Những phát hiện này góp phần rất lớn giúp Thanh Hóa xây dựng kế hoạch phục dựng, khôi phục và bảo vệ cảnh quan tại di sản Thành Nhà Hồ.
Ngày 14/12, Viện Khảo cổ học Việt Nam phối hợp với Trung tâm bảo tồn di sản Thành Nhà Hồ (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thanh Hóa) công bố kết quả khai quật nội thành Di sản thế giới Thành Nhà Hồ.
Cuộc khai quật này được thực hiện theo Quyết định số 2327/QĐ-BVHTTDL ngày 19/8/2020 và Quyết định số 896/QĐ-BVHTTDL ngày 16/3/2021 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Theo báo cáo, trong 2 năm, các nhà khoa học đã tiến hành 6 hố khai quật với tổng diện tích 25.000 m2. Đây là cuộc khai quật lớn nhất lịch sử Khảo cổ học Việt Nam tính về tổng số diện tích trong một lần khai quật. Qua đó, phát hiện được 4 cụm dấu tích có niên đại thời Trần - Hồ, 2 cụm kiến trúc thời Lê sơ, 1 cụm kiến trúc thời Lê Trung Hưng.
Nhiều dấu tích quan trọng tại nội thành Thành Nhà Hồ đã được phát hiện. (Ảnh: nld.com.vn)
Cụ thể, đã phát hiện được nhiều di tích kiến trúc thời Trần - Hồ tại các hố khai quật ở khu vực Trung tâm (nền Vua), khu vực Đông Nam và Tây Nam. Tại nền Vua đã phát hiện được 10 kiến trúc, tính từ phía Nam lên Bắc dài 200 m, rộng 80 m (tổng diện tích khoảng 16.000 m2).
Quá trình khai quật nội thành, các nhà khoa học cũng phát hiện nhiều dấu tích kiến trúc thời Lê sơ và Lê Trung Hưng với đặc điểm xây bằng gạch vồ, ngói âm dương, kích thước móng cột được xây dựng bằng gạch ngói vụn (thời Lê sơ); phát hiện 2 dấu tích kiến trúc thời Lê Trung Hưng với đặc điểm xây bằng gạch vồ, ngói âm dương, kích thước móng cột trung bình 1,3mx1,4m được xây dựng bằng gạch ngói vụn.
Theo Hội Khảo cổ học Việt Nam, cuộc khai quật đã bước đầu thu được kết quả hết sức khả quan như: đã xác định dấu tích kiến trúc độc đáo, có quy mô lớn vào loại nhất cho đến nay trong lịch sử nghiên cứu kiến trúc cổ truyền Việt Nam ở khu vực Trung tâm Thành Nhà Hồ (hay còn gọi là nền Vua). Cuộc khai quật cũng bộc lộ lòng đất Thành Nhà Hồ đang còn tiềm ẩn rất nhiều các di tích kiến trúc khác. Tất cả đều được quy hoạch, bố trí hết sức quy chuẩn, đồng bộ, hài hòa, bài bản, các kiến trúc được được xây dựng với nhiều tầng, nhiều lớp, nhiều loại hình kiến trúc, vật liệu xây dựng trong nhiều thời kỳ khác nhau… Điều đó góp phần làm sâu sắc thêm các giá trị nổi bật toàn cầu của di sản thế giới Thành Nhà Hồ đã được thế giới khẳng định và tôn vinh năm 2011.
Trên cơ sở kết quả khai quật, các nhà nghiên cứu lịch sử đề suất UBND tỉnh Thanh Hóa và các ngành liên quan cần sớm lập quy hoạch nghiên cứu tổng thể, chuyên sâu; đồng thời xây dựng kế hoạch bảo tồn, trùng tu hệ thống cung điện Thành Nhà Hồ.
Thành Nhà Hồ nằm trên hai xã Vĩnh Tiến và Vĩnh Long, huyện Vĩnh Lộc, Thanh Hóa. Trải qua hơn 600 năm tồn tại, hầu hết công trình kiến trúc bên trong thành đã bị phá hủy. Những dấu tích nền móng cung điện xưa giờ vẫn nằm ẩn phía dưới những ruộng lúa của người dân quanh vùng.
Ngày 27/6/2011, tại phiên họp lần thứ 35 của Ủy ban Di sản thế giới thuộc Tổ chức Văn hóa, Khoa học và Giáo dục Liên hợp quốc (UNESCO) diễn ra tại Paris, Thành Nhà Hồ được công nhận là Di sản văn hóa thế giới./.
NK