Đồng bằng sông Cửu Long trù phú, đâu chỉ có cây lúa với vuông tôm… Nhiều mô hình kinh tế du lịch tận dụng lợi thế về cảnh quan và sản phẩm nông nghiệp được các doanh nghiệp, tổ hợp tác… đầu tư khai thác hiệu quả, thu hút đông du khách, mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân trong vùng.
Người dân miệt vườn sông nước Cần Thơ mưu sinh trên chợ nổi Cái Răng. Ảnh: Nguyễn Đăng
Nhiều mô hình hiệu quả
Thời điểm chưa diễn ra dịch Covid-19, mỗi năm vườn ca-cao Mười Cương (TP Cần Thơ) đón hàng nghìn lượt khách tham quan lưu trú, chủ yếu là khách quốc tế. Vườn ca-cao Mười Cương do ông Lâm Thế Cương làm chủ, cung cấp cho du khách các dịch vụ ăn uống sử dụng các sản vật địa phương, lưu trú homestay, cho thuê xe đạp tham quan quanh vùng miệt vườn, cung cấp các sản phẩm từ chính nhà vườn cho du khách làm quà… Du khách còn tham gia các hoạt động tại nhà vườn, trải nghiệm cuộc sống của người nông dân miệt vườn chất phác và bình dị. Đặc biệt, du khách sẽ được tận mắt trải nghiệm quá trình chế biến ca-cao thủ công thành các sản phẩm rượu vang ca-cao, kẹo ca-cao, bơ ca-cao, bột ca-cao…
Vườn sinh thái Út Cưng (An Giang) do ông Nguyễn Văn Cưng đầu tư khai thác cũng trồng đa dạng các loại cây ăn trái, từ dừa, xoài, bưởi cho đến táo, mận, khóm… Trong vườn có mương thả cá, du khách tham quan vườn có thể lựa chọn bơi xuồng khám phá khu vườn, tự tay hái trái cây, câu cá lên thưởng thức. Nhà vườn cũng phục vụ các món đặc sản ẩm thực miền sông nước cho du khách có nhu cầu. Ngoài đón khách trải nghiệm, giải trí cuối tuần, vườn sinh thái Út Cưng còn thu hút một phần lượng khách ghé qua sau khi viếng Bà Chúa Xứ núi Sam.
Hay như farmstay Sân Tiên trên Cù lao Dung (Sóc Trăng) phục vụ du khách các dịch vụ lưu trú, ăn uống, tour tham quan trải nghiệm đi cầu tre dưới tán rừng, câu cua, câu cá, tham quan rừng bần, bãi nghêu bằng thuyền du lịch… mang đến cơ hội thỏa sức trải nghiệm thiên nhiên, khám phá lịch sử một vùng rộng lớn với khoảng 23.000 ha những vườn cây ăn trái trĩu quả, những rẫy mía, những vuông tôm, những rừng bần bạt ngàn…
Đại diện Trung tâm Thông tin xúc tiến du lịch Sóc Trăng chia sẻ: Du lịch cộng đồng đã giúp nâng cao nhận thức của người dân Sóc Trăng về tiềm năng và vai trò, vị trí của du lịch, đem lại thu nhập, góp phần xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống cho nhiều hộ gia đình ở địa phương. Nhiều địa phương khác, người dân cũng nhờ phát triển du lịch mà ổn định cuộc sống. Theo anh Lương Trọng Đức, một tài công đò chở khách du lịch đi thăm chợ nổi Cái Răng (Cần Thơ), các công ty du lịch thường ký hợp đồng cố định với các chủ đò. Mỗi chuyến, công ty du lịch trả cho chủ đò khoảng 400.000 - 500.000 đồng. Chủ đò còn có thể ký hợp đồng trực tiếp với du khách để tăng thu nhập, và cũng có thể tranh thủ bán thêm các sản phẩm quà lưu niệm, nguồn thu cũng khá ổn định.
Tăng kết nối, tạo đầu mối
Các chuyên gia du lịch cho rằng: Để hoạt động du lịch phát triển bền vững ở bất kỳ địa phương nào, tài nguyên và sản phẩm du lịch là hai yếu tố chính. Tuy nhiên, để phát triển liên vùng thì yếu tố kết nối cần được đặt lên hàng đầu, trong đó giao thông giữ vai trò rất quan trọng.
Những năm qua, hệ thống giao thông khu vực đồng bằng sông Cửu Long đã được đầu tư nâng cấp, cải thiện rõ rệt, đặc biệt là tuyến quốc lộ 1 kết nối thành phố Cần Thơ với tỉnh Kiên Giang… Nhiều công trình, dự án trọng điểm được phê duyệt, triển khai như: Cầu Rạch Miễu 2, cầu Mỹ Thuận 2, cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 1 đoạn từ thị xã Ngã Bảy (tỉnh Hậu Giang) đến huyện Châu Thành (Sóc Trăng) tuyến tránh quốc lộ 1A qua thành phố Cà Mau… Bên cạnh đó, hiện vùng đất này có hai sân bay quốc tế là Phú Quốc và Cần Thơ, hai sân bay nội địa là Rạch Giá (Kiên Giang) và Cà Mau. Hệ thống sông ngòi, kênh rạch chằng chịt cũng tạo nên mạng lưới giao thông thủy nội địa, hỗ trợ việc phục vụ du khách càng thêm thuận lợi.
Những năm gần đây, du lịch vùng đồng bằng sông Cửu Long đã có sự kết nối chặt chẽ với TP Hồ Chí Minh và các địa phương phía bắc, trọng tâm tập trung vào tăng cường trao đổi các thông tin về tình hình phát triển du lịch, công tác đào tạo nhân lực, chia sẻ cơ hội hợp tác… Các địa phương thuộc đồng bằng, trên cơ sở tiềm năng, lợi thế, năng lực cạnh tranh… cũng hợp tác phát triển sản phẩm du lịch liên kết vùng và của từng địa phương, đẩy mạnh quảng bá xúc tiến du lịch, phát triển nguồn nhân lực du lịch chất lượng cho vùng và kêu gọi đầu tư phát triển các hạ tầng phục vụ du lịch. Đặc biệt là khai thác lợi thế về đặc điểm tự nhiên, sinh thái, văn hóa, con người, phát triển loại hình du lịch miệt vườn, du lịch sông nước, du lịch sinh thái gắn với các khu bảo tồn thiên nhiên. Nhiều khu dự trữ sinh quyển, du lịch sinh thái, văn hóa sông nước, làng nghề đã trở thành các điểm du lịch thu hút du khách.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Đoàn Tấn Bửu, để thực hiện hiệu quả việc liên kết phát triển du lịch, các địa phương vùng đồng bằng sông Cửu Long cần khai thác hiệu quả hơn vai trò của TP Hồ Chí Minh - một trong hai trung tâm phân phối khách lớn nhất cả nước - như đầu mối kết nối chính với vùng
Phước Hà