Ngày 4/11/2021, tại Hà Nội, Tổng cục Môi trường đã tổ chức Hội thảo trực tuyến khởi động chuẩn bị văn kiện Dự án “Thúc đẩy bảo tồn động vật hoang dã và du lịch có trách nhiệm dựa vào thiên nhiên vì sự phát triển bền vững ở Việt Nam”. Hội thảo có sự tham dự của 40 điểm cầu tại các Bộ, ngành, các tổ chức quốc tế, vườn quốc gia, khu bảo tồn, viện nghiên cứu…
Trong khoảng 20 năm trở lại đây, phát triển du lịch sinh thái và du lịch dựa vào thiên nhiên đã bắt đầu được quan tâm tại Việt Nam; tạo ra những lợi ích kinh tế - xã hội cho địa phương, góp phần tạo công ăn việc làm ổn định và xóa đói giảm nghèo. Các hoạt động du lịch có trách nhiệm với thiên nhiên, môi trường cũng đã góp phần gìn giữ, bảo tồn các hệ sinh thái, các loài động thực vật hoang dã bản địa. Tuy nhiên, qua điều tra, khảo sát của Bộ Tài nguyên và Môi trường, hiện nay vẫn còn nhiều khu bảo tồn thiên nhiên và các điểm du lịch có đa dạng sinh học cao đang bị ảnh hưởng từ áp lực phát triển hạ tầng du lịch, phát triển du lịch sinh thái không bền vững, làm vượt quá sức chịu tải của môi trường, tác động tiêu cực đến môi trường sống của các loài hoang dã.
Việt Nam là một trong những quốc gia có đa dạng sinh học cao trên thế giới
Để giải quyết những tồn tại, khó khăn nêu trên, thời gian qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, địa phương, các vườn quốc gia, khu bảo tồn triển khai nhiều giải pháp từ xây dựng chính sách đến tổ chức triển khai kiểm tra, giám sát, tuyên truyền, hướng dẫn và phổ biến pháp luật về bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học… Đặc biệt, để phát triển du lịch sinh thái gắn với bảo tồn đa dạng sinh học, với sự ủng hộ, hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, từ năm 2018, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã khởi xướng đề xuất Dự án “Thúc đẩy bảo tồn loài hoang dã và du lịch dựa vào thiên nhiên có trách nhiệm vì sự phát triển bền vững ở Việt Nam” và đề nghị Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF) tài trợ thông qua Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP). Mục tiêu chính của Dự án là bảo tồn đa dạng sinh học để phát triển du lịch dựa vào thiên nhiên song song với việc phát triển du lịch dựa vào thiên nhiên có trách nhiệm góp phần bảo tồn đa dạng sinh học; thúc đẩy việc thực hiện thành công các mục tiêu và nhiệm vụ của Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2030 và Khung toàn cầu về đa dạng sinh học sau năm 2030. Bản ý tưởng xác định Dự án đã được GEF thông qua ngày 17/5/2021.
Việt Nam hứa hẹn là điểm đến hấp dẫn cho các hoạt động du lịch trải nghiệm
Tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung trao đổi, thảo luận một số vấn đề chính như nhận diện, xác định cụ thể các vấn đề cần giải quyết trong khuôn khổ Dự án; đề xuất giải pháp và cách thức phối hợp giữa các bên liên quan để quá trình xây dựng và triển khai Dự án đạt hiệu quả cao, bảo đảm tính khả thi, phù hợp, huy động tối đa sự tham gia của các bên liên quan. Bên cạnh đó, các đại biểu cho rằng, để làm tốt công tác bảo tồn động vật hoang dã, những người làm du lịch cần ý thức được trách nhiệm và vai trò của mình trong việc bảo tồn động vật hoang dã, bảo tồn sự đa dạng sinh học cũng như tuyên truyền đến du khách về vấn đề này. Để góp phần giảm thiểu buôn bán trái phép động vật hoang dã, các doanh nghiệp du lịch cần có cam kết thực hiện việc du lịch có trách nhiệm, không mua bán và sử dụng các sản phẩm bắt nguồn từ động vật hoang dã; Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thông tin đến người dân và khách du lịch không tiêu thụ trái phép động, thực vật hoang dã, định hướng tới người dân những sản phẩm không được mua bán; Khuyến khích người dân tham gia vào việc bảo vệ các giống loài hoang dã nguy cấp; Thúc đẩy các hoạt động bảo tồn môi trường sống cho các giống loài hoang dã.
Việt Nam được đánh giá là có nguồn tài nguyên đa dạng sinh học vô cùng phong phú, có tầm quan trọng đối với đời sống tự nhiên và con người không chỉ ở phạm vi quốc gia mà còn ở phạm vi khu vực và toàn cầu. Các hệ sinh thái với các cảnh quan thiên nhiên kỳ vĩ, sự phong phú và đa dạng của rừng, rạn san hô, thảm cỏ biển, các vùng đất ngập nước, các loài động, thực vật đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, tạo lợi thế cho phát triển nhiều ngành kinh tế, trong đó có du lịch. Với lợi thế về cảnh sắc thiên nhiên, đặc biệt là hệ thống hơn 180 khu bảo tồn, Việt Nam hứa hẹn là điểm đến hấp dẫn cho các hoạt động du lịch trải nghiệm, khám phá và nghỉ dưỡng trong khu vực và trên thế giới. Vì vậy, thúc đẩy bảo tồn động vật hoang dã và du lịch có trách nhiệm dựa vào thiên nhiên vì sự phát triển bền vững ở Việt Nam là xu hướng tất yếu và yêu cầu cần thiết hiện nay.
Nguyên Hằng