Không phải ngẫu nhiên mà trong chuỗi hoạt động kích thích du lịch TPHCM trong bối cảnh bình thường mới, hồi tháng trước, Phó chủ tịch UBND TPHCM Phan Thị Thắng đã chủ trì cuộc tọa đàm về “Phát triển kinh tế đêm Cần Giờ” với sự tham dự của lãnh đạo các ban ngành, doanh nghiệp lữ hành, nhà đầu tư, các chuyên gia… Đã có những phát biểu, trao đổi khá thẳng thắn, gợi mở nhiều ý tưởng để phát triển du lịch Cần Giờ. Nhưng do thời gian có hạn, nhiều vấn đề chưa được tranh luận để làm rõ hơn tại cuộc tọa đàm, đặc biệt là về cách làm và tính hiệu quả.
Trải nghiệm làm diêm dân tại Cần Giờ. Ảnh: Nguyễn Văn Mỹ
Cần Giờ có gì?
Cũng xin nhắc lại một số đặc điểm của điểm đến Cần Giờ. Huyện Cần Giờ có diện tích hơn 704 ki lô mét vuông, 32% là sông rạch, 56,7% là rừng ngập mặn với 69 cù lao lớn nhỏ, là khu dự trữ sinh quyển thế giới đầu tiên của Việt Nam (vào năm 2000). Cần Giờ có bờ biển dài 21 ki lô mét, có rừng, có ruộng muối, vườn cây, là trọng điểm nuôi hàu, thủ phủ nuôi yến…, cách trung tâm TPHCM khoảng 50 ki lô mét, có thể đi đến bằng đường bộ và đường thủy.
Dân số Cần Giờ khoảng 72.000 người. Xã Bình Khánh có gần 350 nhà yến. Năm 2019, sản lượng tổ yến thu hoạch ước đạt 4,8 tấn, tổng doanh thu trên 100 tỉ đồng. Cần Giờ hiện có hơn 700 hộ nuôi hàu với diện tích trên 300 héc ta, sản lượng năm 2019 gần 15.000 tấn.
Rừng Cần Giờ có 220 loài thực vật bậc cao với 155 chi, thuộc 60 họ. Đước, bần, mắm, dừa nước (dừa lá) là những loài đặc trưng. Động vật thủy sinh không xương sống có trên 700 loài, hơn 130 loài cá, 9 loài lưỡng thê, 31 loài bò sát (11 loài có trong sách đỏ Việt Nam). Chim có 47 họ, 17 bộ với 51 loài chim nước, 79 loài không phải chim nước sống trong nhiều sinh cảnh khác nhau.
Cần Giờ có 26 di chỉ khảo cổ. Độc đáo nhất là di chỉ Giồng Cá Vồ (Long Hòa), thời kỳ tiền văn hóa Sa Huỳnh đã khai quật 350 mộ chum cùng nhiều đồ tùy táng theo tục hung táng của tín ngưỡng Mẹ (sinh ra từ bụng mẹ, chết đi cũng trong thế ngồi của mộ chum, như bụng Mẹ). Ngoài ra, di tích khảo cổ về gốm Bao Đồng (Lý Nhơn) có niên đại từ 2.300-2.500 năm…
Đặc biệt, chiến khu Rừng Sác là biểu tượng kiêu hùng trong cuộc chiến tranh thống nhất đất nước của huyền thoại binh chủng đặc công thủy “đặc biệt tinh nhuệ” với các kỹ năng sinh tồn và kỹ năng chiến đấu tuyệt vời trong môi trường đặc thù của Cần Giờ. Ngoài bom đạn, đặc công Rừng Sác thường xuyên đối mặt và chịu tổn thất lớn trước loài cá sấu hung dữ, lền khên. Đặc công thủy có các kiểu bơi đứng, cận chiến với thủy quái nhằm bảo toàn tính mạng…
Vẫn… trăn trở
Nhớ hồi năm 1997 khi Lửa Việt Tour đưa mấy trăm học sinh trường dân lập Nguyễn Khuyến tham quan Cần Giờ. Lúc đó, đoàn phải tổ chức đi xe 25 chỗ vì cầu yếu, phải căn thủy triều phà Dần Xây… Tắm biển xong phải thuê máy, bơm nước giếng, lấy vòi xịt như tắm mưa tập thể.
