Bảo tồn và phát huy giá trị của tín ngưỡng thờ Mẫu Âu Cơ

Cập nhật: 14/12/2021
Tín ngưỡng thờ Mẫu Âu Cơ gắn liền với sự tri ân công đức người Mẹ của muôn dân, đó là Mẹ Âu Cơ, người đã đưa đàn con đi khai thiên phá thạch, mở mang sơn trang, bờ cõi…​

Đền Mẫu Âu Cơ ở xã Hiền Lương, huyện Hạ Hoà, tỉnh Phú Thọ là nơi thờ Tổ Mẫu Âu Cơ.

Đền Mẫu Âu Cơ ở xã Hiền Lương, huyện Hạ Hoà, tỉnh Phú Thọ là nơi thờ Tổ Mẫu Âu Cơ. Từ lâu, trong tâm thức của muôn dân đất Việt, Đền Mẫu Âu Cơ gắn với tín ngưỡng thờ Mẫu Âu Cơ đã trở thành một nét đẹp trong tinh hoa văn hóa của người Việt, là biểu tượng thiêng liêng của nguồn cội con Lạc cháu Hồng của muôn dân đất Việt. Trong thời kỳ hội nhập, nghiên cứu giá trị của Đền Mẫu Âu Cơ gắn với phát triển du lịch tâm linh về cội nguồn dân tộc là hướng đi bảo tồn và phát huy giá trị nhiều mặt của di sản.

Giá trị tâm linh

Ngày 23/01/2017, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành quyết định số 217/QĐ-BVHTTDL, công nhận Tín ngưỡng thờ Mẫu Âu Cơ là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Việc công nhận và tôn vinh giá trị văn hóa của tín ngưỡng thờ Mẫu Âu Cơ là nguồn cổ vũ, động viên Đảng bộ, chính quyền xã Hiền Lương nói riêng và nhân dân Hạ Hòa nói chung. Tín ngưỡng thờ Mẫu Âu Cơ là một loại hình tín ngưỡng thể hiện tâm thức và triết lý “con người có tổ có tông” của con người Việt Nam. Cùng với tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, tín ngưỡng thờ Mẫu Âu Cơ là tín ngưỡng độc đáo nhất trên thế giới, đó là cả một dân tộc, một quốc gia đều có chung một cội nguồn, chung một người Mẹ.

Tín ngưỡng thờ Mẫu Âu Cơ gắn liền với sự tri ân công đức người Mẹ của muôn dân. Đó là Mẹ Âu Cơ, người đã đưa đàn con đi khai thiên phá thạch, mở mang sơn trang, bờ cõi. Biết bao đời nay, dù trải qua bao thăng trầm của lịch sử nhưng nhân dân xã Hiền Lương, huyện Hạ Hòa luôn gìn giữ tín ngưỡng thờ Mẫu Mẹ, lập đền thờ và hương hỏa cho đến hôm nay.

Vì thế, tín ngưỡng thờ Mẫu Âu Cơ dễ dàng đi vào đời sống dân gian, bắt rễ sâu vào xã hội và đời sống tâm linh của mỗi người dân đất Việt. Trở về Đền Mẫu là hành trình tâm linh về cội nguồn dân tộc, trở về để tri ân công đức Tổ Mẫu, người Mẹ vĩ đại của dân tộc Việt Nam. Nét nổi bật trong tín ngưỡng thờ Mẫu Âu Cơ ở Hiền Lương là lễ hội Đền Mẫu được UBND huyện Hạ Hòa tổ chức trang trọng vào ngày mùng 7 tháng giêng hằng năm.

Không chỉ dâng lễ tri ân Mẫu Âu Cơ, du khách khi đến Đền Mẫu còn có nhu cầu chiêm bái tín ngưỡng thờ Mẫu hiện diện ngay trong khuôn viên Đền Mẫu. Các không gian thờ Tam toà Thánh Mẫu, Mẫu Sơn Trang, Trần Triều, Mẫu Thượng Thiên, Mẫu Địa, Miếu Cô thờ Đệ Nhất, Đệ Nhị Vương Cô tuy không đồ sộ, bề thế như nhiều nơi nhưng lại là những không gian tâm linh mà du khách chiêm bái, cầu cúng, là nơi gửi gắm niềm tin tâm linh của tâm hồn con người.

Biểu tượng thiêng liêng

Với giá trị nhiều mặt, từ lâu, Đền Mẫu Âu Cơ đã trở thành biểu tượng thiêng liêng của cội nguồn dân tộc.  Trong cuộc sống đương đại, Đền Mẫu Âu Cơ không chỉ là nơi phụng thờ Mẫu Âu Cơ mà còn là địa chỉ tâm linh của du khách thập phương. Hằng năm, Đền Mẫu Âu Cơ đón hàng vạn du khách thập phương về chiêm bái. Khi đặt chân đến đất thiêng Hiền Lương, mỗi người đều tự nhủ lòng được trở về nguồn cội của dân tộc cũng là tìm lại chính mình.

