(TITC) - Sáng ngày 17/11, tại Hà Nội đã diễn ra Hội thảo “Phục hồi và phát triển Du lịch nông thôn tại đồng bằng sông Cửu Long”. Hội thảo do Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Lê Phúc; Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Thanh Tùng và Phó Trưởng Đại diện Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO) tại Việt Nam Pawin Padungtod đồng chủ trì.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Lê Phúc phát biểu tại hội thảo (Ảnh: TITC)
Phát biểu tại hội thảo, Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Lê Phúc cho biết, Việt Nam là đất nước gắn với nông nghiệp. Tài nguyên thiên nhiên và đặc trưng văn hóa vùng miền đặc sắc, trù phú là những tiền đề để du lịch nông thôn phát triển ở nước ta. Du lịch nông thôn góp phần bảo tồn bản sắc cho cộng đồng, tính độc đáo của điểm đến và đa dạng sản phẩm du lịch Việt Nam, vừa mở rộng đầu ra cho nông sản, vừa góp phần xây dựng thương hiệu hàng hóa đặc thù vùng miền; đồng thời, cũng góp phần thực hiện một số tiêu chí cơ bản về xây dựng nông thôn mới, như tạo sinh kế, tăng thu nhập cho người nông dân. Du lịch nông thôn vùng sông nước đồng bằng sông Cửu Long gắn liền với sông ngòi, kênh rạch, nhiều lễ hội truyền thống dân gian, ẩm thực Nam Bộ.
Việt Nam đang từng bước phát triển loại hình du lịch nông thôn. Trong tiến trình này, ngành du lịch và ngành nông nghiệp đã và đang phối hợp chặt chẽ với nhau trong xây dựng Đề án, lồng ghép phát triển du lịch trong xây dựng nông thôn mới, trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển nông thôn. Nhiều mô hình du lịch nông nghiệp và du lịch nông thôn cũng đã nhận được sự hỗ trợ của các tổ chức phi chính phủ quốc tế và hiệp hội du lịch. Một số mô hình đã có những thành công bước đầu, đem lại nguồn sinh kế mới cho cộng đồng. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, nhiều địa phương còn gặp khó khăn trong việc vận hành, quản lý và đặc biệt là duy trì và thu hút nguồn khách du lịch.
Phó Tổng cục trưởng nhấn mạnh, để phát triển du lịch nông thôn bền vững cần đến sự chung tay của nhiều bên tham gia. Cùng với việc xây dựng chiến lược, chính sách, hỗ trợ tài chính của các cơ quan chính phủ và tổ chức phi chính phủ, nhận thức và sự hưởng ứng của cộng đồng, sự tham gia của các doanh nghiệp du lịch là hết sức cần thiết.
Phó Cục trưởng Cục trồng trọt Lê Thanh Tùng phát biểu tại hội thảo (Ảnh: TITC)
Theo Phó Cục trưởng Cục trồng trọt Lê Thanh Tùng, trong các yếu tố để hình thành ngành nông nghiệp sinh thái thì du lịch nông nghiệp nông thôn đóng vai trò quan trọng, thúc đẩy phát triển nhiều loại hình nông sản để nông nghiệp, nông thôn phát triển.
Ông Tùng nhấn mạnh, nếu sản phẩm nông nghiệp chỉ đơn thuần là những nông sản, trái cây thì chỉ đơn giản là lương thực, thực phẩm, nhưng nếu kết hợp cùng du lịch sẽ nâng tầm giá trị nông sản với giá trị văn hóa, đời sống người dân vùng nông thôn, tạo thêm sinh kế cho người dân, góp phần phát triển kinh tế-xã hội.
