Phát triển du lịch (DL) trở thành nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở; là khâu đột phá trong phát triển kinh tế theo hướng bền vững. Với mục tiêu đưa DL trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tỉnh ta đã hoạch định chiến lược phát triển DL cụ thể, “trải thảm” thu hút các dự án DL đầu tư trọng điểm làm “bệ đỡ” phát triển các sản phẩm DL vệ tinh.
Du khách trải nghiệm du lịch lòng hồ Thủy điện Nho Quế (Mèo Vạc). Ảnh: Trần Kế
Hoạch định chiến lược
Nghị quyết số 11, ngày 2.8.2021 của BCH Đảng bộ tỉnh về phát triển DL Hà Giang giai đoạn 2021 – 2025 ra đời, ghi dấu quyết tâm của cả hệ thống chính trị và nhân dân trong việc phát triển DL trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Trong đó khẳng định: Phát triển DL phải phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế gắn với nâng cao nhận thức và đời sống cho nhân dân, giảm nghèo bền vững, phát huy văn hóa truyền thống, cảnh quan thiên nhiên và kiến trúc bản địa. Xây dựng DL Hà Giang theo hướng chuyên nghiệp, có tính cạnh tranh cao, gắn với các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của địa phương, đảm bảo phát triển bền vững. Chú trọng phát triển DL nội địa, kết hợp phục hồi KT-XH gắn với kiểm soát dịch bệnh Covid-19, thu hút khách DL trong và ngoài nước. Đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ DL đồng bộ, hiện đại. Hình thành một số khu, điểm DL, dịch vụ tổng hợp quy mô lớn. Phát triển các sản phẩm DL đa dạng, phong phú, nhất là DL cộng đồng; xây dựng thương hiệu DL Hà Giang là điểm đến an toàn, hấp dẫn, đặc sắc trong khu vực miền núi phía Bắc.
Các sản phẩm từ dược liệu của Công ty Cổ phần Dược liệu Bông Sen Vàng được nhiều du khách đón nhận. Ảnh: Phương Thuỳ
Mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, DL trở thành ngành kinh tế trọng điểm của tỉnh; có 1 khu DL được công nhận là khu DL cấp tỉnh; thu hút 3 triệu lượt khách DL; tổng thu từ khách DL ước đạt 7.800 tỷ đồng, đóng góp 10,34% giá trị vào tổng sản phẩm trên địa bàn; tạo ra 28.200 việc làm, trong đó có 14.100 việc làm trực tiếp. Định hướng đến năm 2030, Công viên Địa chất toàn cầu (CVĐCTC) Cao nguyên đá Đồng Văn được công nhận là Khu DL quốc gia; thu hút 5 triệu lượt khách DL; tổng thu từ khách DL ước đạt 20.600 tỷ đồng, đóng góp 14,34% giá trị DL vào tổng sản phẩm; tạo việc làm cho trên 20.000 lao động trực tiếp.
Đưa Nghị quyết số 11 vào cuộc sống, các cấp, ngành đã và đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền để cán bộ, đảng viên, nhân dân nhận thức rõ vai trò của DL trong phát triển KT-XH địa phương. Đồng thời, hình thành lối ứng xử văn minh, thân thiện, bảo vệ hình ảnh, môi trường, cảnh quan thiên nhiên, nâng cao uy tín, thương hiệu và sức hút của DL Hà Giang. Cùng với công tác tuyên truyền, tỉnh ta cũng triển khai đồng bộ các giải pháp để phát triển DL thành ngành kinh tế mũi nhọn. Trong đó, chú trọng phát triển sản phẩm DL phong phú, đa dạng, có tính cạnh tranh cao, xây dựng thương hiệu riêng. Đồng thời, xây dựng cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển DL, nâng cao chất lượng hoạt động xúc tiến đầu tư, quảng bá; ưu tiên bố trí nguồn ngân sách phát triển kết cấu hạ tầng DL đồng bộ, tập trung đầu tư hạ tầng giao thông tại khu vực có tiềm năng, đầu tư điểm dừng, nghỉ trên các tuyến đường bộ nhất là vùng CVĐCTC Cao nguyên đá Đồng Văn, quần thể danh thắng quốc gia Ruộng bậc thang Hoàng Su Phì, DL tâm linh, lịch sử huyện Vị Xuyên, Bắc Mê, Bắc Quang...
