Trải nghiệm du lịch sinh thái tại Long An

Cập nhật: 26/11/2021
Long An có vị trí địa lý thuận lợi và tiềm năng du lịch khá đa dạng và phong phú, là những điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch, đặc biệt là du lịch sinh thái, du lịch vui chơi giải trí, du lịch nghỉ dưỡng cuối tuần và du lịch nông thôn. Phát huy thế mạnh vốn có, những năm qua ngành Du lịch tỉnh Long An đã chủ động xây dựng, phát triển sản phẩm đa dạng đặc biệt là sản phẩm du lịch sinh thái để thu hút du khách.

Đa dạng các sản phẩm du lịch sinh thái đặc trưng

Long An là sự giao thoa giữa miền Đông và miền Tây Nam Bộ, có đầy đủ các sản phẩm du lịch của miền Tây sông nước miệt vườn, đặc sản cây trái, đờn ca tài tử, du lịch kết hợp chăm sóc sức khỏe…

Du khách tham quan Khu du lịch Đồng Tháp Mười

Theo Đề án Chiến lược phát triển sản phẩm du lịch tỉnh Long An đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, Long An tập trung đầu tư khai thác du lịch khám phá, trải nghiệm hệ sinh thái điển hình vùng Đồng Tháp Mười với 3 điểm du lịch quan trọng là: Khu bảo tồn đất ngập nước Láng Sen, Khu du lịch sinh thái Làng nổi Tân Lập, Trung tâm Nghiên cứu, Bảo tồn và Phát triển dược liệu Đồng Tháp Mười; du lịch tham quan trải nghiệm vào mùa nước nổi; du lịch đường thủy trên sông Vàm Cỏ.

Khu bảo tồn đất ngập nước Láng Sen - khu ramsar thứ 7 của Việt Nam là nơi còn giữ nét tự nhiên hoang sơ, ít chịu tác động của con người. Với diện tích 4.802ha, Khu bảo tồn đất ngập nước Láng Sen nằm trên địa bàn 3 xã Vĩnh Đại, Vĩnh Lợi và Vĩnh Châu A (huyện Tân Hưng) được xem như một bồn trũng nội địa rộng lớn giữa vùng Đồng Tháp Mười. Khu bảo tồn là nơi sinh sống, trú ẩn của khoảng 156 loài thực vật hoang dã, 149 loài động vật có xương sống, trong đó có 13 loài nằm trong sách đỏ Việt Nam. Đến Khu bảo tồn đất ngập nước Láng Sen, du khách ngoài thưởng ngoạn vẻ đẹp tự nhiên, hít thở bầu không khí trong lành còn có dịp thưởng thức ẩm thực đồng quê đặc trưng của vùng sông nước như: ốc luộc, cá trê chiên, cá lóc đồng nướng trui ăn với lá sen non, canh chua cá linh nấu với bông điên điển…

Nằm ở trung tâm vùng Đồng Tháp Mười, Khu du lịch sinh thái làng nổi Tân Lập (xã Tân Lập, huyện Mộc Hóa, tỉnh Long An) là điểm đến bình yên với cảnh sông nước hữu tình và rừng tràm ngút mắt. Ở đây còn có đài quan sát để du khách phóng tầm mắt bao quát cảnh vật toàn khu sinh thái. Du khách cũng có thể đi bộ trên tuyến đường đai để khám phá rừng tràm. Bên cạnh đó, đến với Khu du lịch sinh thái làng nổi Tân Lập, du khách còn được thưởng thức ẩm thực hấp dẫn (lẩu gà lá giang, lẩu chua cá lóc, cá linh chiên giòn, cá rô kho tộ, lươn xào nghệ...); tham gia đốt lửa trại và tiệc nướng, giao lưu dã ngoại, teambuilding...

