Núi Đại Bàng – điểm đến mới tại huyện Kim Bôi (Hòa Bình)

Cập nhật: 10/12/2021
Chuyến khảo sát điểm đến du lịch mới tại huyện Kim Bôi (Hòa Bình) do Công ty TNHH Một thành viên Du lịch Mặt trời mọc (S-Travel) tổ chức đã thành công vượt ngoài sự mong đợi; với việc chinh phục – cắm biển tên núi Đại Bàng trên độ cao 800m đã chính thức mở ra một tuyến điểm du lịch hoàn toàn mới tại địa bàn huyện Kim Bôi với sản phẩm du lịch thể thao – sức khỏe, phù hợp với xu hướng du lịch trong trạng thái mới.

Mọi nhọc nhằn vất vả tan biến khi đỉnh Đại Bàng hiện lên trước mắt...

Ngọn núi thuộc địa bàn xã Cuối Hạ (huyện Kim Bôi, Hòa Bình), được bà con địa phương gọi dân dã là “đỉnh 800” (do nằm ở độ cao 800m so với mặt nước biển), trong chiến tranh, núi là nơi đóng quân của một đơn vị bộ đội thông tin. Bao quanh núi là những cánh rừng keo tai tượng của đồng bào. Mặc dù núi không cao nhưng địa hình khá hiểm trở, rất dễ lạc đường bởi khó xác định phương hướng do nhiều con dốc giống nhau xung quanh sườn núi. Đường đến chân núi khá dốc, những trận mưa lũ gây sạt lở, sỏi đá lổn nhổn giữa lòng đường khiến việc di chuyển khó khăn …

Chinh phục đỉnh Đại Bàng lần này, cùng với 40 thành viên của đoàn khảo sát còn có đại diện chính quyền xã Cuối Hạ.

“Núi rất ít người đặt chân đến nên khung cảnh hoàn toàn hoang sơ, bà con chăn thả trâu bò trên núi theo kiểu thả rông, hàng tuần, thậm chí hàng tháng mới lên kiểm tra một lần”, một cán bộ địa chính xã Cuối Hạ cho biết.

Từ trên đỉnh Đại Bàng, có thể ngắm nhìn bức tranh thiên nhiên toàn cảnh hùng vỹ nhưng không kém phần thơ mộng...

Theo ông Nguyễn Hồng Thắng, Giám đốc S –Travel, cùng với tài nguyên nước khoáng nóng, văn hóa bản địa giàu bản sắc, Kim Bôi còn có cảnh quan thiên nhiên hoang sơ, hùng vỹ, đặc biệt là địa hình núi đá đa dạng, trong đó có núi Đại Bàng cao 800m với tổng quãng đường 2 chiều (tính từ điểm xuất phát) khoảng 10 km, không đến mức quá phức tạp để chinh phục.

“Sau khi tiến hành khảo sát thực địa, chúng tôi quyết định sẽ xây dựng sản phẩm trekking, leo núi nhằm mang lại cho du khách những trải nghiệm và cảm nhận mới mẻ, đáp ứng nhu cầu du lịch sức khỏe – một xu hướng mới đang hình thành sau dịch Covid-19”, ông Thắng chia sẻ.

Cảm giác vỡ òa vì sung sướng...

Đặt quyết tâm “phải thực mục sở thị mới có thể xây dựng được sản phẩm cụ thể”, các thành viên đã vượt lên mọi trở ngại trên hành trình, bao nỗi nhọc nhằn vất vả tan biến khi đỉnh Đại Bàng hiện lên trước mắt, đứng giữa không gian bao la khoáng đạt của núi rừng phóng tầm mắt ngắm nhìn bức tranh thiên nhiên toàn cảnh, hùng vỹ nhưng không kém phần thơ mộng, cảm giác vỡ òa vì sung sướng, vì đã vượt lên chính mình…

… Chia sẻ niềm vui và sự phấn khởi với các thành viên đoàn khảo sát – những người đầu tiên chinh phục núi Đại Bàng- tại buổi tọa đàm được tổ chức sau chương trình khảo sát - Phó Chủ tịch UBND huyện Kim Bôi Đinh Thanh Tùng bày tỏ mong muốn những tiềm năng, thế mạnh của Kim Bôi sẽ lan tỏa mạnh mẽ hơn nữa đến với người dân và du khách trong nước, quốc tế; tăng cường kết nối để thúc đẩy du lịch phát triển…

“Trong điều kiện bình thường không có dịch bệnh, trung bình mỗi năm huyện Kim Bôi đón khoảng 300.000 lượt khách; tổng thu từ du lịch dịch vụ đạt khoảng 300-400 tỷ đồng/năm. Năm 2021 do ảnh hưởng của Covid, từ tháng 4/2021 đến hết tháng 9 các hoạt động du lịch ngưng trệ, nên lượng khách giảm mạnh, ước tính cả năm lượng khách du lịch đến Kim Bôi chỉ đạt 150.000 lượt, doanh thu đạt khoảng 140 tỷ đồng”, ông Tùng cho hay.

Phó Chủ tịch UBND huyện Kim Bôi Đinh Thanh Tùng (giữa) và Giám đốc S -Travel Nguyễn Hồng Thắng tại buổi tọa đàm với các doanh nghiệp lữ hành

“Hiện ngoài 5 khu nghỉ dưỡng lưu trú trên địa bàn đã và đang khẳng định thương hiệu là Serena Resort - khu nghỉ dưỡng tiêu chuẩn 5 sao cao cấp nhất của Hòa Bình tính đến thời điểm này, V – Resort, Nhà khách Công đoàn, An Lạc Ecofarm, Cửu thác; có khoảng 50 địa điểm đang được các nhà đầu tư tiến hành khảo sát, lập dự án tiền khả thi, trong đó một tập đoàn đang nghiên cứu đề xuất xây dựng dự án cáp treo từ xã Cuối Hạ (Kim Bôi) nối đến huyện Lạc Sơn để khai thác, phát triển du lịch tại khu vực này”, ông Tùng nói và chia sẻ thêm, mới đây Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề án phát triển giao thông từ Mông Hóa (thành phố Hòa Bình) kết nối với trục cao tốc Hà Nội – Hòa Bình, sẽ rút ngắn đáng kể khoảng cách từ Hà Nội đến Kim Bôi, tạo thuận lợi để kết nối du lịch từ các thị trường nguồn đến Hòa Bình, Kim Bôi và khu vực lân cận…

“Cùng với phát huy lợi thế thiên nhiên ưu đãi là nguồn suối khoáng nóng có tác dụng rất tốt cho sức khỏe, cảnh quan thiên nhiên đẹp, bản sắc văn hóa được bảo tồn, với khoảng 85% là đồng bào người Mường, Kim Bôi còn có điạ hình, thổ nhưỡng thích hợp để phát triển nông nghiệp, nhấ là các loại cây ăn quả, hiện nay diện tích trồng cây ăn trái của huyện vào khoảng 2.000 ha, chủ yếu là cam, bưởi… mang lại thu nhập ổn định cho nhiều hộ dân”, ông Tùng chia sẻ và mong muốn sau chương trình khảo sát, nhiều sản phẩm du lịch đặc trưng của Kim Bôi sẽ được các đơn vị lữ hành xây dựng, hoàn thiện, góp phần đa dạng hóa sản phẩm, đáp ứng nhu cầu của du khách trong trạng thái mới…

VH

Nguồn: Tạp chí Du lịch