Đổi rác thải lấy thực phẩm sạch đang là một ý tưởng sáng tạo trong công tác bảo vệ môi trường được rất nhiều người dân Thủ Đô ủng hộ.
Chương trình “đổi rác thải lấy thực phẩm sạch” được người dân trên địa bàn thành phố ủng hộ tích cực.
Đây được xem là một ý tưởng mới lạ, thiết thực thu hút sự quan tâm của người dân Thủ đô do Công Ty Cổ Phần tư vấn kinh tế và phát triển nông thôn Việt Nam triển khai. Xuất hiện từ khi dịch bệnh còn căng thẳng, gian hàng “ đổi rác lấy thực phẩm” đã trở thành điểm hẹn quen thuộc của nhiều người dân. Theo đó, khi người dân mang các loại rác có khả năng tái chế như: giấy, bìa cứng, chai nhựa, vỏ lon, xoong nồi cũ… sẽ được quy đổi sang giá tiền niêm yết để mua lương thực, thực phẩm tại những gian hàng này. Không chỉ hỗ trợ người có hoàn cảnh khó khăn bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, mà còn truyền đi những thông điệp mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, động viên mọi người cùng chung tay bảo vệ môi trường.
Bảng giá quy đổi phế liệu được công khai tới người dân.
Theo ông Trần Ngọc Tuấn (đại diện của đơn vị tổ chức) chủ gian hàng thực phẩm tại địa chỉ số 3 Quốc Tử Giám (quận Đống Đa, Hà Nội) cho biết: “Đây trước là điểm cung ứng thực phẩm giúp bà con tại vùng đỏ nơi người dân không đi mua được. Khi bắt đầu trở lại trạng thái bình thường mới chúng tôi bắt đầu biến nơi này thành các gian hàng đôi rác thải lấy thực phẩm sạch. Hoạt động được đẩy mạnh thường xuyên, thường kỳ và nhân rộng khắp toàn thành phố Hà Nội, tiến đến mở rộng quy mô toàn quốc.”
Các loại nông sản như: rau, củ quả, thịt, hải sản,… được trưng bày từ sáng sớm, mở cửa từ 6h sáng đến 18h tối hằng ngày. Theo đó, những phế liệu này khi mang tới sẽ được quy thành tiền và người dân lấy thực phẩm mang về tương ứng số tiền có được. Thực phẩm đổi phế liệu ở đây đều có truy xuất nguồn gốc rõ ràng, đạt tiêu chuẩn VietGAP, đã qua kiểm định, bảo đảm an toàn, không chất bảo quản, không thuốc trừ sâu, không thuốc tăng trưởng và được cung ứng theo ngày để đảm bảo thực thẩm tươi, sạch cho bà con. Mỗi ngày gian hàng thu mua trung bình từ 100 đến 150 kg phế liệu, thậm chí có ngày lên đến hơn 200 kg.
Sản phẩm được cung ứng trong ngày để đảm bảo thực phẩm tươi, sạch cho bà con.
Chị Thu Hà người dân tại khu Văn Miếu chia sẻ: “Tôi đã từng thấy mô hình đổi rác thải lấy cây xanh nhưng nhìn lại mô hình này nó lại thiết thực nhiều hơn nữa. Vừa xử lý được rác thải vừa có luôn thực phẩm sạch cho gia đình. Tôi nghĩ cần nhân rộng mô hình này hơn nữa”
Từ ngày 22.9 vừa qua UBND Quận Đống Đa đã kết hợp cùng Công ty Cổ phần Tư vấn và Phát triển nông thôn Việt Nam (E&CVN) phát động và triển khai Chương trình Đổi phế liệu lấy thực phẩm sạch. Ông Tuấn cho biết, đây là sự kết hợp của ba nhà: Nhà nông – nhà nước – nhà cung ứng. Chương trình không chỉ giúp nông dân có nơi tiêu thụ sản phẩm, người tiêu dùng có thực phẩm tươi, sạch mà còn góp phần gìn giữ môi trường xanh sạch đẹp. Nhiều trường hợp người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn đến đây, chúng tôi còn tặng miễn phí thực phẩm cho họ để động viên vượt qua mùa dịch.
Gian hàng “đổi rác lấy thực phẩm sạch” còn tạo điều kiện cho những lao động nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn có cơ hội được tiếp cận với những nguồn thực phẩm đảm bảo an toàn cho sức khỏe.
Tại đây luôn tuân thủ các quy định phòng chống dịch như vách ngăn, quét mã QR khai báo, xịt khuẩn,… Hiện tại chương trình nhận được sự quan tâm tích cực của người dân. Tuy mới phát triển nhưng phải thấy rằng thông điệp tích cực từ chương trình này cần lan tỏa mạnh hơn nữa. Một trong những giá trị tích cực và lớn lao nhất là gia tăng ý thức bảo vệ môi trường, góp phần thiết thực của mỗi người vào việc giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường, đặc biệt là từ rác thải của một đô thị lớn như TP Hà Nội với dân số cả chục triệu người.
Hà Linh