Trung tâm Nghiên cứu, Bảo tồn và Phát triển dược liệu Đồng Tháp Mười là khu du lịch sinh thái đặc trưng của Long An nói riêng và Nam Bộ nói chung, vì nơi này có khu rừng tràm gió nguyên sinh duy nhất tại Việt Nam với diện tích hơn 900ha; 21 loài thực vật bậc cao và gần như đầy đủ hệ động vật đặc trưng của Đồng Tháp Mười nguyên bản, như: cò, diệc, giang sen, cồng cộc, sếu... Ngoài ra, Trung tâm mở thêm khu nghỉ dưỡng kết hợp chữa bệnh theo y học cổ truyền như: tắm thuốc lá, xông hơi, ngâm chân…, góp phần bổ sung, hỗ trợ phát triển sản phẩm du lịch sinh thái. Nơi đây là điểm nhấn của du lịch thuộc tiểu vùng Đồng Tháp Mười với mô hình du lịch kết hợp nghỉ dưỡng…

Du lịch tham quan mùa nước nổi được tổ chức vào mùa lũ từ tháng 8 đến cuối tháng 12 hàng năm. Bên cạnh các hoạt động du lịch chung, một số hoạt động đặc thù có thể tổ chức cho du khách là: tham quan tìm hiểu đời sống và sinh hoạt của người dân trong mùa nước nổi, tham quan các vùng sinh thái đặc thù Đồng Tháp Mười trong mùa nước nổi, tham quan các làng nổi trong vùng ngập nước, đi thuyền, thưởng thức đặc sản của mùa nước nổi…

Đối với du lịch đường thủy trên sông Vàm Cỏ, hình thành các tour trải nghiệm cảnh quan sông nước kết hợp tham quan các điểm di tích lịch sử - văn hóa, trang trại nông nghiệp, làng nghề dọc hai bên sông.

Đánh thức tiềm năng

Theo Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, tỉnh Long An nằm trong không gian du lịch phía Đông của khu vực này. Theo đó, khu vực này được định hướng khai thác các sản phẩm du lịch đặc trưng gồm nghiên cứu đời sống sông nước, miệt vườn, tham quan làng nghề, các di tích lịch sử… Trong đó, các địa phương trong khu vực dựa trên các tuyến du lịch nội vùng để xây dựng, khai thác các tuyến du lịch chuyên đề như khám phá vùng đất ngập nước, sinh thái rừng, biển hay du khảo đồng quê.

Những năm gần đây, Long An đẩy mạnh thu hút đầu tư lĩnh vực du lịch, tạo nhiều thuận lợi để từng địa phương, doanh nghiệp phát huy tiềm năng phát triển du lịch ở địa phương. Thời gian qua, nhiều khu du lịch, di tích đã được đầu tư, tôn tạo, góp phần làm đa dạng các điểm đến, sản phẩm du lịch mang đậm dấu ấn mảnh đất Long An…

Bên cạnh đó, Long An cũng tăng cường quảng bá, xúc tiến mời gọi các thành phần kinh tế đầu tư khai thác tiềm năng du lịch địa phương nói chung, đặc biệt là nhóm sản phẩm du lịch bổ trợ đặc thù, nhằm tạo ra sản phẩm hấp dẫn, thu hút du khách trong và ngoài nước.

Theo lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Long An, để tạo sự khác biệt, Long An sẽ đẩy mạnh phát triển du lịch sinh thái điển hình của vùng Đồng Tháp Mười. Đặc biệt du lịch sinh thái của Long An phát triển theo hướng gắn với du lịch nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe, sử dụng những sản phẩm thảo dược tự nhiên của vùng ngập nước Đồng Tháp Mười, đặc biệt tạo dựng hình ảnh du lịch Long An như một điểm đến du lịch “xanh” và hiện đại. 

Long An phấn đấu đến năm 2025 đón khoảng 3,6 triệu lượt du khách trong nước và 130.000 lượt du khách quốc tế, thu nhập từ du lịch đạt khoảng 150 triệu USD./.

Lan Phương

Nguồn: Tạp chí Du lịch