Ninh Bình tăng cường công tác bảo tồn các loài chim hoang dã

Cập nhật: 08/12/2021
Được thiên nhiên ưu đãi, vùng ven biển Kim Sơn (Ninh Bình) có những cánh rừng ngập mặn trải dài, những đầm lầy, bãi bồi và dải cát dọc theo các cửa sông. Nơi đây chính là bến đỗ và là nơi cư trú của 200 loài chim cư trú, trong đó có nhiều loài quý hiếm đã được ghi vào Sách Đỏ thế giới.

Tuy nhiên, nơi cư trú của các loài chim hiện đang bị đe dọa bởi nguy cơ mất môi trường sống. Bên cạnh đó, nhu cầu và sở thích ăn thịt các loài chim hoang dã dẫn đến tình trạng săn bắn các loài chim hoang dã và chim di cư, đe dọa nguy cơ tuyệt chủng của các loài chim và ảnh hưởng trực tiếp đến sự sinh trưởng và phát triển của một số loài chim hoang dã, làm mất cân bằng sinh thái, phá hoại cảnh quan môi trường…

Để khắc phục tình trạng người dân săn bắn và quản lý, bảo vệ tốt các loài chim hoang dã, UBND huyện Kim Sơn đã liên tục có những văn bản chỉ đạo các đơn vị chức năng, UBND các xã, thị trấn tăng cường công tác quản lý, bảo vệ các loài động vật hoang dã, chim hoang dã trên địa bàn huyện. Trong đó, tập trung các giải pháp đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ và nhân dân về tầm quan trọng của việc bảo vệ, bảo tồn các loài động vật hoang dã, chim hoang dã đặc biệt các loài nguy cấp, quý hiếm.

Bên cạnh đó, phân công lực lượng rà soát, nắm tình hình và kiểm tra, xử lý các nhà hàng, cơ sở kinh doanh, tàng trữ, giết mổ, sử dụng trái phép các loài động vật hoang dã, chim hoang dã và các sản phẩm của chúng trên địa bàn; tổ chức truy quét các tụ điểm mua bán, săn bắn và triển khai các biện pháp quản lý, bảo vệ các động vật hoang dã, loài chim hoang dã.

Ngoài ra, huyện Kim Sơn cũng chỉ đạo các ngành chức năng, các địa phương ven biển, các chủ rừng tăng cường tuyên truyền thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ rừng ngập mặn ven bin, tăng cường “trồng cây, gây rừng” để tạo môi trường sinh thái và là “bến đỗ” an toàn cho các loài chim cư trú, di trú.

A.M

Nguồn: Tạp chí Du lịch