Xây dựng tour du lịch golf thành những “hệ sinh thái khép kín”

Cập nhật: 06/12/2021
Việt Nam hội tụ nhiều tiềm năng phát triển du lịch golf bởi có vị trí địa lý thuận lợi, đất nước có nền văn hóa, con người thân thiện, ẩm thực đa dạng và hạ tầng sân golf được đầu tư mới... Nâng cao hiệu quả phát triển du lịch golf được coi là hướng đi phù hợp trong chiến lược khôi phục ngành du lịch trước những tác động của dịch COVID-19.

Việt Nam có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch golf. (Ảnh: NH)

Năm 2021, Việt Nam vừa tiếp tục được vinh danh là "Điểm đến golf tốt nhất thế giới" do tổ chức World Golf Awards (WGA) trao tặng. Đây là lần thứ 2 Việt Nam đạt danh hiệu này, sau lần đầu tiên vào năm 2019. Trước đó, trong 3 năm liên tiếp (2017- 2019), Việt Nam cũng được Tổ chức Giải thưởng golf thế giới - World Golf Awards vinh danh là “Điểm đến golf tốt nhất châu Á”. Điều này cho thấy những tiềm năng lớn trong phát triển du lịch golf tại Việt Nam.

Thực tế, nước ta hiện đang có khoảng 100 sân golf đang hoạt động, trong đó có gần 40 sân golf đạt tiêu chuẩn khu vực và quốc tế. Các sân golf ở Việt Nam hầu hết mới được xây dựng, thiết kế hiện đại, có khả năng cạnh tranh với những sân golf tốt nhất của các nước trong khu vực. Số lượng người chơi golf tại nước ta ngày càng tăng... Hiện đã có hơn 50.000 người Việt Nam và 20.000 người nước ngoài đang sinh sống tại Việt Nam chơi golf và dự kiến đến năm 2025, Việt Nam sẽ có khoảng 300.000 người chơi golf. Đây là những cơ sở thuận lợi để du lịch golf ở Việt Nam sớm “cất cánh” trên cơ sở khai thác có hiệu quả những tiềm năng, thế mạnh vốn có.

Trong bối cảnh du lịch Việt Nam đang dần khôi phục, việc đẩy mạnh phát triển du lịch golf được xác định là động lực góp phần giúp du lịch Việt Nam phục hồi tích cực sau giãn cách. Ông Hà Văn Siêu, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam cho rằng, nhu cầu đi du lịch của xã hội sau thời gian dài giãn cách xã hội tăng cao. Với tiềm năng to lớn, đây là cơ hội để chúng ta tái cơ cấu, làm mới ngành du lịch nói chung, du lịch golf nói riêng trên cơ sở bảo đảm tốt yêu cầu phòng, chống dịch COVID-19. Quy trình khép kín, phạm vi di chuyển của khách không quá lớn..., du lịch golf trong bối cảnh bình thường mới được đánh giá là loại du lịch an toàn, hiệu quả và có lợi thế mà Việt Nam có nhiều cơ hội khai thác hiệu quả.

Tuy nhiên, bên cạnh thuận lợi, du lịch golf còn gặp những thách thức. Sản phẩm du lịch golf chưa thực phong phú; chưa khai thác tốt những lợi thế khác biệt của du lịch Việt Nam; việc kết nối giữa các công ty lữ hành với hàng không, sân golf, các địa điểm đến, nhà hàng, khách sạn... thiếu gắn kết bền vững; việc điều chỉnh các quy định sau giãn cách xã hội ở số ít địa phương thiếu kịp thời, gây khó khăn cho việc đón, phục vụ du khách, nhất là du khách quốc tế... Thiết kế các tour du lịch cho khách chơi golf còn thiếu linh hoạt trong việc vừa đảm bảo yếu tố an toàn, vừa phù hợp với nhu cầu của du khách quốc tế...

Theo các chuyên gia, để giải quyết những vấn đề trên, mở đường cho du lịch golf phát triển, bên cạnh việc điều chỉnh các cơ chế, chính sách của Nhà nước, các địa phương cần đa dạng sản phẩm, sân golf cần sẵn sàng để đón khách du lịch. Bài toán đề ra là tăng cường sự kết nối. Trong đó, chúng ta cần ứng dụng mạnh công nghệ để kết nối thuận tiện nhất về thông tin, giao lưu câu lạc bộ golf. Những hoạt động của sân golf này kết nối với sân golf khác, địa bàn khác. Các tỉnh, thành phố cũng cần hỗ trợ doanh nghiệp, lữ hành kết nối với nhau để mở rộng du lịch golf giữa các địa điểm. Phát triển du lịch golf cần gắn với những tiềm năng, thế mạnh các loại hình du lịch khác của các địa phương. Ví dụ, với tỉnh Quảng Ninh, để du lịch golf tăng sức hút, nên các đơn vị nên ghép thêm trải nghiệm du thuyền hoặc du lịch tâm linh trong các tour du lịch golf. Qua đó, vừa tăng thời gian lưu trú của khách, tăng sức thu hút và khai thác tốt tài nguyên du lịch của địa phương.

Cùng với đó, cần nâng cao chất lượng dịch vụ ở cơ sở hạ tầng, nhân viên thân thiện và phải có khả năng sử dụng tốt ngoại ngữ. Trong bối cảnh dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, để du lịch golf phát triển, cần đặc biệt chú ý đến các yêu cầu về an toàn vệ sinh dịch tễ. Lực lượng tham gia phục vụ du lịch golf cần được tiêm đủ các mũi vaccine theo quy định; thực hiện nghiêm quy trình khép kín khi đón khách từ sân bay về khách sạn, đến sân golf, đến các địa điểm nằm trong chương trình tour. Chú trọng việc xây dựng các tour du lịch golf thành những “hệ sinh thái khép kín” để bảo đảm yêu cầu phòng, chống dịch COVID-19. Tổng cục Du lịch cần đẩy mạnh hỗ du khách về mặt pháp lý, thủ tục xác nhận công tác phòng, chống dịch COVID-19, check-in check-out khách sạn, nhà hàng. Đồng thời, tăng cường tổ chức các giải golf với nhiều quy mô để quảng bá hình ảnh và phát triển du lịch golf của Việt Nam.

Cùng với sự phát triển của đời sống xã hội, phát triển du lịch golf đang trở thành hướng đi phù hợp trong chiến lược khôi phục ngành du lịch trước những tác động của dịch COVID-19. Tăng cường hệ thống cơ sở vật chất và các điều kiện bảo đảm sẽ giúp hoàn thiện các sản phẩm, từng bước đưa Việt Nam trở thành điểm sáng về du lịch golf của châu Á và thế giới./.

TL

Nguồn: Báo Đảng Cộng sản