(TITC) - Xây dựng các mô hình phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh vùng Tây Bắc, hiện trạng, kinh nghiệm và thực tiễn trong việc triển khai phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh… là những nội dung được trao đổi tại Hội thảo “Xây dựng mô hình phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh cho vùng Tây bắc” do Tổng cục Du lịch tổ chức, diễn ra vào sáng ngày 30/11/2021.
Hội thảo do Vụ Lữ hành chủ trì, có sự tham dự có các vụ, đơn vị thuộc Tổng cục Du lịch, đồng thời kết nối trực tuyến với Sở quản lý du lịch các tỉnh Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái, thị xã Sa Pa (Lào Cai) cùng một số trường đại học, cao đẳng có khoa du lịch.
Những năm gần đây, tăng trưởng xanh (TTX) được coi là hướng tiếp cận mới trong tăng trưởng kinh tế nhằm đảm bảo sự hài hòa giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục hồi hệ sinh thái tự nhiên. Thông qua tăng trưởng xanh, các giá trị văn hóa cốt lõi được truyền tải, chia sẻ và thấm nhuần trong lối sống con người. Việt Nam là một trong số ít các quốc gia đang phát triển đã quyết tâm theo đuổi mục tiêu tăng trưởng xanh thông qua “Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011-2020 và tầm nhìn đến năm 2050”…
Về phía Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã xây dựng và triển khai “Chương trình Khoa học và Công nghệ cấp Bộ: Phát triển du lịch theo hướng Tăng trưởng xanh”. Nhiệm vụ nghiên cứu “Xây dựng mô hình phát triển du lịch theo hướng Tăng trưởng xanh vùng Tây Bắc” được giao cho Vụ Lữ hành - Tổng cục Du lịch chủ trì triển khai cùng sự phối hợp với các Sở VHTTDL Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái và thị xã Sa Pa.
Đánh giá về hiện trạng xây dựng mô hình phát triển du lịch theo hướng TTX, bà Phạm Lê Thảo, Phó Vụ trưởng Vụ Lữ hành, Chủ nhiệm đề tài cho biết, vùng núi Tây Bắc rộng lớn được thiên nhiên ưu ái với vẻ đẹp thiên nhiên hùng vĩ, văn hóa đặc sắc và lịch sử hào hùng. Trong các mô hình du lịch theo hướng TTX và bền vững của vùng Tây Bắc, nổi lên 2 mô hình du lịch cộng đồng và du lịch nông nghiệp nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới. Điểm nổi bật của 2 mô hình này là gắn bó mật thiết với cộng đồng địa phương, mang lại nhiều lợi ích trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, bảo vệ môi trường sinh thái và bảo tồn, phát huy những nét văn hóa độc đáo của các dân tộc địa phương.
Có thể kể đến những điểm du lịch cộng đồng, homestay tại Sa Pa, Bát Xát, Bắc Hà (Lào Cai); Nghĩa Lộ, Văn Chấn, Mù Cang Chải (Yên Bái); Lai Châu… Đặc biệt, du lịch cộng đồng phát triển kéo theo hàng loạt loại hình dịch vụ khác phục vụ nhu cầu du khách như phát triển thương hiệu thuốc lá tắm của dân tộc Dao Đỏ (Tả Phìn, Sa Pa), nghề thêu trang trí trên trang phục, thủ công mỹ nghệ…
Đề xuất khung mô hình phát triển du lịch theo hướng TTX vùng Tây Bắc, ông Hoàng Hoa Quân, Phó Chánh Văn phòng Tổng cục Du lịch cho rằng căn cứ theo tính chất, đặc trưng về tài nguyên du lịch, đặc điểm của vùng Tây Bắc thì cơ chế nhượng quyền kinh doanh du lịch sẽ phát huy hiệu quả dư địa để phát triển du lịch. Bên cạnh đó, một số mô hình kinh doanh du lịch cộng đồng cũng được đề xuất như kinh doanh theo hộ gia đình, tổ hợp tác, ban quản lý, hợp tác xã, doanh nghiệp tư nhân…
Các đại biểu đánh giá rằng, đề tài “Xây dựng mô hình phát triển du lịch theo hướng Tăng trưởng xanh vùng Tây Bắc” là đề tài thiết thực, hữu ích và tác động tích cực đến sự phát triển du lịch vùng núi Tây Bắc theo hướng tăng trưởng xanh.
Theo chia sẻ từ đại diện Phòng Văn hóa, Thông tin thị xã Sa Pa (Lào Cai), những năm qua Sa Pa được coi là điểm sáng trong phát triển mô hình du lịch cộng đồng tại vùng núi Tây Bắc. Trong đó, Sa Pa đã xác định và tập trung phát triển các trụ cột chính gồm bảo tồn văn hóa, bảo vệ môi trường và đảm bảo an sinh xã hội. Nổi bật nhất phải kể đến bản du lịch cộng đồng Tả Phìn với nhiều hoạt động bảo tồn và phát triển văn hóa, các sản phẩm du lịch đa dạng đã hấp dẫn và thu hút đông đảo du khách tham quan, trải nghiệm. Bên cạnh đó, để duy trì và phát triển du lịch bền vững, thị xã Sa Pa còn quan tâm, tư vấn kiến thức cho bà con tham gia phát triển du lịch cộng đồng, đồng thời thường xuyên nâng cao trình độ nhân lực làm du lịch, đặc biệt là đội ngũ hướng dẫn viên du lịch tại điểm…
Hội thảo cũng ghi nhận một số ý kiến tham luận của đại biểu liên quan đến vấn đề phát triển du lịch TTX tại vùng duyên hải Nam Trung Bộ, yêu cầu về tăng trưởng xanh đối với điểm đến du lịch, đánh giá hiện trạng quản lý và phát triển du lịch tại các điểm du lịch, khu du lịch ở vùng Tây Bắc…
Trung tâm Thông tin du lịch