Trái đất đang nóng dần lên, thiên tai diễn ra ở nhiều quốc gia, thiệt hại lớn về người và của. Riêng Việt Nam, dường như năm nào cũng có bão lụt. Việc cấp bách dễ thực hiện nhất là con người cố gắng thực hiện chế độ ăn chay, bảo vệ môi trường.
Những công dân ăn chay
Từ hơn 2.600 năm trước, người Ấn Độ có truyền thống ăn chay, rất nhiều dòng họ trên đất nước này đã và đang ăn chay cho đến nay. Do từ thời Đức Thích Ca còn tại thế đã khuyến tấn các đệ tử là không nên sát sinh, sau khi Đức Phật nhập Niết bàn thì các Tỳ Kheo đã đồng loạt ăn chay để tránh giết động vật.
Tại Nhật Bản, từ năm 675, Thiên hoàng Tenmu là Hoàng đế thứ 40 của nước này. Tenmu ban lệnh cấm giết động vật trong lãnh thổ, từ vua đến các quan quần thần tới hệ thống gia đình hoàng tộc đều thực hiện nghiêm túc, bất cứ người dân nào giết động vật đều bị xử tử. Điều luật này đồng nghĩa với việc toàn quốc đều ăn chay và đã được tồn tại suốt 12 thế kỷ.
Cho đến thời kỳ Phục hưng vấn đề ăn chay đã vượt ra ngoài tôn giáo trở thành nếp văn hóa ăn phổ biến rộng rãi trên thế giới. Từ khoảng năm 1838, phong trào ăn chay phát triển ở châu Âu nổi lên thuật ngữ “Vegetarian”, mà nước Anh là quốc gia có nhiều người ăn chay nhiều nhất được gọi là “Công dân ăn chay”, một tổ chức “Society Vegetarian (Hiệp hội ăn chay) ra đời từ năm 1847, sau đó phong trào không ăn thịt lan rộng đến nước lân cận là Đức, Áo, Pháp, Italia, Bỉ, Hà Lan và các nước lân cận.
Song hành với chế độ ăn chay từ thuở xa xưa đó còn có các danh nhân trên thế giới. Có thể kể đến nhà danh họa người Italia, còn là nhà điêu khắc, là thi sĩ nổi tiếng trên thế giới là Léonard Da Vinci (1452 - 1519). Ông nói “Ăn chay là đạo đức của con người. Ăn chay sẽ tránh được những tội ác về sát sinh...”. Người ta còn thấy các trang nhật ký của ông viết nhiều các câu danh ngôn về lòng từ bi bác ái và luôn luôn có những hành động yêu thương các loài sinh vật khác.
Đại văn hào Léon Tolstoi (1828 - 1910) đã ăn chay trường từ năm 1885. Ông cũng chủ trương không sát sinh và luôn nói đến vấn đề ăn chay và hòa bình. Ông cảnh báo những bạo động xảy ra triền miên trên thế giới chỉ vì loài người không biết tự kiềm chế tham vọng của mình. Sự kiện càng ngày càng tệ hại hơn và có thể xảy ra những cuộc chiến tranh khốc liệt làm xáo trộn cuộc sống an bình của nhân loại.
Nhà bác học Albert Einstein (1879 - 1955) đã từng nói: “Không gì đem lại lợi ích cho sức khỏe con người và sự tồn tại của trái đất này bằng việc chuyển hóa sang chế độ ăn chay”.
Ngoài ra còn có nhà toán học lừng danh trên thế giới Pythagore, nhà kinh tế gia Adam Smith (1723 - 1790). Thời đương đại có diễn viên điện ảnh nổi tiếng như Richard Gere (Mỹ), cầu thủ bóng đá tên tuổi như Roberto Baggio (Italia) là những người ăn chay trường.
Tiến sĩ Aarol Altshule, trong quyển Protein: Their Chemistry and Politics (Protein: Hóa Học và Chính Trị) đã viết: “Nếu chúng ta sử dụng một diện tích đất 1 mẫu Anh (4.046 m2) để trồng hoa màu cung cấp lương thực cho người ăn chay, ta sẽ được một sản lượng gấp 20 lần nếu dùng đất ấy để chăn nuôi súc vật lấy thịt. Tại Mỹ, phân nửa diện tích đất để trồng trọt được dùng để sản xuất thực phẩm gia súc. Tôi nghĩ rằng nếu toàn bộ đất đai canh tác trên quả địa cầu này đều được dùng để sản xuất nông phẩm cho loài người thì chúng ta sẽ có khả năng cung ứng đầy đủ lương thực cho 20 tỷ dân số trên thế giới một cách dễ dàng”.
