Xã Nhân Nghĩa (Hoà Bình): Giữ bản sắc văn hóa nhà sàn Mường

Cập nhật: 26/10/2021
Kiến trúc nhà sàn mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc Mường với vật liệu truyền thống bằng gỗ, tuy nhiên, trải qua thời gian bị xuống cấp, mối mọt, cột kèo gỗ để dựng nhà cũng khan hiếm, không được khai thác. Với giá thành rẻ hơn, chất lượng bền, đẹp không kém những nhà sàn truyền thống, người dân xã Nhân Nghĩa (Lạc Sơn) đã lựa chọn xây nhà sàn bê tông thay nhà sàn gỗ, góp phần bảo vệ môi trường, gìn giữ bản sắc văn hóa truyền thống.

Căn nhà sàn bê tông khang trang, nổi bật là niềm tự hào của gia đình anh Bùi Văn Dương, xóm Vó Trên, xã Nhân Nghĩa (Lạc Sơn). 

Căn nhà sàn bê tông khang trang mới khánh thành đầu năm 2021 của anh Bùi Văn Dương với tổng chi phí xây dựng gần 1 tỷ đồng là căn nhà đẹp nhất xóm Vó Trên. Căn nhà sàn rộng 80 m2 với đầy đủ tiện nghi là niềm tự hào của gia đình. Anh Dương cho biết: "Trước kia, cả gia đình 3 thế hệ đều ở trong căn nhà sàn gỗ truyền thống, nhưng căn nhà đã quá cũ, nhiều chỗ bị hỏng, mối mọt không có vật liệu để thay thế. Tôi quyết định dành số tiền tiết kiệm xây nhà sàn bê tông thật đẹp. So với nhà tầng hiện đại, nhà sàn bê tông khá thoáng mát, vững chãi và vẫn giữ nguyên giá trị truyền thống, gia đình tôi ai nấy đều rất hài lòng”.

Anh Bùi Văn Thơm, Trưởng xóm Vó Trên cho biết: "Hiện, 70/201 hộ trong xóm đã xây dựng nhà sàn bê tông thay vì xây nhà tầng theo kiến trúc hiện đại. Với chi phí 400 - 500 triệu đồng có thể xây một căn nhà khang trang, rộng rãi với tuổi thọ lâu dài. Khi nhận thấy việc xây dựng nhà sàn bê tông không chỉ bảo tồn nét văn hóa dân tộc, nếp sinh hoạt truyền thống, mà còn góp phần bảo vệ môi trường, tiết kiệm nhiều chi phí so với xây dựng nhà tầng mà vẫn thoáng mát, tiện lợi, nhiều hộ đã hưởng ứng làm theo”.

Đi dọc các con đường xóm Vó Trên, Vó Giữa, Bui… nơi đâu cũng thấp thoáng những căn nhà sàn sơn màu giả gỗ mái đỏ, tô điểm đậm đà nét văn hóa dân tộc Mường. Được biết, tỷ lệ nhà sàn bê tông trên địa bàn xã đạt gần 60%. Chi phí xây dựng mỗi nhà thường dao dộng từ 400 - 600 triệu đồng, hộ có điều kiện xây căn nhà sàn cả tỷ đồng, đều do đội thợ xây chuyên làm nhà sàn bê tông trong xã thi công. Không chỉ là những căn nhà 3 gian, 2 chái truyền thống, hộ có điều kiện mở rộng đến 5 - 6 gian, nhiều buồng ngủ, công trình phụ khép kín, bếp hiện đại. Sinh hoạt trong nếp nhà sàn, kết cấu bê tông, cột kèo vững chắc giữa vườn cây đơm hoa, kết trái, tiện nghi ti vi, tủ lạnh, điều hòa đầy đủ làm cuộc sống bản Mường thêm ấm no.

Đồng chí Bùi Lý Tưởng, Chủ tịch UBND xã cho biết: "Việc gìn giữ, bảo tồn nét văn hóa truyền thống, trong đó có kiến trúc nhà sàn được xã đặc biệt quan tâm. Công tác bảo vệ rừng được đặt lên hàng đầu, nguồn nguyên, vật liệu để xây dựng nhà sàn gỗ truyền thống ngày càng hạn chế, do đó, việc xây dựng nhà sàn bê tông là rất thiết thực. Xã đã tuyên truyền, vận động người dân giữ gìn bản sắc văn hóa, xây nhà sàn bê tông thay vì xây nhà tầng kiến trúc hiện đại, được đông đảo người dân hưởng ứng. Nhà sàn bê tông được xây dựng kết hợp cải tạo bể chứa nước, nhà tiêu hợp vệ sinh, di dời chuồng trại xa khỏi nơi ở. Hướng tới xây dựng xã Nhân Nghĩa trở thành đô thị loại V vào năm 2025, việc phát huy các giá trị truyền thống, giữ gìn bản sắc văn hóa, cải tạo môi trường sống của người dân rất cần thiết”.

Xã Nhân Nghĩa có trên 90% đồng bào dân tộc Mường sinh sống, xã vẫn còn nhiều nhà sàn gỗ truyền thống đã xuống cấp, nhà tạm, việc xây dựng nhà sàn bê tông thoáng mát, không bó buộc trong kiến trúc nhà tầng đem lại nhiều tiện ích, giữ gìn bản sắc văn hóa, tô điểm thêm nét trù phú khu vực trung tâm vùng Cộng Hòa.

Hoàng Anh

Nguồn: Báo Hoà Bình