Lễ tế nữ quan trong Lễ hội đền Mẫu Âu Cơ.

Bà Nguyễn Thị Thuận, người dân khu 4, xã Hiền Lương chia sẻ: “Đền Mẫu Âu Cơ cổ kính trầm mặc bên cây đa di sản đã nhân lên niềm tự hào về nòi giống Tiên Rồng và bọc trăm trứng huyền thoại, khiến người với người gần gũi, gắn bó, sẻ chia nhau hơn. Đặc biệt, khi nghe đọc Chúc văn trong nghi lễ tế nữ quan, ai ai cũng lắng sâu cảm xúc, cảm nhận được sự thiêng liêng, cao quý của Tổ Mẫu Âu Cơ cùng những huyền tích ấm áp”. 

Ông Đặng Đình Thuận, phó chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian tỉnh Phú Thọ khẳng định: “Di tích lịch sử văn hoá Đền Mẫu Âu Cơ, tín ngưỡng thờ Mẫu Âu Cơ là tài sản vô giá của dân tộc Việt Nam, một nét đẹp trong tinh hoa văn hóa của người Việt, là biểu tượng thiêng liêng của nguồn cội con Lạc cháu Hồng của muôn dân đất Việt. Vì vậy, di sản Đền Mẫu Âu Cơ cùng với tín ngưỡng thờ Mẫu Âu Cơ cần được bảo vệ, giữ gìn và phát huy giá trị để đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hoá ngày càng cao của nhân nhân”.

Con người dù ở nơi đâu, trở về Đền Mẫu là về với không gian tâm linh ấm áp vốn có để lắng nghe lời đồng vọng của sông núi, tổ tiên. Mỗi con người hôm nay luôn tự nhủ phải đoàn kết, gắng sức mình vượt lên gian khó để xây dựng quê hương, đất nước ngày càng phồn vinh, giàu đẹp.

Phát triển du lịch tâm linh về cội nguồn

Trong thời kỳ đổi mới, đất nước đã và đang đẩy mạnh công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hoá, hội nhập quốc tế thì việc bảo tồn, phát huy những giá trị văn hoá truyền thống càng được quan tâm và có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Đền Mẫu Âu Cơ, tín ngưỡng thờ Mẫu Âu Cơ nằm trong hệ thống di sản văn hóa phong phú và đa dạng đã trở thành nguồn tài nguyên du lịch nhân văn hấp dẫn để xây dựng sản phẩm du lịch văn hóa tâm linh đặc trưng của vùng Đất Tổ.

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Phú Thọ lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025 đã xác định phương hướng, mục tiêu: “Khai thác tốt tiềm năng, lợi thế, giá trị lịch sử, văn hóa vùng Đất Tổ, sử dụng hiệu quả các nguồn lực, liên kết vùng; tập trung thực hiện khâu đột phá về cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư và kinh doanh; chú trọng phát triển kinh tế gắn với phát triển văn hóa - xã hội, bảo vệ môi trường, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân; giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội; xây dựng Phú Thọ là tỉnh phát triển hàng đầu của vùng Trung du và miền núi phía Bắc”.

Tượng Mẫu Âu Cơ tại đền Mẫu Âu Cơ, xã Hiền Lương, Hạ Hoà, Phú Thọ là bảo vật quốc gia của dân tộc Việt Nam.

Đồng thời, trong 8 nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Phú Thọ lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025 đã nêu rõ: “Chú trọng bảo tồn, phát huy giá trị lịch sử và các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể phục vụ giáo dục truyền thống và gắn với phát triển du lịch bền vững”. Với phương châm “du lịch hoá di tích”, “biến di sản thành tài sản”, di tích lịch sử Đền Mẫu Âu Cơ, tín ngưỡng thờ Mẫu Âu Cơ cần được tăng cường đầu tư, nâng cao giá trị và hiệu quả khai thác gắn với phát triển du lịch không chỉ của địa phương, của tỉnh mà còn mang tầm quốc gia.

Sản phẩm du lịch tâm linh Đền Mẫu Âu Cơ cần gắn với phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng trong tổng thể hệ thống du lịch của khu vực và cả nước nhằm tạo sự liên kết và quảng bá rộng rãi, góp phần thu hút, đáp ứng nhu cầu thụ hưởng du lịch văn hoá tâm linh ngày càng cao của du khách trong nước và quốc tế.

Có thể khẳng định, bảo tồn và phát huy giá trị gắn với phát triển du lịch di sản văn hóa tâm linh Đền Mẫu Âu Cơ tại xã Hiền Lương là sự bảo tồn giá trị truyền thống của dân tộc. Đồng thời, còn góp phần quảng bá hình ảnh quê hương, đất nước với bạn bè quốc tế trong thời kỳ hội nhập../.

Bài, ảnh: Nguyễn Thế Lượng

Nguồn: Báo Đảng Cộng sản