Tối 22-11, tại Trung tâm Triển lãm Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam (Hà Nội), triển lãm “Không gian di sản văn hóa Việt Nam” năm 2021 đã khai mạc. Gia Lai là đại diện duy nhất của khu vực Tây Nguyên góp mặt tại sự kiện này.
Chào đón Ngày Di sản văn hóa Việt Nam (23-11), Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức triển lãm trực tiếp từ ngày 22 đến 27-11; triển lãm online từ ngày 22-11 đến 31-12 trên website của Trung tâm Triển lãm Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam và Cục Di sản văn hóa, qua đó, giới thiệu, quảng bá, tôn vinh những giá trị văn hóa của Việt Nam đến người dân trong nước và bạn bè quốc tế.
Nhiều hoạt động hấp dẫn
Tuy ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 song triển lãm vẫn được tổ chức trang trọng, tiết kiệm và đảm bảo an toàn trong công tác phòng-chống. Tại tầng 1, triển lãm được trưng bày theo chủ đề “Di sản văn hóa phi vật thể Việt Nam” trưng bày ảnh di sản văn hóa phi vật thể Việt Nam được thế giới ghi danh và di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; trang phục, nhạc cụ truyền thống dùng trong các di sản văn hóa phi vật thể (Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, Dân ca quan họ Bắc Ninh, Đờn ca tài tử Nam Bộ...). Đặc biệt, phần trưng bày “Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” với một số tư liệu, hình ảnh, hiện vật, trang phục, nhạc cụ… giới thiệu về một tín ngưỡng dân gian đặc sắc, có sức sống lâu bền của người Việt.
Bên cạnh đó là khu trưng bày “Di sản văn hóa Việt Nam” do Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch các tỉnh, thành phố: Tuyên Quang, Hải Phòng, Lạng Sơn, Nam Định, Thanh Hóa, Quảng Ngãi, Gia Lai thực hiện nhằm quảng bá các di sản văn hóa của địa phương, các sản phẩm thủ công truyền thống tiêu biểu, nghệ thuật ẩm thực, sản vật địa phương…
Du khách tham quan gian hàng trưng bày sản phẩm du lịch đặc trưng và các sản vật của tỉnh Gia Lai tại triển lãm. Ảnh: Hương Thảo
Các hoạt động chưa dừng ở đó khi có thêm triển lãm ảnh cuộc thi “Di sản văn hóa toàn quốc lần thứ I” (diễn ra tại tầng 2, nhà A3), trưng bày tác phẩm nhiếp ảnh được tuyển chọn của các tác giả tham gia cuộc thi, những tác phẩm có giá trị, tiêu biểu về di sản văn hóa. Còn tại tầng 1 (nhà A1) là triển lãm chủ đề “Di sản quanh ta” với các nội dung: trưng bày và trình diễn thời trang áo dài truyền thống; trưng bày “Di sản nghề truyền thống”; quảng bá giới thiệu dự án du lịch di sản. Khu vực ngoài trời dành trưng bày các sản phẩm nghề và làng nghề truyền thống Việt Nam.
Độc đáo sắc màu Tây Nguyên
Là đại diện duy nhất khu vực Tây Nguyên tham gia sự kiện này, Gia Lai có 1 gian hàng giới thiệu, quảng bá, giao lưu văn hóa của địa phương, các loại hình văn hóa, nghệ thuật truyền thống cùng những di sản văn hóa vật thể, phi vật thể.
Trao đổi với P.V, ông Nguyễn Tấn Ba-Phó Giám đốc Nhà hát Ca múa nhạc tổng hợp Đam San, trưởng đoàn-cho biết: Gian hàng của Gia Lai khá phong phú với các nội dung: trưng bày bộ ảnh đẹp về vùng đất và con người Gia Lai, trong đó có 10 ảnh về lễ hội và “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại; 10 ảnh về cảnh quan thiên nhiên, trong đó có cao nguyên Kon Hà Nừng vừa được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới. Gian hàng còn trưng bày và quảng bá các loại đặc sản, nông sản đặc trưng địa phương như: hồ tiêu, măng, mật ong, hạt mắc ca, hạt điều rang muối, cà phê, muối lá é và một số sản phẩm OCOP tiêu biểu; giới thiệu các loại nhạc cụ truyền thống, một số mặt hàng lưu niệm đặc trưng của tỉnh như: trang phục dân tộc bản địa Jrai, Bahnar, mô hình tiểu cảnh nghệ thuật, chuông gió, mô hình nhà rông, quả bầu khô, vòng đeo tay, túi xách… Một phần không gian dành cho công tác xúc tiến du lịch với các cẩm nang du lịch, bản đồ du lịch; trình chiếu phim du lịch chủ đề “Gia Lai chưa xa đã nhớ” (thời lượng 15 phút); các tour đặc trưng được thiết kế, chào bán đến từ các đơn vị lữ hành uy tín trong tỉnh như: Công ty Du lịch Sinh thái, Công ty du lịch Thiên Lộc, Công ty truyền thông du lịch Le Pleiku…
Du khách tham quan gian hàng giới thiệu Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên và nhạc cụ truyền thống của tỉnh Gia Lai. Ảnh: Hương Thảo
Ông Hoàng Phương-Giám đốc Công ty truyền thông du lịch Le Pleiku-thông tin: Tham gia triển lãm, Le Pleiku giới thiệu các tour 1 ngày, 2 ngày 1 đêm tại Gia Lai và chùm tour trekking, trong đó, nổi bật là khám phá đỉnh Chư Nâm. “Trong khi chờ đợi ngành du lịch khôi phục sau đại dịch Covid-19, việc góp mặt vào những hoạt động như trên là bước chuẩn bị cần thiết của doanh nghiệp để đón đầu cơ hội”-ông Phương khẳng định.
Trong số sản vật địa phương được giới thiệu, quảng bá, mật ong là mặt hàng không thể vắng mặt. Nói về sản phẩm mật ong Sáu Mân đang được trưng bày trang trọng tại gian hàng của tỉnh Gia Lai, ông Nguyễn Văn Mân (284B Cách Mạng Tháng Tám, TP. Pleiku) cho hay: Đây là dịp tốt để cơ sở giới thiệu đến khách hàng trong và ngoài nước một sản phẩm hoàn toàn hữu cơ, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và hữu ích cho sức khỏe người tiêu dùng.
Tuy chưa đến giờ khai mạc nhưng từ chiều 22-11, khu vực trưng bày giới thiệu của tỉnh Gia Lai đã thu hút nhiều khách tham quan. Hào hứng tìm hiểu về Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, bà Hoàng Thị Tâm-Giám đốc Hợp tác xã Tâm Trà Thái, Ủy viên Ban Chấp hành Hiệp hội Du lịch tỉnh Thái Nguyên-chia sẻ: “Nếu không được đến đây tham quan thì sẽ khó hình dung được nghệ thuật cồng chiêng Tây Nguyên, âm điệu của từng chiếc chiêng là như thế nào. Chỉ nghe một lần đã ấn tượng. Tôi cũng rất thích tiếng đàn t’rưng. Đây là đặc trưng thu hút du khách các tỉnh đến tham quan gian hàng”.
Lam Nguyên