Bổ sung, hoàn thiện chính sách, pháp luật về kinh doanh bất động sản du lịch

Cập nhật: 17/11/2021
Để giúp các doanh nghiệp đầu tư kinh doanh bất động sản “gượng dậy”, phát triển sau đại dịch COVID -19; đồng thời cải thiện môi trường đầu tư và nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về thị trường bất động sản, việc bổ sung, hoàn thiện chính sách, pháp luật về kinh doanh bất động sản du lịch là rất cần thiết.

Sáng 16/11, tại trường ĐH Luật Hà Nội, đông đảo đại biểu trong nước và quốc tế đã tham dự Hội thảo khoa học quốc tế với chủ đề: “Chính sách, pháp luật về bất động sản du lịch - Những vấn đề đặt ra cho Việt Nam”. Hội thảo được tổ chức dưới hình thức trực tuyến và trực tiếp do Khoa Pháp luật Kinh tế - Trường Đại học Luật Hà Nội và Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam (VIRES) là đơn vị thực hiện, Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam (Reatimes.vn) - đơn vị bảo trợ truyền thông. Tập đoàn CEO là nhà tài trợ.

Quang cảnh Hội thảo tại điểm cầu ĐH Luật Hà Nội. (Ảnh: PV)

Hội thảo có sự góp mặt của hơn 30 chuyên gia, nhà khoa học trong lĩnh vực kinh tế, luật học và đặc biệt lĩnh vực kinh doanh bất động sản với đại diện Hiệp hội Bất động sản đến từ Hoa Kỳ, Singapore, Thái Lan, Indonesia và nhiều quốc gia khác và 40 đơn vị báo chí, truyền thông đến đưa tin.

Phát biểu khai mạc hội thảo, TS Phan Chí Hiếu, Thứ trưởng Bộ Tư pháp khẳng định, Hội thảo lần này diễn ra trong bối cảnh cả nước đang chung sức thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, đồng thời nỗ lực thực hiện mục tiêu kép, vừa phòng chống đại dịch COVID-19, vừa bảo đảm phát triển sản xuất và ổn định các mặt đời sống xã hội. Hội thảo đã có một sức hút nhất định khi nhận được sự quan tâm của các ban, bộ, ngành trung ương và địa phương, các đại biểu Quốc hội, đại diện các tổ chức quốc tế, các hiệp hội kinh doanh bất động sản của nhiều quốc gia trên thế giới, các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, các vị khách quý và các nhà khoa học. Do đó, tin tưởng rằng, Hội thảo sẽ tập trung phân tích một cách toàn diện, sâu sắc, luận giải kỹ và rõ về chủ trương, đường lối của Đảng đối với việc phát triển đồng bộ các loại thị trường, trong đó có thị trường bất động sản, chỉ ra những điểm nghẽn trong thể chế và quy định về bất động sản du lịch hiện nay, đóng góp các quan điểm khoa học, các luận cứ thực tiễn để tiếp tục hoàn thiện chính sách và pháp luật đối với lĩnh vực kinh doanh bất động sản du lịch tại Việt Nam.

TS Phan Chí Hiếu, Thứ trưởng Bộ Tư pháp phát biểu tại Hội thảo. (Ảnh chụp màn hình)

Nhân dịp này, Thứ trưởng, TS Phan Chí Hiếu đề nghị, trên cơ sở các tham luận của hội thảo, những ý kiến trao đổi tại hội thảo, Ban tổ chức sẽ tổng hợp ý kiến, đề xuất các giải pháp tháo gỡ những bất cập của thị trường bất động sản du lịch từ đó báo cáo các cơ quan có thẩm quyền để có những biện pháp phù hợp nhằm hoàn thiện môi trường kinh doanh, thúc đẩy sự phát triển của thị trường bất động sản du lịch, đóng góp tích cực vào sự tăng trưởng chung của nền kinh tế.

Cũng trong khuôn khổ Hội thảo, TS Đoàn Trung Kiên, Hiệu trưởng Trường Đại học Luật Hà Nội cho biết, Hội thảo nhận được hơn 50 kiến nghị, đề xuất từ các chuyên gia trong và ngoài nước, đặc biệt có 33 tham luận khoa học được gửi đến với sự kết tinh tiếng nói, sự phản biện chính sách của các nhà khoa học, các chuyên gia pháp luật trong và ngoài nước về thực trạng chính sách, pháp luật về bất động sản du lịch; kinh nghiệm quốc tế và những kiến nghị hoàn thiện chính sách, pháp luật.

