Văn Từ Thượng Phúc: Nơi lưu giữ giá trị văn hóa - lịch sử

Cập nhật: 29/10/2021
Văn Từ Thượng Phúc nơi thờ phụng và tôn vinh các bậc tiên hiền, các nhà khoa bảng của huyện Thượng Phúc xưa (nay là huyện Thường Tín, Hà Nội). Từ việc xác định văn hóa - lịch sử vừa là nền tảng, là động lực phát triển, từ nguồn xã hội hóa, huyện Thường Tín đã triển khai dự án: Xây dựng và phát huy giá trị văn hóa lịch sử công trình Văn Từ Thượng Phúc, tạo nên một quần thể không gian truyền thống giàu bản sắc của miền "đất danh hương".


Khu Văn Từ Thượng Phúc - nơi diễn ra Lễ hội Khai bút đầu xuân hằng năm.

Theo sách “Các nhà khoa bảng, trí thức, nghệ nhân tiêu biểu huyện Thường Tín, giai đoạn 1075-2015”, mảnh đất này có 68 nhà khoa bảng được vinh danh. Xưa kia, có Văn Từ Thượng Phúc là nơi thờ các bậc hiền tài, khoa bảng của “đất trăm nghề” phía Nam Kinh thành Thăng Long.

Ông Nguyễn Duy Ngoạn, thôn Văn Hội (xã Văn Bình) cho biết: Văn Từ Thượng Phúc là minh chứng cho tinh thần hiếu học, cho truyền thống văn hóa - lịch sử của Thường Tín. Theo những ghi chép trên hệ thống văn bia còn lưu lại ở Văn Từ Thượng Phúc và các thác bản văn bia của Viện Viễn Đông Bác cổ, Viện nghiên cứu Hán Nôm thì Văn Từ Thượng Phúc do Tiến sĩ Dương Công Độ xây dựng tại xã An Duyên, tổng Tín An (nay thuộc thôn An Duyên, xã Tô Hiệu, huyện Thường Tín) vào năm Chính Hòa thứ 16 (1695). Bên cạnh việc xây dựng Văn Từ, Tiến sĩ Dương Công Độ cho soạn văn bia, khắc tên tuổi các nhà khoa bảng (đỗ Đại khoa - Tiến sĩ) của huyện Thượng Phúc.

Đến năm 1755, Văn Từ bị hư hại xuống cấp, trải qua nhiều lần tu tạo kỳ công, thời điểm Văn Từ Thượng Phúc là nơi linh thiêng, kính lễ một vùng. Tuy nhiên, khuôn viên Văn Từ nhỏ hẹp, lại ở nơi thấp trũng heo hút, nên lễ hội thường vắng vẻ. Thêm nữa lại ở nơi đất thấp, cuối mùa thu hay lụt lội, nên việc tế lễ thường không đúng kỳ. Đến năm Tân Mùi (1811), tường Văn Từ bị nước lũ cuốn trôi. Năm Nhâm Thân (1812), Hội Tư Văn của Văn Từ Thượng Phúc bàn tính, dời chuyển đồ thờ tự, văn bia… về thôn Văn Hội, xã Văn Giáp, huyện Thượng Phúc (nay là thôn Văn Hội, xã Văn Bình, huyện Thường Tín) và xây dựng khu Văn Từ. Sau khi hoàn thành, Văn Từ trở nên tráng lệ, uy nghi. Dù vậy, trải qua những giai đoạn thăng trầm lịch sử, sự biến thiên của thời gian, Văn Từ đã bị xuống cấp nghiêm trọng.

Đồng chí Nguyễn Chí Tình, Bí thư Đảng ủy xã Văn Bình cho biết: “Nhằm bảo tồn, phát huy giá trị của công trình lịch sử này, ngày 24-11-2019, Huyện ủy - HĐND - UBND - Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện Thường Tín đã khởi công dự án: Xây dựng và phát huy giá trị văn hóa lịch sử công trình Văn Từ Thượng Phúc, thôn Văn Hội. Dự án có tổng diện tích 3.516m2  với các hạng mục công trình gồm: Tiền tế, thiêu hương, hậu cung, tả vu - hữu vu, nhà bia, đồng trụ và các công trình phụ trợ... với tổng mức đầu tư là 50 tỷ đồng từ nguồn vốn xã hội hóa. Sau hơn 1 năm triển khai thi công, toàn bộ các hạng mục của công trình đã được hoàn thành và đưa vào hoạt động”.

“Văn Từ Thượng Phúc được xây dựng nhằm phát huy giá trị truyền thống khoa bảng, truyền thống hiếu học của huyện Thượng Phúc xưa (huyện Thường Tín ngày nay), khôi phục lại nơi tôn thờ và ghi danh các bậc hiền tài, các nhà khoa bảng, qua đó kế thừa các giá trị văn hóa - lịch sử; đồng thời phát huy những giá trị truyền thống từ ngàn đời của vùng “đất danh hương”, “đất trăm nghề”, ông Nguyễn Duy Ngoạn chia sẻ với phóng viên Báo Hànộimới.

Hằng năm, vào dịp đầu xuân (ngày mùng 9 tháng Giêng âm lịch), Lễ hội Khai bút được tổ chức tại đây. Đặc biệt, những mùa thi, nơi đây đón hàng nghìn lượt khách về xin chữ, tham quan, du lịch, cùng với đó là những ước mơ kỳ vọng cho việc học tập thành công trong tương lai của các sĩ tử.

Văn Từ Thượng Phúc nơi ghi danh các nhà khoa bảng, đây thực sự được coi là những biểu tượng của tinh thần yêu nước, hiếu học, những tấm gương sáng, tạo động lực cho thế hệ người Thường Tín, đặc biệt là thế hệ trẻ noi gương học tập, kế tục phát huy những tinh hoa của các bậc tiền nhân để lại cho hậu thế.

Phó Chủ tịch UBND huyện Thường Tín Bùi Công Thản cho biết, từ thành công và ý nghĩa lịch sử, văn hóa của khu Văn Từ Thượng Phúc, huyện đang báo cáo thành phố Hà Nội cho phép triển khai dự án xây dựng khu lưu niệm anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa Nguyễn Trãi, xã Nhị Khê. Theo kế hoạch, dự án với tổng diện tích sau khi được mở rộng là 3,5ha gồm các công trình: Bảo tồn khu trại Ổi, ao Huê; xây dựng nhà lưu niệm theo hướng trưng bày hiện vật có liên quan đến danh nhân Nguyễn Trãi; khu giới thiệu giáo dục truyền thống về lịch sử, sự nghiệp, đóng góp của danh nhân Nguyễn Trãi đối với Thủ đô, đất nước; khu các công trình phụ trợ cần xây dựng khu dịch vụ, trải nghiệm di sản, vườn hoa, cây xanh, tiểu cảnh; nơi đón tiếp khách, bãi đỗ xe…

“Cùng với khu Văn Từ Thượng Phúc, khu lưu niệm anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa Nguyễn Trãi sẽ là những dấu ấn lịch sử truyền thống của huyện, là điểm nhấn quan trọng trong phát triển chuỗi du lịch văn hóa, lịch sử của Thường Tín”, Phó Chủ tịch UBND huyện Thường Tín Bùi Công Thản chia sẻ.

Đỗ Minh

Nguồn: Báo Hà Nội mới