Đại dịch toàn cầu COVID-19 bùng phát đã gây tổn thất nặng nề cho ngành du lịch và còn diễn biến phức tạp, chưa dự báo được thời điểm kết thúc. Do đó, ngành du lịch cần tiếp tục chuẩn bị những giải pháp tích cực để phục hồi và thích ứng trong trạng thái “bình thường mới”.
Du lịch nội địa dần hồi sinh, việc bắt đầu mở cửa đón khách quốc tế đến Việt Nam từ các tỉnh, thành phố như Quảng Nam, Phú Quốc, (Kiên Giang), Khánh Hòa… là những tin vui của ngành du lịch trong những tháng cuối năm sau thời gian dịch bệnh gây ảnh hưởng nặng nề đến ngành du lịch.
Du lịch nội địa đang dần hồi sinh.
Các địa phương nỗ lực “vực dậy” ngành du lịch
Gần hai năm anh Lê Quốc Khánh (Hà Nội) mới được dẫn đoàn khách du lịch từ Hà Nội đi Hòa Bình trong tour du lịch trải nghiệm tại Đà Bắc và Ba Khan (tỉnh Hòa Bình). Dịch bệnh đã làm ngành du lịch “đóng băng” suốt 2 năm vừa qua khiến những người làm nghề hướng dẫn viên du lịch như anh Khánh gặp rất nhiều khó khăn. Nhiều đồng nghiệp của anh phải chuyển sang làm những lĩnh vực khác như bảo hiểm, môi giới bất động sản, bán hàng online…
Sau khi Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ quy định tạm thời “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” (Nghị quyết 128) đã đưa ra những biện pháp phòng, chống dịch áp dụng thống nhất trên toàn quốc, ngành du lịch có nhiều điều kiện để phục hồi. Ngành du lịch Việt Nam sớm có kế hoạch khởi động lại, bắt đầu từ du lịch nội địa. Các địa phương đã xây dựng kế hoạch phục hồi du lịch, mở cửa đón khách.
Ông Bùi Xuân Trường, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao Du lịch tỉnh Hòa Bình cho biết, tỉnh đã xây dựng những đề án: “Cơ cấu lại sản phẩm du lịch”; “Phát triển du lịch cộng đồng gắn với phát triển nông nghiệp, nông thôn”…, nâng cấp những điểm du lịch cộng đồng để có những điểm cung cấp cho khách hàng những dịch vụ tốt hơn, hoặc cải thiện các điểm du lịch để phục vụ nhu cầu đi lại, thăm quan của du khách.
Hòa Bình xác định khách hàng mục tiêu trước mắt đó là khách nội địa, chủ yếu tập trung ở thành phố Hà Nội và các tỉnh miền Bắc và kéo dài trong khoảng thời gian 6 tháng tới. Tỉnh đã xây dựng các gói kích cầu cho các đơn vị kinh doanh lưu trú; đôn đốc các cơ sở kinh doanh lưu trú nâng cấp lại cơ sở, đồng thời chuẩn bị nguồn lao động cũng như sản phẩm có tính cạnh tranh cũng như giá thành mang tính khuyến khích, nhằm thu hút khách du lịch.
“Với hệ thống các khu nghỉ dưỡng hiện nay, lượng khách đang tăng dần, đặc biệt vào những dịp cuối tuần. Chúng tôi đang áp dụng các biện pháp kích cầu, giảm giá từ 20% đến 50% theo từng gói dịch vụ nhằm đón được khách du lịch vào tất cả những ngày trong tuần”, ông Bùi Xuân Trường cho biết.
Để có thể vực dậy ngành du lịch, Khánh Hòa là một trong những địa phương tiên phong “mở cửa” du lịch hoạt động trở lại với việc ban hành một loạt kế hoạch, phương án, hướng dẫn để thu hút du khách.
Bà Nguyễn Thị Lệ Thanh, Giám đốc Sở Du lịch Khánh Hòa cho biết tỉnh thực hiện việc đón khách du lịch nội tỉnh từ ngày 1/10, khách du lịch ngoại tỉnh từ ngày 16/10 và khách du lịch quốc tế từ đầu tháng 11.
Trong tháng 9/2021, lượng khách du lịch đến với Khánh Hòa chỉ đạt con số rất khiêm tốn gần 4.000 lượt, thì sau thời điểm ngành du lịch Khánh Hòa “mở cửa” đón khách, số lượng khách du lịch đến với Khánh Hòa đã tăng hơn gấp 3 lần trong tháng 10 (gần 14.000 lượt) và gấp hơn 7 lần trong tháng 11 (đạt hơn 30.000 lượt). Doanh thu du lịch tháng 11 ước đạt gần 200 tỷ đồng, đồng thời đóng vai trò trong việc thúc đẩy sự phục hồi, phát triển các ngành, lĩnh vực khác của tỉnh.
“Có thể nói rằng, du lịch Khánh Hòa đang khởi sắc sau khi mở cửa du lịch trở lại và là một trong số những địa phương với tốc độ phục hồi rất tốt”, bà Thanh chia sẻ.
Tỉnh Kiên Giang cũng đã mở cửa du lịch với lộ trình và kế hoạch rất cụ thể. Riêng đối với khách nội địa, từ ngày 1/11, tỉnh Kiên Giang thực hiện lộ trình 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 (thí điểm) từ ngày 1 đến 30/11, đón khách nội tỉnh và khách đến từ các tỉnh có cấp độ dịch nguy cơ thấp (cấp 1) và nguy cơ trung bình (cấp 2). Tỉnh khuyến khích khách du lịch theo chương trình tour trọn gói. Điểm đón khách du lịch giai đoạn này là các khu, điểm du lịch tại Rạch Giá, Phú Quốc, Hà Tiên, Kiên Hải.
