Phát động Tháng nói không với nhựa dùng một lần vì Việt Nam năng động và xanh

Cập nhật: 04/11/2021
Nhằm đẩy mạnh triển khai Chương trình phối hợp về công tác BVMT giữa Bộ TNMT với Bộ Giáo dục và Đào tạo giai đoạn 2019 - 2025, ngày 1/11/2021, Trung tâm Truyền thông TNMT, Bộ TNMT đã phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo các tỉnh, thành phố cùng sự đồng hành của Nhãn hàng Nestlé - Milo Việt Nam triển khai phát động Chương trình “Tháng nói không với nhựa dùng một lần” và Cuộc thi Sáng tạo về môi trường Vì một sân chơi Việt Nam năng động và xanh.

Đây là chương trình nhằm kích thích sự sáng tạo, bùng nổ nhiệt huyết của các em học sinh, thông qua chương trình giáo dục về môi trường. Qua đó, từng bước giáo dục thói quen tiêu dùng xanh tại các trường học, xây dựng ý thức và định hướng học sinh giảm thiểu, hạn chế, từ chối nhựa sử dụng một lần, khuyến khích sử dụng sản phẩm thân thiện với môi trường.

Đáng chú ý, Chương trình có nhiều giải thưởng hấp dẫn, mang tính khích lệ, động viên tinh thần các nhà vô địch, gồm 5 giải phong trào với phần thưởng là bộ dụng cụ thể thao (khung bóng rổ) làm từ vỏ hộp sữa tái chế trị giá 25.000.000VNĐ/sân. Ngoài ra, 200 giải cá nhân với phần thưởng là bộ quà năng lượng xanh và được đăng tải bài dự thi lên Trang chính thức (Facebook Page) của Trung tâm truyền thông TN&MT.

Thông qua các chương trình giáo dục và Cuộc thi, Ban Tổ chức mong muốn từng bước giáo dục thói quen, lối sống xanh tại các trường học; xây dựng nhận thức và định hướng các em học sinh giảm thiểu, hạn chế, từ chối đồ nhựa sử dụng một lần; khuyến khích sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường như túi giấy, túi vải sử dụng nhiều lần, túi ni lông tự phân hủy, túi dệt từ sợi ni lông sử dụng nhiều lần… Từ đó hình thành ý thức, trách nhiệm BVMT - ngôi nhà chung của Trái đất.

Học sinh trường Tiểu học Lý Thường Kiệt (Hà Nội) thu gom pin điện tử đã qua sử dụng

Báo cáo của Liên hợp quốc cho thấy, hàng năm lượng rác nhựa thải ra đủ để bao quanh Trái đất 4 lần. Mỗi phút có 1.000 túi nhựa được tiêu thụ, nhưng chỉ có 27% trong số chúng được xử lý và tái chế. Rác thải nhựa nằm lại dưới đáy đại dương rất nhiều và sẽ tồn tại trong nhiều thế kỷ, trở thành một phần thức ăn đầu độc các loài sinh vật biển. Theo dự báo của các nhà khoa học, khối lượng rác nhựa đến năm 2050 ở các đại dương sẽ nặng hơn khối lượng của cá.

Báo cáo này cũng xếp Việt Nam ở vị trí thứ 17 trong 109 quốc gia có mức độ ô nhiễm rác nhựa lớn trên thế giới. Theo Vụ Quản lý Chất thải, Tổng cục Môi trường Bộ TN&MT, chỉ số nhựa tiêu thụ tính trên đầu người tại Việt Nam tăng nhanh trong những năm qua. Nếu như năm 1990, mỗi người Việt tiêu thụ khoảng 3,8 kg/năm thì đến năm 2015, con số này đã tăng lên 49 kg/người/năm (gấp gần 13 lần). Từ đầu năm 2021, Bộ TN&MT đã triển khai Chiến dịch “Nói không với ống hút nhựa” với sự đồng hành từ phía nhãn hàng Nestlé MILO để nâng cao nhận thức của cộng đồng về tác hại của rác thải nhựa.

Trong giai đoạn 1 diễn ra (từ tháng 6 đến tháng 8/2021), Chiến dịch được phát động và kêu gọi hưởng ứng từ “98 triệu nhà vô địch nói không với ống hút nhựa”. Giai đoạn 2 (từ tháng 10 đến tháng 12/2021) với các hoạt động hưởng ứng Chiến dịch “Làm cho Thế giới sạch hơn” của Bộ TN&MT, đồng thời lan tỏa, đẩy mạnh Chiến dịch “Nói không với ống hút nhựa”, mở rộng đối tượng tuyên truyền đến trẻ em, học sinh và trường học.

Gia Linh

Nguồn: Tạp chí Môi trường