Nước Đức có Hiệp hội ăn chay từ năm 1892 ra đời tại thành phố Leipzig có tên quốc tế là ProVeg (viết tắt là VEVU). Hiện Hiệp hội ăn chay của Đức có khoảng 14.000 thành viên, trụ sở của Hiệp hội ở thủ đô Berlin. Hiệp hội là thành viên của Liên minh Người ăn chay châu Âu (EVU) và của Liên minh Người ăn chay Quốc tế (IVU).
Ở Đức, tỷ lệ người ăn chay ở các thành phố lớn với khoảng hơn 500.000 người nằm ở các tiểu bang Baden-Württemberg, Bavaria, Bremen, Hamburg, Mecklenburg-Western Pomerania, Lower Saxony, Schleswig-Holstein, Thuringia. Ngoài những người ăn chay trường thì hầu hết khẩu phần của những người tham gia ăn chay đều không ăn thịt, cá hoặc ít thịt hoặc cá so với bình thường.
Trong số những người ăn chay trường ở Đức có những nghệ sĩ nổi tiếng như: Nữ ca sĩ nhạc rock là Doro Pesch, nam nghệ sĩ guitar Mille Petrozza, nghệ sĩ Chris Liebing DJ, nữ diễn viên - nhà văn Franka Potente, nữ diễn viên người Đức gốc Mỹ Tia Mowry... và các vận động viên thể thao khác...
Nước Đức có Lễ hội ăn chay “Veganes Sommerfest” tổ chức vào tháng 8 hằng năm tại Berlin. Trong Lễ hội ăn chay, ban tổ chức còn làm riêng một dãy bàn các món chay cho trẻ em. Hai năm qua, do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, Lễ hội ăn chay đã tạm hoãn.
Ở châu Âu những nhà tri thức dành lời nói cho những người ăn chay rằng: “Đây là những thiên thần giải cứu động vật không bị giết” và coi những người ăn chay là có cách sống trí tuệ để sống khỏe.
Truyền thống ăn chay ở Việt Nam
Tại Việt Nam, đạo Phật được người Ấn Độ - là các thương gia truyền vào từ đường biển ở thế kỷ thứ 6, họ đều mang theo thức ăn chay, ăn chay tại Việt Nam cũng được thực hiện từ thuở đó. Từ thời Hoàng đế Lý Công Uẩn đã theo đạo Phật, cho đến đời nhà Lý trải qua 14 đời vua đều theo đạo Phật, vua và dân chúng đã là Phật tử thì đều ăn chay. Đến đời nhà Trần thì nổi lên một vị Phật xuất thân là một vị vua là Trần Nhân Tông, sau khi dẹp giặc ổn định Sơn Hà đã truyền lại ngôi báu cho Thái Tử, Ngài lên núi lập địa thành chùa tạo ra phái Thiền Lâm ở Việt Nam ban phát tuyền thống Từ Bi Trí Tuệ cho dân chúng và hàng Phật tử Việt Nam cho đến nay.
Ngày nay, ý thức ăn chay ở Việt Nam phát triển không chỉ trong các tôn giáo mà trong giới trí thức, nghệ sĩ, các cán bộ, công nhân viên chức cũng ăn chay. Tại bếp ăn tập thể của Nhà máy thuốc lá Sài Gòn, từ hàng chục năm qua vào các ngày vía Phật có đến 70% người báo với nhà bếp nấu món chay.
Nghệ sĩ nhân dân Bạch Tuyết đã có nhiều chục năm ăn chay trường, Nhà hát Kịch Hà Nội rất nhiều nghệ sĩ thực hiện chế độ ăn chay. Nghệ sĩ nhân dân Hoàng Cúc cũng ăn chay từ hàng chục năm trước, cách đây gần chục năm không may bị bệnh nan y nhưng chị vẫn thực hiện chế độ ăn nhiều rau, củ quả, các loại đậu, hạn chế ăn thịt, cá để bỏ đói ung thư. Theo chị, ăn chay không những dưỡng tâm và dưỡng sức. Chị nói rằng “mỗi lần ăn chay thấy thân tâm nhẹ nhõm, điều quan trọng là hỗ trợ nhiều cho sức khỏe...”.
Nghệ sĩ nhân dân Thu Hà theo bà mẹ ăn chay từ khi còn bé. Nghệ sĩ cải lương Kim Tiểu Long từ năm 2013 đóng vai Đức Phật cũng thực hiện chế độ ăn chay trường.
