Hệ sinh thái đa dạng trên Hòn Khoai - Cụm đảo Việt Nam gần xích đạo nhất

Cập nhật: 27/10/2021
Cụm đảo Hòn Khoai là một trong những cụm đảo xinh đẹp nhất của miền cực Nam Tổ quốc, với vẻ đẹp hoang sơ, bãi biển trong xanh, hệ sinh thái đa dạng, bảo tồn nhiều động, thực vật quý hiếm.

Đảo Hòn Khoai thuộc xã Tân Ân, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau, nằm cách đất liền 14,6 km, còn có tên gọi khác là Hòn Giáng Tiên, Hòn Giáng Hương hay Hòn Độc Lập.

Hòn Khoai được biết đến là một quần đảo bao gồm 5 hòn đảo sát nhau: Hòn Khoai, Hòn Sao, Hòn Đồi Mồi, Hòn Đá Lẻ, Hòn Tương với tổng diện tích hơn 4 km2. Trong đó đảo cao nhất có độ cao 318 m.

Cụm đảo Hòn Khoai có tọa độ từ 8o22’46” đến 8o27’30” độ Vĩ Bắc và từ 104o48’30” đến 104o52’30” độ Kinh Đông. (Ảnh minh họa)

Đây là cụm đảo nằm ở vĩ độ thấp nhất so với phần đất liền và nằm giữa biển trên thềm lục địa nên khí hậu có tính chất nhiệt đới gió mùa cận xích đạo và tính hải dương: Nóng quanh năm, nền nhiệt cao (tổng lượng nhiệt trong năm hơn 9.000 oC với nhiệt độ không khí trung bình năm là 26,7 oC) rất ít thay đổi trong ngày và trong năm; Lượng mưa khá nhiều (trung bình năm đạt 2.078 mm) và phân hóa theo 2 mùa rõ rệt.

Hòn Khoai là đảo đá, đồi và rừng còn gần như nguyên vẹn với nhiều loại gỗ quý, động thực vật phong phú, phong cảnh thiên nhiên hoang dã.  Rừng nguyên sinh trên đảo đa dạng, phong phú với hơn 1.000 loài thực vật và hàng trăm loài động vật.

Đỉnh đảo Hòn Khoai có ngọn hải đăng do Pháp xây dựng từ 1920, hình khối vuông, mỗi cạnh dài 4 m, cao 12,5 m, kết cấu bằng đá hộc và xi-măng, công suất quét sáng bán kính 35 km. (Ảnh minh họa)

Hải đăng Hòn Khoai là một trong những công trình đèn biển có mặt sớm nhất tại hải phận Việt Nam, dù đã gần 100 năm nhưng kiến trúc vẫn còn nguyên vẹn, và nằm trong hệ thống đèn biển Cần Giờ - Côn Đảo - Hòn Khoai - Phú Quốc, chiếu sáng cho tàu thuyền qua lại trên biển.

Trong đó, hệ thực vật rất phong phú, với hơn 1.400 loài: Cây ăn trái gồm xoài, dừa... Cây lấy gỗ gồm lim, bằng lăng, chiêu liêu, dầu rái, muỗng, quế quan, rè vàng, thị rừng, trám mạo, trâm trắng... Cây làm thuốc có cốt toái bổ lá lớn, cốt toái bổ lá nhỏ, dây tiết dê, huyết rồng, khoai mài, ngũ gia bì, quế quan, sầu đâu, thần thông, thiên kim đằng,...

Dưới tán rừng trên đảo Hòn Khoai là nơi trú ngụ của nhiều loài động vật hoang dã như heo rừng, kỳ đà, trăn, rắn...

Biển Hòn Khoai có những bãi cát rộng. Khi thủy triều xuống, biển lặng, du khách có thể đi bộ trên bãi cát để tìm hiểu sự sống của các loài sinh vật biển và hít thở không khí trong lành của rừng, của biển.

Trên đảo còn có rất nhiều hoa vông đỏ, bằng lăng tím. Đặc biệt, khi mùa xuân về trên Hòn Khoai, hoa mai nở vàng khắp đảo. (Ảnh minh họa)

Đường đi lại trên đảo có một con đường chính từ Bãi Lớn đến đỉnh đảo dài khoảng 3 km đã được trải nhựa phẳng phiu. Trên đảo còn có nhiều dòng suối tự nhiên, trong đó có 2 suối lớn, nước ngọt chảy quanh năm, là nguồn cung cấp nước cho đảo và tàu đánh cá quanh khu vực.

Trên đảo Hòn Khoai có 2 bãi biển, gồm Bãi Lớn ở phía Đông Nam và Bãi Nhỏ ở phía Bắc, với những viên đá nằm ngổn ngang, chồng chất lên nhau chạy dài khắp bãi. (Ảnh minh họa)

Vì đảo ít cư dân sinh sống nên chỉ có vài ba quán tạp hóa nhỏ, chủ yếu là các lính biên phòng canh giữ biển đảo. Chính vì điều đó mà Hòn Khoai vẫn giữ được nét đẹp hoang sơ hiếm nơi nào có được để thu hút nhiều khách du lịch khám phá.

Những du khách đến với đảo không chỉ thưởng thức cảnh đẹp hoang sơ mà cũng kịp ghi lại cho mình những bức ảnh đẹp. (Ảnh minh họa)

Điều làm cho du khách khách mãi nhớ đến Hòn Khoai, có lẽ chính là tấm chân tình mến khách của những người lính đảo, những người ngày đêm canh giữ biển trời cho vùng đảo quê hương. Và chắc hẳn khi rời xa, du khách sẽ càng thêm yêu mến một Hòn Khoai xinh đẹp.

Nguyễn Linh (T/h)

Nguồn: Báo Kinh tế môi trường