Thu hút đầu tư
Giai đoạn 2021 – 2025, UBND tỉnh đã phê duyệt danh mục thu hút đầu tư; trong đó, lĩnh vực dịch vụ DL là 23 dự án, gồm các khu DL sinh thái nghỉ dưỡng, dịch vụ, sân gold, khách sạn, trung tâm thương mại – chợ – siêu thị... Việc thu hút đầu tư vào lĩnh vực DL tạo ra những “cú hích” thúc đẩy DL phát triển.
Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Dược liệu Bông Sen Vàng Phạm Ngọc Thường, chia sẻ: Hà Giang có tài nguyên cây dược liệu phong phú với kinh nghiệm sử dụng khác nhau dựa trên đặc điểm phong tục, tập quán từng dân tộc. Trong đó, Bắc Quang là huyện có tiềm năng DL khá hấp dẫn cần được khai thác lợi thế về nguồn tài nguyên cây thuốc gắn với văn hóa bản địa cộng đồng người Tày. Từ thực tế này cùng khát vọng tạo nên những dòng sản phẩm chăm sóc sức khỏe từ dược liệu quý của địa phương, Công ty là đơn vị tiên phong đề xuất xây dựng mô hình DL dược liệu dưỡng sinh (hình thức nghỉ ngơi, thư giãn kết hợp với chăm sóc sức khỏe) tại huyện Bắc Quang. Hiện nay, Công ty đã xây dựng Nhà máy Dược phẩm, quy mô 1,8 ha, sản xuất các sản phẩm từ tự nhiên, đạt tiêu chuẩn GMP – WHO. Đồng thời, có quỹ đất 3 ha để xây dựng khu vườn bảo tồn cây thuốc vùng thấp, khu nhân giống tại thôn Khiềm, xã Quang Minh; khu đất thương mại, dịch vụ và khu trồng dược liệu rộng trên 4 ha tại thôn Đá Bàn, xã Hùng An…
Theo đại diện Tập đoàn FLC, 5 năm trở lại đây, ngành DL Hà Giang tăng trưởng bình quân trên 15% và thuộc nhóm địa phương có tăng trưởng DL tích cực tại Việt Nam. Tuy nhiên, con số này vẫn chưa tương xứng với tài nguyên DL vô giá mà Hà Giang đang sở hữu. Một trong những nguyên nhân quan trọng, theo nhiều chuyên gia, là do hạ tầng DL và dịch vụ còn nhiều hạn chế; cơ sở lưu trú chủ yếu là các khách sạn 1 – 2 sao, homestay, nhà nghỉ nhỏ lẻ; thiếu các điểm lưu trú, công trình dịch vụ cao cấp... Đây cũng chính là lý do mà Tập đoàn FLC quyết định đầu tư Dự án Khu DL nghỉ dưỡng sinh thái FLC Hà Giang với mô hình tương tự quần thể nghỉ dưỡng sinh thái mà FLC đã phát triển thành công, như: FLC Sầm Sơn, Quy Nhơn, Hạ Long... Sau khi hoàn thiện và đi vào hoạt động, FLC Hà Giang kỳ vọng trở thành một quần thể DL nghỉ dưỡng cao cấp bậc nhất khu vực Trung du miền núi phía Bắc nói chung và Hà Giang nói riêng, một điểm đến DL hấp dẫn, góp phần thay đổi diện mạo ngành DL Hà Giang theo hướng hiện đại và đồng bộ.
Nối tiếp kết quả trên, tại hội thảo “Phát triển sản phẩm DL tỉnh Hà Giang” giai đoạn 2021 – 2025, tầm nhìn 2030”, tỉnh ta đã ký kết 2 biên bản ghi nhớ quan trọng với các đối tác. Trong đó, Công ty Cổ phần Tập đoàn Nam Cường (Hà Nội) sẽ tổ chức nghiên cứu, khảo sát, đề xuất 5 dự án đầu tư phát triển DL tại huyện Đồng Văn, bao gồm: Khu bến tàu DL tập trung trên sông Nho Quế với mô hình giao thông xanh; bến xe tĩnh và giao thông nội thị Đồng Văn; xây dựng chợ văn hoá vùng cao; Trung tâm biểu diễn văn hoá dân gian - Ấn tượng Cao nguyên đá và dự án cụm DL Thiên Hương với các khu không gian làng Mông, Tày và khách sạn 3 – 5 sao. Riêng Hiệp hội DL Việt Nam tham gia tư vấn, hỗ trợ tỉnh khôi phục thị trường và các hoạt động DL, khắc phục hậu quả do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, từng bước đưa Hà Giang trở thành điểm đến DL hàng đầu Việt Nam…
Thu Phương