TPHCM: Mở rộng hoạt động du lịch liên tỉnh trong an toàn

Cập nhật: 18/11/2021
TP Hồ Chí Minh bước vào giai đoạn 2 thí điểm lộ trình phục hồi du lịch sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát. Việc mở lại kết nối du lịch với các tỉnh, thành phố, nhất là các địa phương đồng bằng sông Cửu Long (ÐBSCL) là bước "làm nóng" lại các chương trình liên kết du lịch giữa thành phố với các địa phương. Ðây cũng là cách để thành phố thăm dò, tìm được tiếng nói chung nhằm phát triển du lịch trong bối cảnh dịch bệnh còn diễn biến phức tạp.

Lãnh đạo thành phố Hồ Chí Minh khảo sát các điểm du lịch tại tỉnh Bến Tre.

Trong xu hướng gia tăng trải nghiệm của du khách với chương trình du lịch "một hành trình nhiều điểm đến", thì việc liên kết lại càng cần thiết. Liên kết du lịch giữa TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố vùng ÐBSCL đã có từ rất sớm. Tuy nhiên, việc nâng liên kết lên cấp độ vùng được thực hiện bởi Ðảng bộ, chính quyền của 14 địa phương chính thức hình thành từ tháng 9/2019 tại Diễn đàn Liên kết phát triển du lịch giữa TP Hồ Chí Minh và 13 tỉnh ÐBSCL trong khuôn khổ Hội chợ Du lịch quốc tế TP Hồ Chí Minh (ITE HCMC) lần thứ 15. Thế nhưng, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, toàn bộ các tỉnh, thành phố phía nam phải thực hiện giãn cách xã hội nghiêm ngặt theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Việc liên kết du lịch vùng tạm thời bị gián đoạn trong khoảng thời gian này. Khi tình hình dịch Covid-19 tại thành phố và một số địa phương vùng ÐBSCL được kiểm soát tốt thì rất cần thiết phải mở lại liên kết du lịch, với phương châm "an toàn đến đâu, mở cửa đến đó", "mở cửa thì phải an toàn". Việc liên kết du lịch tạm thời chuyển từ cấp độ đa phương sang cấp độ song phương để thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch Covid-19 theo lộ trình kế hoạch phục hồi ngành du lịch của từng địa phương.

Theo kế hoạch thí điểm phục hồi du lịch của thành phố sau khi trở lại trạng thái bình thường mới, trong giai đoạn 2 (ngày 1/11 đến 31/12/2021), TP Hồ Chí Minh mở hoạt động du lịch nội vùng và liên tỉnh theo tiến trình kiểm soát dịch bệnh của các địa phương (mở chủ yếu trên địa bàn "vùng xanh") như Long An, Bến Tre, Ðồng Tháp… Về dịch vụ lữ hành, thành phố tổ chức theo phương thức khách đoàn đối với các chương trình du lịch có điểm đến tại nhiều tỉnh, thành phố và đối với khách du lịch từ các tỉnh, thành phố đến TP Hồ Chí Minh. Khách du lịch đang sinh sống và làm việc tại thành phố có thể chọn phương thức đi du lịch theo đoàn hoặc tự tổ chức đi đến các điểm tham quan trên địa bàn thành phố đã được kiểm soát dịch bệnh. Việc tổ chức các chương trình du lịch phải bảo đảm các điều kiện theo Bộ tiêu chí du lịch. Trong giai đoạn này, cơ sở lưu trú du lịch trên địa bàn thành phố đã kiểm soát dịch bệnh, được mở rộng hoạt động với công suất tối đa 70% và xem xét mở thêm một số dịch vụ cho cơ sở lưu trú, ăn uống tại chỗ, spa...

Bến Tre là một địa phương có tiềm năng, thế mạnh về phát triển du lịch, nhất là du lịch văn hóa - lịch sử, du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, làng nghề gắn với các sản phẩm đặc trưng từ cây dừa. Cách TP Hồ Chí Minh không xa, du khách chỉ mất khoảng từ 1,5 đến 2 giờ đồng hồ để đến với xứ dừa cũng là xứ sở quê hương Ðồng Khởi. Với những lợi thế của mình, trước dịch Covid-19 bùng phát (năm 2019), Bến Tre là địa phương đón khách quốc tế nhiều thứ hai và chiếm đến 40% lượng khách quốc tế và 11% khách du lịch nội địa của cụm Ðông khu vực ÐBSCL. Với tình hình dịch bệnh được kiểm soát tốt, Bến Tre sẽ là điểm đến thích hợp với những tua du lịch an toàn, hấp dẫn, phù hợp để các doanh nghiệp lữ hành tại TP Hồ Chí Minh khai thác. Còn tại tỉnh Long An, theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Phan Thị Thắng, để kích hoạt hoạt động du lịch liên tuyến giữa TP Hồ Chí Minh và Long An, UBND thành phố sẽ chỉ đạo Sở Du lịch thành phố khẩn trương phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Long An tổ chức các chương trình tua "hai điểm đến một cung đường" cho du khách theo lộ trình khôi phục hoạt động du lịch mà thành phố đã xây dựng và ban hành. Ngoài các chương trình du lịch giữa TP Hồ Chí Minh và Long An, UBND thành phố đề nghị Sở Du lịch hai địa phương chủ trì kết nối với các địa phương và doanh nghiệp để tổ chức thêm các chương trình du lịch đường bộ và đường thủy kết nối giữa vùng Ðông Nam Bộ - TP Hồ Chí Minh - Long An nhằm đa dạng hóa sản phẩm, kích thích nhu cầu đi du lịch và giải trí của du khách sau thời gian dài giãn cách. Ngoài ra, các tỉnh, thành phố cũng cần chủ động chuẩn bị sản phẩm cho kỳ nghỉ Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán sắp đến trên cơ sở bảo đảm các tiêu chí an toàn phòng, chống dịch bệnh.

Thực tế, việc thực hiện các tour du lịch liên tỉnh phụ thuộc rất nhiều vào tình hình diễn biến dịch bệnh tại các địa phương, những điểm đến trong liên kết du lịch của thành phố. Chính vì thế, Sở Du lịch thành phố luôn theo dõi sát tình hình dịch bệnh tại các tỉnh, thành phố để có thể xây dựng những lộ trình phát triển du lịch phù hợp. Một số đơn vị lữ hành cho rằng, trong bối cảnh sống thích ứng với dịch bệnh như hiện nay, các tỉnh, thành phố cần có những phương án cụ thể để giải quyết các tình huống khi trong đoàn khách phát hiện F0 trong thời gian đi tham quan ở địa phương đó. "Khi phát hiện F0, tour tham quan có dừng lại hay tiếp tục, F0 được cách ly thế nào,… là những điều các đơn vị lữ hành quan tâm để triển khai thực hiện những tour liên kết đến các tỉnh"- đại diện một đơn vị lữ hành cho biết.

Bài và ảnh: Bảo Linh

Nguồn: Báo Nhân dân