Giai đoạn 2, từ ngày 1/12/2021 đến 12/2022, Kiên Giang sẽ mở rộng đón du khách đến từ các thị trường truyền thống có đường bay trực tiếp đến Phú Quốc như Thanh Hóa, Lâm Đồng, Nghệ An, Đà Nẵng, Hải Phòng… Về địa điểm đón khách du lịch, sẽ mở rộng phạm vi đón khách tại các khu, điểm tham quan, du lịch, vui chơi giải trí: Rạch Giá, Hòn Đất, Hà Tiên, Kiên Lương, Phú Quốc, Kiên Hải, U Minh Thượng.
An toàn trở thành yếu tố quan trọng hàng đầu
Du lịch nội địa dần hồi sinh, việc bắt đầu mở cửa đón khách quốc tế đến Việt Nam từ các tỉnh, thành phố như Quảng Nam, Phú Quốc, (Kiên Giang), Khánh Hòa… là những tin vui của ngành du lịch trong những tháng cuối năm sau thời gian dịch bệnh gây ảnh hưởng nặng nề đến ngành du lịch. Tuy nhiên an toàn vẫn là yếu tố quan trọng hàng đầu trong bối cảnh dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp.
Theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình, đại dịch COVID-19 đã và đang làm thay đổi toàn diện cấu trúc xã hội, trong đó ngành du lịch cũng phải thích ứng và an toàn trở thành yếu tố quan trọng hàng đầu được quy định bắt buộc trong mọi hoạt động du lịch. Cụ thể, các lĩnh vực du lịch cần bổ sung yếu tố an toàn vào các quy chế, quy định trong hoạt động. Yếu tố an toàn phải được đưa vào các điểm đến du lịch, các sản phẩm du lịch, phương tiện vận chuyển du lịch, cơ sở lưu trú du lịch (khách sạn, resort, nhà nghỉ,...) và dịch vụ du lịch (cơ sở mua sắm, ăn uống, cơ sở biểu diễn văn hóa, nghệ thuật, cơ sở thể thao, cơ sở chăm sóc sức khỏe,...).
Bà Nguyễn Thị Lệ Thanh, Giám đốc Sở Du lịch Khánh Hòa cho biết từ khi “mở cửa” du lịch hoạt động trở lại cho đến nay, Khánh Hòa chưa xảy ra sự cố về dịch bệnh nào ảnh hưởng đến an toàn, sức khỏe của khách du lịch và người dân địa phương. Qua đó góp phần khẳng định thương hiệu du lịch Nha Trang – Khánh Hòa là điểm đến an toàn, chất lượng, hấp dẫn và thân thiện đối với du khách.
Trong thời gian tới đây, ngành du lịch Khánh Hòa tiếp tục tập trung triển khai nhiều hoạt động, giải pháp nhằm vừa đảm bảo an toàn phòng chống dịch vừa thu hút mạnh mẽ hơn nữa khách du lịch đến với Nha Trang – Khánh Hòa, nhất là giai đoạn dịp lễ giáng sinh, Tết Tây và Tết Nguyên đán, bằng các chương trình khuyến mãi, kích cầu, chương trình tour, sản phẩm du lịch thật sự mới lạ, hấp dẫn, chất lượng, giá ưu đãi, tổ chức các sự kiện văn hóa, ẩm thực, du lịch đặc sắc và các hoạt động truyền thông quảng bá sâu rộng, liên tục giúp các doanh nghiệp lữ hành, du khách trong nước và quốc tế dễ dàng tiếp cận, tìm hiểu, nắm bắt thông tin về du lịch Khánh Hòa.
Các cơ sở du lịch Khánh Hòa cũng chuẩn bị sẵn sàng mọi điều kiện để triển khai đón khách quốc tế có “hộ chiếu vaccine” với một số lượng lớn hơn được thực hiện theo hướng dẫn của Bộ VHTTDL và UBND tỉnh tạm thời của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về thí điểm đón khách du lịch quốc tế đến Việt Nam và Hướng dẫn số 11368/HD-UBND ngày 10/11/2021 của UBND tỉnh Khánh Hòa về hướng dẫn đón khách du lịch quốc tế đến Khánh Hòa.
Đề cập đến tiêu chí an toàn khi khởi động lại du lịch, đại diện Công ty Vietravel cho rằng, cần xây dựng tiêu chí an toàn đối với hệ thống dịch vụ để giảm tối đa sự lây lan virus, đồng thời có các biện pháp kiểm tra, giám sát nhằm đảm bảo các doanh nghiệp thực hiện theo đúng cam kết, ngoài ra các tiêu chí được áp dụng đồng thời cho cả các doanh nghiệp lữ hành, hệ thống cung cấp dịch vụ từ vận chuyển, nhà hàng, khách sạn, điểm tham quan và cả khách du lịch.
Vietravel đề xuất khởi động lại chiến dịch “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam” đã được triển khai khá thành công trong năm 2020 nhằm tận dụng hiệu ứng cũng như định hướng truyền thông về một thông điệp chung, tránh truyền thông dàn trải. Bên cạnh đó ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động chỉ đạo, điều hành và giám sát hoạt động du lịch: Tích hợp hệ thống nhận diện người dân đã tiêm vaccine và khu vực vùng xanh vào một hệ thống dưới dạng QR code; đặt các máy quét QR code tự động tại các điểm bán hàng, cung ứng dịch vụ để kiểm tra tình trạng của khách du lịch; đồng thời chia sẻ dữ liệu đối với các doanh nghiệp, đơn vị cung ứng dịch vụ trực tiếp với khách hàng.
Diệp Anh – Minh Anh