Ngày 15/11, UBND thành phố Hà Nội ban hành Quyết định số 4839/QĐ-UBND về việc công nhận điểm du lịch Di tích quốc gia đặc biệt Cổ Loa (xã Cổ Loa, huyện Đông Anh).
Điểm du lịch Di tích quốc gia đặc biệt Cổ Loa.
UBND thành phố giao Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội có trách nhiệm thực hiện tổ chức quản lý, khai thác, phát triển điểm du lịch theo đúng quy định của Luật Du lịch và các văn bản liên quan.
Ngày 27/9/2012, Di tích lịch sử kiến trúc nghệ thuật và khảo cổ Cổ Loa đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt. Di tích quốc gia đặc biệt Cổ Loa (Khu di tích Cổ Loa) nằm trên địa bàn xã Cổ Loa và các xã Việt Hùng, Dục Tú, Uy Nỗ (huyện Đông Anh). Nơi đây không chỉ được biết đến với sự hình thành Nhà nước Âu Lạc (khoảng từ năm 208 - 179 trước Công nguyên) mà còn là nơi hội tụ 3 hệ giá trị: Lịch sử - sinh thái - nhân văn đặc sắc, tạo nên những giá trị độc đáo hiếm có.
Theo thống kê, trong khu vực Cổ Loa hiện có khoảng 60 di tích (trong đó có 7 di tích cấp quốc gia), bao gồm các loại hình: Di tích kiến trúc nghệ thuật, di tích lịch sử, cách mạng, di chỉ khảo cổ học, điển hình như khu đền Thượng thờ An Dương Vương, đền thờ tướng Cao Lỗ, am thờ công chúa Mỵ Châu và chùa Bảo Sơn... Trong các đền, chùa còn có nhiều hiện vật khảo cổ được khai quật trong Thành cổ như tượng đồng, mũi tên đồng và các món đồ bằng sứ, đá, được chạm khắc tinh tế.
Cổ Loa ngày nay không chỉ là một di sản văn hóa, một bằng chứng về sự sáng tạo, về trình độ kỹ thuật cũng như văn hóa của người Việt cổ trong công cuộc giữ nước và chống ngoại xâm, mà còn là một điểm đến lý tưởng cho các du khách thập phương muốn khám phá những giá trị văn hóa, những hình ảnh quen thuộc của một làng quê Bắc Bộ thanh bình. Đối với người dân nơi đây, thành Cổ Loa vẫn giữ vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần và sinh hoạt văn hóa. Vào ngày mùng 6 tháng Giêng hằng năm, nhân dân nơi đây còn tổ chức Lễ hội Cổ Loa thu hút nhiều du khách thập phương./.
Hoàng Lân