Theo nhận định của TS Đoàn Trung Kiên, trong những năm qua, phân khúc thị trường bất động sản du lịch phát triển vô cùng sôi động và ngoạn mục với nhiều sản phẩm bất động sản cao cấp ra đời như: Condotel, shophouse, shoptel, resort, homestay, farmstay… ra đời không chỉ đáp ứng nhu cầu nghỉ dưỡng, giải trí ngày càng cao của du khách mà còn tạo thêm nhiều cơ hội kinh doanh hấp dẫn cho các nhà đầu tư thứ cấp và người dân, đem lại nguồn thu lớn cho ngân sách nhà nước, là động lực quan trọng cho sự tăng trưởng của thị trường bất động sản nói chung. Tuy nhiên, chính sách, pháp luật về kinh doanh bất động sản du lịch chưa đầy đủ, thống nhất, đồng bộ đã và đang gây lúng túng cho công tác quản lý nhà nước về thị trường bất động sản ở các địa phương và là “điểm nghẽn” cho hoạt động đầu tư kinh doanh ở phân khúc bất động sản này.

Hội thảo diễn ra bằng hình thức trực tiếp và trực tuyến. (Ảnh chụp màn hình)

Đồng quan điểm trên, ông Đoàn Văn Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Chủ tịch Tập đoàn CEO, đồng Trưởng ban Tổ chức Hội thảo cho rằng, Hội thảo là diễn đàn để lắng nghe những chia sẻ của các chuyên gia về kinh nghiệm quốc tế và khuyến nghị chính sách; đưa ra sáng kiến lập pháp, góp phần xây dựng và hoàn thiện hành lang pháp lý cho thị trường bất động sản du lịch Việt Nam trước thềm sửa đổi Luật Đất đai 2013 và các luật có liên quan, nhất là trong bối cảnh hậu COVID-19.

Với các trao đổi và thảo luận theo hai phiên: (1) - Chính sách, pháp luật về thị trường bất động sản du lịch - kinh nghiệm quốc tế và những gợi mở cho Việt Nam và (2) - Kiến nghị và giải pháp xây dựng chính sách, pháp luật cho thị trường bất động sản du lịch Việt Nam, Hội thảo đã nhận diện những xu hướng phát triển và nút thắt pháp lý của thị trường bất động sản du lịch Việt Nam; Vai trò quản lý và điều tiết thị trường bất động sản du lịch của Nhà nước; sự tham gia, vận động và phát triển thị trường của các chủ thể quốc tế và trong nước; Những cơ hội và thách thức về chính sách, pháp luật đối với các chủ thể tham gia vào thị trường bất động sản du lịch ở Việt Nam và cùng các chuyên gia đề xuất những giải pháp phù hợp để hoàn thiện chính sách, pháp luật cho thị trường bất động sản du lịch Việt Nam, dựa trên kinh nghiệm của các nước trên thế giới.

Chuyên gia quốc tế trình bày tham luận tại Hội thảo. (Ảnh chụp màn hình)

Định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021 – 2030 trong Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã nêu rõ: “Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tư duy, xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển bền vững về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, môi trường..., tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc; khơi dậy mọi tiềm năng và nguồn lực, tạo động lực mới cho sự phát triển nhanh và bền vững đất nước” đồng thời tiếp tục “huy động, phân bổ, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, tạo động lực để phát triển kinh tế nhanh và bền vững; hoàn thiện hệ thống pháp luật… khắc phục những điểm nghẽn cản trở sự phát triển của đất nước”. Những định hướng lớn này cho thấy, Đảng và Nhà nước rất quan tâm đến việc khơi dậy mọi tiềm năng và nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời coi việc hoàn thiện hệ thống pháp luật là một trong những mục tiêu ưu tiên để hóa giải, tháo gỡ những “điểm nghẽn” của quá trình phát triển, trong đó có thị trường bất động sản nói chung và thị trường bất động sản du lịch nói riêng./.

Hà Anh

Nguồn: Báo Đảng Cộng sản