Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong du lịch là một trong những giải pháp chính của TP Hồ Chí Minh nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của ngành du lịch thành phố trong giai đoạn thích ứng với dịch Covid-19.
Khảo sát tua du lịch tại các tỉnh Tây Bắc.
Trong bối cảnh thích ứng an toàn với Covid-19, yêu cầu chuyển đổi số càng trở nên bức thiết. Trong đó, giao dịch trực tuyến là một trong những kênh tiếp thị và bán lẻ hiệu quả do người tiêu dùng đã có thói quen giao dịch trực tuyến trên các sàn thương mại điện tử, tiết kiệm chi phí giúp giảm giá thành và đặc biệt là đáp ứng được tiêu chí an toàn trong bối cảnh người tiêu dùng vẫn còn tâm lý chưa hoàn toàn yên tâm khi giao dịch trực tiếp. Ngành du lịch là một trong những lĩnh vực được mở lại ngay từ giai đoạn đầu khi tình hình dịch bệnh tại thành phố được kiểm soát. Theo đó, Sở Du lịch thành phố đã nhanh chóng thích ứng, linh hoạt trong thay đổi hình thức tổ chức kế hoạch phục hồi du lịch. Năm 2021, lần đầu tiên Ngày hội Du lịch TP Hồ Chí Minh được tổ chức trực tuyến cùng lúc trên nhiều kênh như: website Ngày hội Du lịch thành phố Hồ Chí Minh, website quảng bá Du lịch thành phố Hồ Chí Minh, Sàn thương mại điện tử Shopee và Đại lý du lịch trực tuyến Traveloka… Đây là những nỗ lực tăng cường chuyển đổi số và cụ thể các giải pháp du lịch thông minh, góp phần mang lại sức sống mới cho các điểm đến du lịch tại TP Hồ Chí Minh và truyền cảm hứng du lịch đến người dân địa phương, du khách trong nước và quốc tế. Với nhiều tiện ích, website cho phép người dùng tương tác ảo và khám phá thông tin về các điểm tham quan, sự kiện và hoạt động xúc tiến du lịch trong và ngoài nước.
Là doanh nghiệp đang đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong quảng bá, giới thiệu về các sản phẩm du lịch nội địa, ông Nguyễn Minh Mẫn, Giám đốc Truyền thông-Marketing và Công nghệ thông tin Công ty TST tourist cho biết: Do tác động của dịch bệnh, xu hướng khách đi du lịch sau dịch cũng sẽ thay đổi. Vì vậy, doanh nghiệp đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số vào thanh toán, bán tua... để giúp gia tăng doanh số, kích thích nhu cầu đi du lịch, vui chơi, giải trí của khách hàng dịp cuối năm. Theo đó, xu hướng du lịch năm nay đa số du khách sẽ quan tâm nhiều hơn đến vấn đề bảo đảm an toàn phòng, chống dịch, chọn những đường tua gần, theo nhóm nhỏ và chi phí tiết kiệm, doanh nghiệp đã tập trung xây dựng các đường tua ngắn, chi phí tiết kiệm... nhưng chất lượng ổn định để thích ứng với dịch. Theo ông Nguyễn Minh Mẫn, ngay trong thời gian dịch bệnh, doanh nghiệp chuyển sang đẩy mạnh chuyển đổi số bằng việc đào tạo nguồn nhân lực qua các kênh trực tuyến để chuẩn bị sẵn sàng cho hoạt động của công ty khi dịch được kiểm soát và thực hiện các buổi tập huấn trực tiếp về công tác phòng, chống dịch Covid-19 cho nhân viên và hướng dẫn kỹ năng để hỗ trợ du khách khi cần thiết.
Tương tự, đại diện Công ty cổ phần Dịch vụ du lịch Bến Thành (Ben Thanh Tourist) cho biết, trong giai đoạn giãn cách xã hội, công ty có thời gian mở các lớp đào tạo nhân sự nhằm nâng cao kỹ năng nghiệp vụ cho nhân viên, hướng dẫn viên... Đơn vị cũng chuyển sang làm việc trực tuyến nhiều hơn, đầu tư phát triển sâu hơn vào các ứng dụng công nghệ và vào các sản phẩm của thị trường nội địa với các đường tua ngắn ngày và di chuyển gần. Trong đó, luôn chú trọng vào các sản phẩm du lịch với tiêu chí an toàn cho sức khỏe, phù hợp các nhóm khách nhỏ, khách gia đình trong dịp cuối năm. Hiện, công ty đã và đang khảo sát các đường tua mới tại thành phố và các địa phương, sau đó, đánh giá lại sản phẩm để nâng cao chất lượng dịch vụ, hoàn thiện hơn nữa để phục vụ khách hàng trong dịp Tết Nguyên đán 2022 trong điều kiện thích ứng linh hoạt với dịch bệnh. Trong khi đó, ở mảng nhà hàng, khách sạn, các doanh nghiệp từ thói quen chỉ bán đồ ẩm thực, phục vụ khách hàng trực tiếp nhưng từ khi dịch bệnh xuất hiện, các khách sạn 5 sao tại TP Hồ Chí Minh đã bắt đầu thay đổi tư duy, đẩy mạnh bán hàng trực tuyến qua các nền tảng số nhiều hơn. Ông Nguyễn Hữu Nam Phương, Giám đốc kinh doanh tiếp thị của khách sạn Majetic cho biết: Dịch bệnh xuất hiện khiến khách sạn phải thay đổi mạnh mẽ để thích ứng. Theo đó, đa số các khách sạn phải chuyển sang việc ứng dụng công nghệ số trong việc đặt phòng khách sạn, ẩm thực... Đặc biệt, chính các nhân viên cũng phải chuyển sang tâm lý từ cung cấp dịch vụ tại chỗ sang trực tuyến và phục vụ tại nhà để duy trì sự phát triển của khách sạn. Cũng nhờ chuyển sang hình thức kinh doanh trực tuyến trên các nền tảng số mà doanh thu của khách sạn trong mùa dịch cũng có tín hiệu khả quan hơn.
Phó Giám đốc Sở Du lịch Lê Trương Hiền Hòa cho biết: Chuyển đổi số đã chứng minh là tất yếu đối với mọi ngành nghề nếu muốn phát triển trong thời đại cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Ngành du lịch cũng không là ngoại lệ, muốn chuyển mình mạnh mẽ phải ứng dụng công nghệ vào các hoạt động của mình. “Những năm trước, câu chuyện chuyển đổi số trong du lịch vẫn chỉ tập trung ở một số lĩnh vực có tư duy nhạy bén, linh hoạt và mạnh tiềm lực tài chính, thì nay chính đại dịch Covid-19 lại đẩy tất cả buộc phải lựa chọn: chuyển đổi số hoặc bị bỏ lại phía sau”- ông Lê Trương Hiền Hòa, Phó Giám đốc Sở Du lịch thành phố nhấn mạnh.
Bài và ảnh: Bảo Linh