Rồi dự án cầu Dần Xây được hoàn thành năm 2001, nhưng tới mấy năm sau thì các cây cầu trên tuyến mới được nâng tải cho xe 45 chỗ. Đường Bình Khánh – Long Hòa được mở rộng, nâng cấp nhưng chất lượng vẫn xấu. Đến nay, Cần Giờ cũng chỉ mới có hai cơ sở lưu trú 3 sao. Lượng khách chủ yếu vẫn tham quan và đi về trong ngày, tập trung vào cuối tuần hoặc các dịp lễ, Tết.
Tuyến điểm tham quan, sản phẩm du lịch vẫn đơn điệu, chỉ dạo xem khu nuôi khỉ hoang dã, chiến khu Rừng Sác, Vàm Sát, và tắm biển, ăn hải sản. Nhưng biển và hải sản Cần Giờ thì không thể sánh với Vũng Tàu hay Phan Thiết; bãi tắm 30-4 giờ đã ngập cỏ dại; dự án lấn biển rộng hàng ngàn héc ta đang ngưng trệ vì nhiều lý do. Nghe rằng có nhà đầu tư đang muốn xây resort 5 sao với các dịch vụ cao cấp, vừa trên đất lẫn trên biển.
Gần đây, khách có thêm tuyến xã đảo Thạnh An và Thiềng Liềng để tham quan. Song đáng kể ở Thạnh An chỉ có sản phẩm check-in tuyến bờ kè. Tuyến Thiềng Liềng thì đỡ đơn điệu hơn khi du khách có thể đạp xe khoảng 4 ki lô mét quanh ấp, trải nghiệm làm ruộng muối với diêm dân, làm “nhà” cho hàu hoặc thu hoạch và ăn hải sản. Dù vậy, giao thông đường bộ thì khó khăn, đi ca nô giá lại quá đắt, và ở đây cũng chưa có nhà nghỉ thực sự tiện nghi.
Các cuộc hội thảo, tọa đàm vẫn nói nhiều về tài nguyên, tiềm năng du lịch Cần Giờ, đều cho rằng cần thúc đẩy du lịch phát triển, nhưng cụ thể phải làm như thế nào thì rất lúng túng, kể cả với chủ trương mới nhất về phát triển kinh tế đêm. Đặc biệt, vì Cần Giờ là một khu Ramsar(*) trên thế giới nên các tính toán phát triển những dự án lớn tại đây sẽ phải đối mặt những quy định nghiêm ngặt về tài nguyên, môi trường, bảo tồn rừng.
Vài ý kiến chủ quan
Theo ý kiến cá nhân tôi, để du lịch Cần Giờ tăng tốc thì còn rất nhiều việc phải làm.
Trước hết là về giao thông. Trong khi chờ hoàn thành xây dựng cầu Cần Giờ thì cần phải tăng cường đường phà Bình Khánh, đảm bảo không kẹt phà và ưu tiên khách du lịch. Tăng tàu và giảm giá thành vận chuyển; sắp xếp bến đậu, điểm dừng, điểm check-in; nối kết thành tuyến trải nghiệm với chim yến (Bình Khánh), hàu, ruộng muối (Thiềng Liềng), dừa nước, rừng ngập mặn…; cho phép tắc ráng vận chuyển khách đường thủy như các tỉnh miền Tây vì hiện nay dịch vụ cano tuy đi nhanh, an toàn nhưng mức giá cao gấp chục lần.