Nhà văn Nguyễn Đình Thi khi còn sống cũng từng ăn chay, những nghệ sĩ tên tuổi như Nghệ sĩ nhân dân Phạm Thị Thành, diễn viên điện ảnh - Nghệ sĩ nhân dân Minh Đức, Á hậu Trương Thị Mây, ca sĩ Hồ Quỳnh Hương, ca sĩ Phương Thanh, Nghệ sĩ ưu tú Bảo Quốc cùng gia đình... Với các nghệ sĩ, ăn chay là vì tâm đức và cũng là phương pháp bảo dưỡng nhan sắc.
Với những người nổi tiếng ăn chay không vì tôn giáo, giá trị tinh thần của họ là mục đích sống xanh góp phần giảm khí thải vào môi trường và tiết kiệm dành lương thực cho người nghèo. Vì ăn chay là cách tri ân nhất với trái đất, là cách ăn uống nhân văn nhất của nhân loại.
PGS, TS Trần Xuân Mai từng tự nấu món ăn chay tại nhà, nói: "Khi ăn chay, tôi thấy rất thanh thản, bản thân có thể soi lại cái tâm và biết được đã làm điều gì chưa đúng, phải điều chỉnh lại việc sắp làm tốt hơn. Bớt lo lắng, bình tĩnh xử lý mọi tình huống công việc hằng ngày sáng suốt hơn".
Ăn chay và dinh dưỡng
Kịch tác gia nổi tiếng Bernard Shaw người Đức (1856 - 1950) đã được giải thưởng về văn học nghệ thuật Nobel năm 1925, ông ăn chay trường từ năm 25 tuổi. Có lần ông bị bệnh đến bác sĩ khám, bác sĩ khuyên Bernard Shaw không nên ăn chay nên chuyển sang ăn mặn nếu không ông sẽ toi mạng vì kiệt sức. Nhưng Bernard Shaw nói: “Tôi không ăn các thây ma của động vật”. Bernard Shaw vẫn tiếp tục ăn chay, ông không ăn sơ sài như trước và nghiêm túc trong mỗi bữa ăn, ông đã lựa chọn những rau củ quả và thảo mộc trong đó có lúa mì, ngô, các loại đậu để cơ thể hấp thụ được nhiều canxi bổ sung vào bữa ăn để trị bệnh".
Theo bác sĩ dinh dưỡng Nguyễn Thị Kim Huệ, ăn chay có thể phòng, chống nhiều bệnh, trước hết là bệnh tim, sau đó là tiểu đường, béo phì, tránh sỏi mật, chống sa sút trí tuệ, bảo vệ làn da...
Theo bác sĩ dinh dưỡng Nguyễn Thị Kim Hưng thì “Trong nấm có nhiều chất sắt và kẽm. Các dưỡng chất chứa axit folic, vitamin B có trong các loại ngũ cốc như gạo lứt, bánh mì, bột mì đen, mì ý. Các loạt đậu có chứa lượng lớn chất xơ, protein, sắt, folate, canxi và kẽm như đậu lăng, đậu tương, đậu đen, đậu phộng, hạt điều, mè... có dưỡng chất không kém gì thịt, cá cung cấp hydratcacbon cho hoạt động của hệ thần kinh và quá trình tiêu hoá diễn ra được tốt, cung cấp cho cơ thể một lượng đạm không đầy đủ. Thực phẩm có lượng vitamin A cung cấp folate, chất xơ, canxi, lutin, kẽm như bông cải xanh hay còn gọi là súp lơ, có khả năng giúp sáng mắt. Ngoài ra còn có pho mát chứa rất nhiều canxi, Phosphor và Magnesi cần thiết cho sự phát triển xương. Các loại trái cây có chứa lượng lớn cacbonhydrat, vitamin C, kẽm, folate, chất xơ. Riêng dâu tây có chất phytonutrient có khả năng bảo vệ tế bào”.
Các vị nghiên cứu khoa học ở Mỹ đã từng công bố là những người ăn nhiều thịt thường bị bệnh tiểu đường từ 25 đến 45% so với người ăn chay. Và các thống kê của các bệnh viện cũng cho thấy 90% trường hợp đến trị bệnh đều là người ăn mặn.
Chính vì hiểu sâu xa ý nghĩa đó nên đã có rất nhiều người trên thế giới đã thực hiện chế độ ăn chay, tiết kiệm ngân sách, gia đình hòa thuận, giảm ô nhiễm môi trường.
Ăn chay cho dù là người tu hành, người ăn kiêng, người ăn do ăn đạo đức đều là thái độ ứng xử tốt nhất với môi trường cho thế hệ con cháu chúng ta được hít thở trong môi sinh trong lành./.
Nguyễn Thị Trâm (Cộng hòa Liên bang Đức)