Tại hội thảo, đại diện Vũ Lữ hành (Tổng cục Du lịch) đã có báo cáo đánh giá hiện trạng phát triển du lịch nông thôn ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam và triển vọng tương lai trong bối cảnh đại dịch Covid-19. Theo đó, đồng bằng sông Cửu Long có hệ sinh thái rất đa dạng với hệ sinh thái vùng hạ lưu sông Mê Kông (các vùng cây ăn trái); hệ sinh thái ngập nước (Đồng Tháp, Tiền Giang, Long An…); hệ sinh thái ngập mặn ven biển (Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh…); hệ sinh thái biển đảo (Phú Quốc-Kiên Giang). Bên cạnh đó, các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long cũng có nguồn tài nguyên nhân văn thể hiện qua văn hóa miệt vườn sông nước, văn hóa Khmer, các lễ hội lớn, nghệ thuật truyền thống. Vì vậy, vùng đồng bằng sông Cửu Long có nhiều tiềm năng, thuận lợi phát triển các loại hình sản phẩm du lịch nông nghiệp, nông thôn, sinh thái, văn hóa, nghỉ dưỡng…
Toàn cảnh hội thảo (Ảnh: TITC)
Định hướng sản phẩm du lịch nông nghiệp, nông thôn tập trung vào cảnh quan thiên nhiên, trải nghiệm đa dạng, ẩm thực với những nguồn nguyên liệu sạch có lợi cho sức khỏe, nơi lưu trú thoải mái, thư giãn, gần gũi với thiên nhiên.
Để phát triển hơn nữa loại hình du lịch nông nghiệp, nông thôn tại đồng bằng sông Cửu Long, cần cơ cấu lại thị trường khách du lịch; Hình thành các trung tâm du lịch nông nghiệp; Cung ứng những dịch vụ, sản phẩm đảm bảo chất lượng tốt; Du lịch đảm bảo an toàn kết hợp với ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại, đồng thời gắn với tăng trưởng xanh, liên kết các chuỗi giá trị hình thành hệ sinh thái du lịch nông nghiệp, nông thôn phát triển xanh, bền vững.
Trong khuôn khổ hội thảo, các đại biểu đã trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về mô hình phục hồi và phát triển du lịch nông thôn thành công ở Thái Lan; Mô hình phát triển du lịch nông thôn thành công ở Tiền Giang; Xu hướng và thách thức đối với phát triển du lịch nông thôn ở khu vực ASEAN trong bối cảnh Covid-19.
Vụ trưởng Vụ Lữ hành (Tổng cục Du lịch) Nguyễn Quý Phương phát biểu tại hội thảo (Ảnh: TITC)
Về chủ đề thảo luận “Hỗ trợ của nhà nước đối với việc phục hồi và phát triển trở lại giai đoạn hậu Covid-19”, Vụ trưởng Vụ Lữ hành (Tổng cục Du lịch) Nguyễn Quý Phương cho biết, trong chính sách chung của nhà nước phát triển nông nghiệp, nông thôn, du lịch nông thôn là cấu phần quan trọng của chương trình nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025. Tổng cục Du lịch (Bộ VHTTDL) sẽ phối hợp, tham gia chương trình do Bộ NN&PTNT chủ trì, xây dựng các chương trình du lịch dành cho vùng đồng bằng sông Cửu Long sát với nhu cầu của địa phương và doanh nghiệp, qua đó góp phần hình thành những mô hình du lịch nông nghiệp, nông thôn phù hợp với những sản phẩm gắn với văn hóa địa phương, sản phẩm vùng miền.
Ông Phương cũng chia sẻ, tại các chương trình hội thảo do Bộ VHTTDL, Tổng cục Du lịch tổ chức về du lịch nông nghiệp, nông thôn, các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long đánh giá cao vai trò của du lịch trong việc tạo ra hướng đi mới cho bà con nông dân, khai thác và tiêu thụ tốt các sản phẩm nông nghiệp. Trong bối cảnh du lịch đang chịu ảnh hưởng lớn do dịch Covid-19, phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn sẽ là hướng đi phù hợp với thị trường, thị hiếu của khách du lịch.
Việc phát triển tốt du lịch nông nghiệp nông thôn cần có sự phối hợp công tư, người nông dân với doanh nghiệp, sự chỉ đạo sát sao của cơ quan quản lý nhà nước trong việc điều phối, từ đó tạo ra những sản phẩm du lịch nông nghiệp chất lượng cao, nâng cao dịch vụ, đáp ứng nhu cầu của khách du lịch.
Trung tâm Thông tin du lịch