Về loại hình du lịch, trước mắt cò thể thúc đẩy du lịch trải nghiệm, các hoạt động ngoại khóa gắn với rừng ngập mặn, làng nghề, di tích văn hóa – lịch sử… Về lâu dài thì nên tập trung du lịch nghỉ dưỡng cao cấp và các dịch vụ gắn với rừng ngập mặn và biển, phát triển hài hòa giữa kinh tế, du lịch và bảo vệ môi trường. Cũng có thể nghiên cứu đầu tư mô hình trung tâm huấn luyện, kiểu vận động trường phù hợp các hoạt động huấn luyện hoặc sinh hoạt tập thể/đội nhóm ở ngoài trời (team leader, team building), tăng cường các trò chơi cảm giác mạnh…
Về dịch vụ lưu trú, trong khi chờ khởi công các dự án phức hợp cao cấp thì nên ưu tiên hình thành một số dự án lưu trú 4-5 sao thân thiện môi trường; nâng cấp và chuẩn hóa dịch vụ các cơ sở lưu trú hiện nay, đặc biệt về tinh thần và thái độ phục vụ; hình thành các nhà thuyền (boathouse) di động và neo ở những điểm phù hợp. Dài hơi hơn, cần có chiến lược phát triển du lịch cộng đồng (loại hình du lịch dựa trên các giá trị văn hóa cộng đồng, có sự tham gia của cộng đồng dân cư vào chuỗi cung ứng và quản lý dịch vụ) gắn với nông thôn, nông nghiệp. Riêng Thiềng Liềng có thể phát triển thành mô hình “làng du lịch thân thiện”.
Về sản phẩm du lịch, cần lưu ý khi du khách chọn Cần Giờ thì thường là họ muốn “rửa mắt” (cảnh quan rừng, sông nước…) và “rửa phổi” (không khí trong lành, hương vị rừng ngập mặn…). Về ẩm thực nên phát huy các món ngon, bổ, rẻ như gỏi lìm kìm, gỏi bông bần, chả ba khía, tiết canh sò huyết, cơm vắt cá dứa, canh chua thòi lòi, dừa nước, xoài, mãng cầu…; phát triển thực đơn cho “buffet hàu”, “buffet yến”… Cây đước cũng có thể được chọn làm quà tặng như là một biểu tượng cho du lịch Cần Giờ: ươm cây trong chậu nhỏ, có thể để trang trí trên bàn làm việc suốt cả năm.
Riêng về tư duy phát triển kinh tế đêm, cần phải gắn giữa nhu cầu của người dân với nhu cầu du khách với những bước đi phù hợp. Có thể vận dụng sáng tạo từ mô hình chợ nổi Amphawa cách Bangkok khoảng 90 ki lô mét (có tượng đài đom đóm, hoạt động từ trưa đến 21 giờ tối) hay các chợ đêm ở Đài Loan.
Và một vấn đề không thể không đề cập đó là nhân lực góp sức phát triển du lịch Cần Giờ. Có lẽ trước tiên cần hình thành nhóm tư vấn mô hình du lịch hiệu quả, dám đồng hành, bảo hành dự án, hỗ trợ nguồn khách, có ký kết hợp đồng trách nhiệm và chế tài cụ thể. Bên cạnh đó, huy động ý tưởng thiết kế – xây dựng các bộ sản phẩm du lịch như “tour đặc thù Cần Giờ” (từ 1-4 ngày), các tour trại hè, tour ngoại khóa cho học sinh sinh viên nước ngoài từ 1-2 tuần…, có cả kế hoạch truyền thông – tiếp thị; xem xét đơn giản hóa thủ tục cho các đoàn du khách đường biển và các nhà đầu tư ghé Cần Giờ; vận động các cơ sở du lịch cao cấp hỗ trợ Cần Giờ huấn luyện thực hành nghiệp vụ ở các mảng dịch vụ du lịch.
Trên thực tế, TPHCM vẫn là trọng điểm du lịch của Đông Nam Á. Cùng với khu vực trung tâm thành phố và địa danh du lịch Củ Chi, việc tăng tốc phát triển du lịch Cần Giờ sẽ tạo thế chân vạc giúp du lịch thành phố phát triển cân đối, bền vững hơn.
Nguyễn Văn Mỹ - Chủ tịch Lửa Việt Tours
(*) Khu Ramsar là vùng có đủ điều kiện đáp ứng các tiêu chí của một vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế được quy định trong Công ước Ramsar về bảo tồn và sử dụng một cách hợp lý và thích đáng các vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế.