Sau thời gian thực hiện công tác rà soát, thống kê và đánh giá, Sở Du lịch TP. Hồ Chí Minh vừa chính thức công bố Bộ Tài nguyên du lịch trên địa bàn thành phố.
Ông Trần Vũ Bình (ngồi giữa) – người khai mở các điểm đến “Biệt động Sài Gòn” đang thuyết trình cho du khách nghe về ý nghĩa và công tác sưu tầm các hiện vật
Theo đó, tài nguyên du lịch TP. Hồ Chí Minh hiện có 366 điểm đến hấp dẫn, được đánh giá là có khả năng khai thác và thu hút khách du lịch, tập trung chủ yếu ở 4 nhóm tài nguyên chính: tài nguyên du lịch tự nhiên, tài nguyên du lịch văn hóa vật thể, tài nguyên du lịch văn hóa phi vật thể, và tài nguyên du lịch gắn với công trình nhân tạo hấp dẫn. Trong đó, có 13 điểm đến được hình thành từ nguồn tài nguyên du lịch tự nhiên, tập trung ở các tài nguyên chính như sông Sài Gòn, rừng ngập mặn và biển đảo; 225 điểm đến hấp dẫn mang đặc trưng riêng của Sài Gòn xưa và nay được hình thành từ nguồn tài nguyên du lịch văn hóa như các di tích văn hóa - lịch sử, nhà trưng bày văn hóa, bảo tàng, hội quán, đình, chùa, miếu, nhà thờ, làng nghề; 8 hoạt động gắn với du lịch được hình thành từ các lễ hội dân gian, lễ hội hiện đại, tập tục truyền thống, những chương trình nghệ thuật; 120 điểm đến được hình thành từ các phố chuyên doanh, phố cổ, phố cộng đồng có phục vụ du lịch cùng với các công trình nhân tạo mang tính hấp dẫn du khách.
Qua đó, TP. Hồ Chí Minh định hướng 7 nhóm sản phẩm du lịch chủ lực trong thời gian tới là các nhóm sản phẩm về văn hóa - lịch sử, ẩm thực, mua sắm, giải trí và hoạt động về đêm, khám phá thiên nhiên, MICE kết hợp giao thương và y tế - sức khỏe. Từ đây định hình 5 tuyến du lịch chính bao gồm: city tour, tuyến trung tâm thành phố - hướng Đông thành phố (TP. Thủ Đức), tuyến trung tâm thành phố - hướng Nam thành phố (Bình Chánh), tuyến trung tâm thành phố - hướng Tây Bắc thành phố (Hóc Môn, Củ Chi), và tuyến trung tâm thành phố - hướng Đông Nam thành phố (Nhà Bè, Cần Giờ). Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng đang cùng các chuyên gia du lịch nghiên cứu thiết kế 42 chương trình tour gắn với các chủ đề: Sài Gòn xưa và nay, cảm xúc Sài Gòn, nhịp sống Sài Gòn.
Được biết, trong nỗ lực phục hồi ngành Du lịch TP. Hồ Chí Minh phát triển trở lại trong điều kiện thích ứng an toàn với dịch COVID-19 ở giai đoạn cuối năm 2021 và đầu năm 2022, Sở Du lịch TP. Hồ Chí Minh đã có những định hướng chiến lược sản phẩm, sắp tới sẽ tập trung cải thiện chất lượng sản phẩm điểm đến, nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch, gia tăng trải nghiệm để đáp ứng nhu cầu của thị trường du lịch theo hướng chuyên nghiệp hơn, chú trọng về chất lượng và trải nghiệm dành cho du khách.
Theo ông Trần Vũ Bình - người khai mở các điểm đến trong chương trình tham quan các di tích chiến tích “Biệt động Sài Gòn”, việc công bố Bộ Tài nguyên du lịch của TP. Hồ Chí Minh mang ý nghĩa rất quan trọng trong công tác đánh giá tiềm năng du lịch đặc trưng, góp phần hình thành nên các sản phẩm hấp dẫn, kết nối các tuyến điểm, dịch vụ du lịch và phát triển các sản phẩm du lịch; nâng cao chất lượng và tạo sự phong phú, đa dạng hơn về các điểm đến để phục vụ cho khách du lịch trong và ngoài nước; đồng thời, tạo thêm nguồn dữ liệu về tài nguyên du lịch phong phú, đa dạng để các doanh nghiệp lữ hành có thể khai thác, kết nối và xây dựng các chương trình du lịch phục vụ khách du lịch đến với thành phố. Mặt khác, cũng sẽ thuận lợi hơn trong việc kết nối với các tỉnh, thành để tạo nên những chương trình du lịch liên tuyến, tạo ra những sản phẩm đa dạng và phong phú cho khách du lịch lựa chọn. Ngoài ra, khách du lịch và những người đam mê du lịch có thể tự xây dựng cho mình những lịch trình du lịch tại thành phố mang màu sắc trải nghiệm riêng biệt.
Cao Phương