theo Tuấn Anh, điều khó khăn nhất khi tái hiện những mô hình tiểu cảnh chính là phải không ngừng sáng tạo, tỉ mỉ và tính kiên trì. Nếu không kiên trì thì sẽ không thể nào làm được.
Khung cảnh làng quê miền Trung năm 1968.
“Những đứa con tinh thần này góp phần tái hiện các hình ảnh xưa, giúp thế hệ trẻ hình dung rõ hơn về đất nước một thời đã xa. Ở đó, còn có mô hình khắc họa khung cảnh phố cổ Hà Nội, sông nước miền Tây, danh lam thắng cảnh của Việt Nam, hình ảnh thời bao cấp hay các thời kỳ trước đó... Nội dung các mô hình đều hướng về mục đích góp phần gìn giữ những giá trị xưa cũ trong tâm trí thế hệ trẻ hôm nay", Tuấn Anh chia sẻ.
Đặc biệt, trong loạt tiểu cảnh Tuấn Anh từng làm, anh dành nhiều tâm huyết nhất là mô hình tái hiện khung cảnh Sài Gòn năm 1968. Từ những thông tin qua giấy báo, internet, Tuấn Anh đã tận dụng bìa giấy, vỏ lon bia, biến chúng thành những ngôi nhà, tiệm cà phê, khung cảnh đường phố Sài Gòn những ngày xưa cũ.
Tiểu cảnh những dãy phố của Sài Gòn thập niên 1960. (Ảnh: Báo NLĐ)
Chia sẻ về lý do thực hiện mô hình Sài Gòn năm 1968, chàng trai trẻ cho biết: “Vốn là người thích hoài cổ, tôi luôn mong muốn những sản phẩm của mình sẽ lưu giữ, truyền cảm hứng và gợi nhớ lại được phần nào ký ức tuổi thơ cho mọi người. Đó là lý do vì sao tôi làm nên mô hình Sài Gòn những năm 1960”.
Trong tương lai, anh dự định sẽ mở một tiệm cà phê để trưng bày các sản phẩm của mình. Anh hi vọng, những mô hình của anh sẽ giúp thế hệ trẻ hình dung rõ hơn hình ảnh đất nước những ngày xưa cũ, qua đó nâng cao tinh thần yêu nước, yêu quê hương.
Mô hình góc phố Huế năm 1968. (Ảnh: Báo Thanh Niên)
Đáng chú ý, những mô hình tái chế này giúp cho nhiều bạn trẻ có một góc nhìn khác hơn về Sài Gòn. Đinh Thanh Toàn, sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM nhận xét rằng: “Từ những mô hình này, vừa có tính giải trí mà lại không mang cảm giác nhàm chán cho người xem. Càng xem nhiều mô hình, mình càng thấy yêu hơn quê hương mình”.
Còn theo chia sẻ của bạn Nguyễn Văn Nam Anh, sinh viên Trường ĐH Khoa học (ĐH Huế): “Với yêu cầu phát triển của xã hội, những ngôi nhà cổ, mái ngói dần được thay bằng những công trình kiên cố, bê tông hóa các con đường. Và những mô hình này tái hiện một Sài Gòn xưa như thế này giúp những người trẻ hình dung về được một Sài Gòn xưa mà trước giờ chỉ thấy qua phim ảnh”.
Lan Anh (T/h)