Hiện nay, tỉnh ta đang tập trung xây dựng hệ thống sản phẩm du lịch (DL) đặc sắc, chuyên nghiệp mang thương hiệu riêng của Hà Giang. Điều này nhằm kích cầu thu hút đầu tư vào sản phẩm DL cũng như cơ sở hạ tầng DL, thu hút mạnh mẽ thị trường khách chuyên biệt, khách trung và cao cấp; đưa Hà Giang trở thành địa phương có nhiều sản phẩm DL có lợi thế cạnh tranh cao, hấp dẫn trong khu vực miền núi phía Bắc.
Nhiều sản phẩm OCOP trở thành món quà độc đáo thu hút du khách. Ảnh: Thu Phương
Cuối tháng 10 vừa qua, tỉnh ta đã tổ chức Hội thảo “Phát triển sản phẩm DL tỉnh Hà Giang giai đoạn 2021 – 2025, tầm nhìn 2030” nhằm tham vấn ý kiến chuyên gia, doanh nghiệp lữ hành vào chiến lược phát triển sản phẩm DL.
Nói về du lịch cộng đồng (DLCĐ), theo Tiến sĩ Vũ Nam, Phó Vụ trưởng Vụ thị trường DL (Tổng cục DL): Để phát triển DLCĐ một cách bền vững, Hà Giang nên quan tâm xây dựng môi trường văn hóa tại các điểm đến. Bởi, môi trường văn hóa được xem là tài nguyên, cơ sở cho việc phát triển các hoạt động, dịch vụ DL tại điểm DLCĐ; làm tăng tính cạnh tranh, sự trải nghiệm, độc đáo, hấp dẫn của điểm đến. Đồng thời, nghiên cứu, phát động phong trào “Mỗi làng, bản một sản phẩm DL” nhằm tạo sức bật mới cho hoạt động DL của tỉnh nhà. Còn Chủ tịch Chi hội DLCĐ Việt Nam, Phạm Hải Quỳnh gợi ý: “Phát triển DLCĐ gắn kết cụ thể với chuỗi giá trị nông nghiệp phục vụ cho hoạt động DL nông thôn; hỗ trợ để đưa các sản phẩm OCOP vào tiêu dùng DL”. Nói thêm về điều này, bà Nguyễn Thức Thi, Viện quy hoạch và Thiết kế nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và PTNT) nhận định: Hà Giang có lợi thế phát triển sản phẩm DL gắn với nông nghiệp đặc trưng hàng hóa chất lượng cao theo chuỗi giá trị. Tỉnh đã đăng ký bảo hộ thành công chỉ dẫn địa lý cho 7 sản phẩm nông nghiệp đặc sản; 3 sản phẩm chủ lực được đưa vào tiêu thụ tại chuỗi siêu thị Vinmart (cam Sành, mật ong Bạc hà và chè Shan tuyết). Hơn nữa, còn có 193 sản phẩm OCOP cấp tỉnh; 2 sản phẩm (Hồng trà và trà Xanh của Hợp tác xã chế biến chè Phìn Hồ - Hoàng Su Phì) được Bộ Nông nghiệp và PTNT đánh giá 5 sao. Phần lớn các sản phẩm OCOP trên đều gắn với các địa điểm DL, trong đó 6 làng nghề có sản phẩm OCOP 3 – 4 sao phục vụ du khách.
Du khách trải nghiệm không gian nhà trình tường tại Làng Văn hóa du lịch thôn Nặm Đăm, xã Quản Bạ (Quản Bạ). Ảnh: Tư Liệu
Đối với sản phẩm DL mạo hiểm, Chủ tịch Hội Lữ hành Hà Nội Phùng Quang Thắng và nhiều chuyên gia nhận định: Hà Giang là một trong những địa phương có tiềm năng phát triển DL mạo hiểm bậc nhất cả nước với đủ nhóm sản phẩm từ DL mạo hiểm trên không (dù lượn, khinh khí cầu), DL mạo hiểm trên bộ (khám phá hang động, marathon, leo núi, xe mô tô, ô tô, xe đạp địa hình) đến DL mạo hiểm dưới nước (trèo thuyền Kayak, Sup). Việc phát triển DL mạo hiểm là hướng đi tất yếu giúp Hà Giang thu hút dòng khách có mức chi trả cao cũng như góp phần định vị thương hiệu DL Hà Giang…
Theo Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn: Những ý kiến góp ý của các chuyên gia chính là cơ sở giúp Hà Giang xác định chiến lược phát triển sản phẩm DL – một nhiệm vụ quan trọng để DL Hà Giang đón được nhiều khách DL trong nước và quốc tế đến tham quan, trải nghiệm, nghỉ dưỡng; góp phần phát triển DL trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo sinh kế cho người dân vươn lên giảm nghèo bền vững.
Mặc dù có bước phát triển vượt bậc, song tỉnh ta cũng thẳng thắn nhìn nhận, DL phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế, còn bộc lộ một số hạn chế, như: Quy hoạch và kết cấu hạ tầng chưa đồng bộ, thiếu các điểm vui chơi, giải trí níu chân du khách. Các hoạt động DL và dịch vụ thiếu chuyên nghiệp; chất lượng nguồn nhân lực còn thiếu và yếu. Các sản phẩm trùng lặp, thiếu tính chiến lược, chưa có nhiều sản phẩm cao cấp; thiếu dự án DL đầu tư trọng điểm làm “bệ đỡ” phát triển các sản phẩm DL vệ tinh…
Với quyết tâm chính trị đưa DL trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, cấp ủy, chính quyền tỉnh đã đặt ra yêu cầu cấp thiết trong việc phát triển sản phẩm DL. Trong đó, ưu tiên phát triển sản phẩm DL gắn với 3 không gian DL dựa trên giá trị văn hóa của 19 dân tộc và các giá trị di tích, di sản, danh thắng. Phát triển sản phẩm DL gắn với nông nghiệp đặc trưng hàng hóa chất lượng cao theo chuỗi giá trị; khai thác văn hóa ẩm thực của đồng bào các dân tộc thành sản phẩm DL độc đáo gắn với DLCĐ; áp dụng khoa học, kỹ thuật, công nghệ 4.0 trong xây dựng, phát triển sản phẩm DL. Đồng thời, tăng cường liên kết vùng, ngành, thu hút nhà đầu tư chiến lược, các đơn vị lữ hành có uy tín trong nước và quốc tế; huy động mạnh mẽ các nguồn lực xã hội cho phát triển sản phẩm DL.
Theo chiến lược phát triển sản phẩm DL giai đoạn 2021 – 2025, tầm nhìn 2030, tỉnh ta tập trung nâng cấp các sản phẩm DL hiện có, gồm: DLCĐ, văn hóa, sinh thái, nghỉ dưỡng, mạo hiểm; đồng thời phát triển các sản phẩm DL mới như DL sinh thái gắn với nông nghiệp. Trong đó, xây dựng các mô hình nông nghiệp hữu cơ kết nối hộ dân với hợp tác xã để hình thành khâu sản xuất, tiêu thụ khép kín; đầu tư cơ sở dịch vụ tham quan, trải nghiệm, ăn, ngủ phục vụ nhu cầu du khách. Điểm nhấn nổi bật có thể kể đến: Vườn cam Sành (Bắc Quang); vườn cây ăn quả ôn đới tại các huyện Quản Bạ, Yên Minh, Hoàng Su Phì, Xín Mần; đồi chè Shan tuyết cổ thụ ở Hoàng Su Phì; thảo nguyên Suôi Thầu (Xín Mần); cánh đồng hoa Tam giác mạch tại các huyện vùng Cao nguyên đá. Cùng với đó, sản phẩm DL sinh thái gắn với rừng đặc dụng Phong Quang (Vị Xuyên); khu bảo tồn thiên nhiên Bát Đại Sơn (Quản Bạ); vườn Quốc gia Du Già (Yên Minh)... hứa hẹn mang đến cho du khách trải nghiệm lý thú khi đi bộ, leo núi, cắm trại, ngủ rừng, khám phá sự đa dạng sinh học. Còn sản phẩm DL sinh thái, nghỉ dưỡng gắn với Công viên Địa chất toàn cầu (CVĐCTC) Cao nguyên đá Đồng Văn hướng đến chức năng chiêm ngưỡng, chinh phục các đỉnh núi, tuyến đường đi bộ, hang động trong vùng CVĐCTC. Cùng với đó, sản phẩm DL sinh thái gắn với lòng hồ và các hoạt động vui chơi, giải trí dưới nước được kỳ vọng tạo nên không gian du ngoạn, chiêm ngưỡng vẻ đẹp sơn thủy hữu tình cho du khách.
Bên cạnh các sản phẩm DL trên, tỉnh ta cũng hướng đến sản phẩm DL thương mại, biên giới nhằm cung cấp các dịch vụ phục vụ nhu cầu mua sắm, tham quan chiến trường xưa của du khách; kích cầu tiêu thụ sản phẩm hàng hóa địa phương. Đồng thời, phát triển một số loại hình thể thao mạo hiểm ở 4 huyện vùng Cao nguyên đá Đồng Văn và 2 huyện Hoàng Su Phì, Xín Mần.
Thu Phương