Nhằm tạo thêm trải nghiệm mới cho người dân và du khách thành phố Hồ Chí Minh, được sự đồng ý của chính quyền các cấp, ngành quản lý, hai doanh nghiệp của thành phố đã triển khai 2 dịch vụ mới là cho thuê xe đạp công nghệ và chạy buýt sông buổi tối. Ngay sau khi khai trương, dịch vụ mới này đã thu hút nhiều sự quan tâm của người dân và du khách.
Một trạm xe đạp công nghệ cho thuê ngay trung tâm thành phố Hồ Chí Minh.
Lần đầu triển khai xe đạp công cộng
Ngày 16/12, Công ty cổ phần Tập đoàn Trí Nam (nhà đầu tư) đã khai trương dịch vụ thí điểm cho thuê xe đạp công nghệ công cộng trên địa bàn quận 1, sau khi được UBND thành phố Hồ Chí Minh chấp thuận theo báo cáo đề xuất của Sở Giao thông Vận tải.
Ông Đỗ Trí Dân, Chủ tịch HĐQT công ty cho biết, doanh nghiệp đã nhập 500 xe, đưa ra sử dụng 388 xe tại 43 trạm khắp quận 1. Mỗi trạm rộng 10-15m2, có 10-20 xe, phục vụ người dân thuê sử dụng di chuyển giữa các trạm xe buýt và tham quan danh thắng tại trung tâm thành phố.
“Xe đạp có gắn khóa thông minh, có tính năng định vị GPS, đóng hoặc mở khóa thông qua kết nối mạng 2G, 3G, 4G, bluetooth trên di động. Mỗi xe đạp cũng được gắn thẻ ID định danh. Thông qua phần mềm trung tâm, nhân viên vận hành có thể theo dõi lộ trình di chuyển của xe và người điều khiển”, ông Đỗ Trí Dân cho biết.
Du khách quét mã QR tải ứng dụng để mở khóa và sử dụng xe đạp.
Là một trong những người đầu tiên sử dụng dịch vụ tại trạm xe trên vỉa hè đường Lê Duẩn, ngay trước cửa Hội trường Thống nhất, chị Hoàng Như Hoa, ngụ tại đường Võ Văn Tần (quận 3) hào hứng chia sẻ: “Tôi đi bộ ra đây thuê xe để trải nghiệm. Dịch vụ khá thông minh. Người dùng cài đặt ứng dụng Mobike trên điện thoại rồi quét tìm trạm có xe ở gần, sau đó dùng ứng dụng này quét mã QR mở khóa xe; đăng ký giá cước theo thời gian sử dụng...”.
Trước đây, sinh viên Phương Trung Dũng (Trường Đại học Kinh tế thành phố Hồ Chí Minh) thường đi bộ đến trạm xe buýt để đến cơ sở 2 của trường (ở quận 10) học tập. Nay có dịch vụ cho thuê xe đạp thuận tiện, Dũng có thể chủ động hơn trong việc chọn tuyến xe buýt phù hợp cho lộ trình của mình.
“Trước đây, nếu lên xe buýt ở điểm chờ gần nhà, em sẽ phải đổi xe giữa chặng để đến trường. Nay em chỉ việc đến trạm gần nhà, nhận 1 xe, đạp tới điểm chờ xe buýt và trả xe đạp ở đó rồi lên xe buýt đi thẳng đến trường, không cần qua trạm trung chuyển”, Dũng cho biết.
Các bạn trẻ hào hứng trải nghiệm dịch vụ xe đạp công nghệ công cộng.
Theo Công ty cổ phần Tập đoàn Trí Nam, trong giai đoạn thí điểm, giá cho thuê xe đạp công nghệ là 5.000 đồng/30 phút và 10.000 đồng/giờ/xe. Riêng ngày 16/12, sẽ miễn phí cho mọi khách thuê. Cùng với việc triển khai dịch vụ cho thuê xe đạp công nghệ tại thành phố Hồ Chí Minh, Công ty cổ phần Tập đoàn Trí Nam cho biết, sẽ triển khai dịch vụ này tại thành phố du lịch Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) trong tháng 12/2021.
Về dịch vụ mới này, ông Đỗ Ngọc Hải, Trưởng phòng Quản lý vận tải đường bộ, Sở Giao thông Vận tải thành phố Hồ Chí Minh, cho rằng xe đạp công cộng không chỉ hỗ trợ kết nối các phương thức vận tải hành khách công cộng khác như xe buýt, metro mà còn giảm ô nhiễm môi trường. Đồng thời, dịch vụ mới này tạo thêm sự lựa chọn về phương thức giao thông công cộng cho người dân, du khách khi đến tham quan tại thành phố với chi phí hợp lý.
Sau một tuần triển khai, dịch vụ buýt sông ban đêm trên sông Sài Gòn đã trở thành tour du lịch ngắn thu hút nhiều du khách.
Buổi tối lung linh trên sông Sài Gòn
Tính đến ngày 16/12, dịch vụ buýt sông chạy buổi tối trên sông Sài Gòn đã trải qua 1 tuần thử nghiệm thành công. Vào các ngày trong tuần, người dân và du khách đến thành phố có thể tự thiết kế cho mình một chuyến ngắm hoàng hôn trên sông nếu đi chuyến 17h hoặc ngắm vẻ lung linh của thành phố khi lên đèn nếu đi chuyến 18h, 19h và 20h. Riêng thứ bảy và chủ nhật, du khách còn có thêm chuyến 21h để trải nghiệm.
Tối 15/12, anh Huỳnh Trung Dũng, ngụ tại đường Hai Bà Trưng, quận 1, đưa cả gia đình 4 người trải nghiệm tuyến buýt sông lúc 20h, từ Bến Bạch Đằng (quận 1) đến bến Bình An (thành phố Thủ Đức). Đứng trên boong tàu hứng làn gió mát rượi thổi khắp mặt sông Sài Gòn, anh chia sẻ: “Tôi và gia đình sống ở thành phố này đã lâu, nhưng đây là lần đầu tiên được ngắm thành phố từ phía sông vào buổi tối. Ngoài việc đi trên sông hơn 10km, cả gia đình còn có 15 phút dừng lại ở bến Bình An để trải nghiệm. Chuyến đi rất thú vị”.
Vẻ đẹp sông Sài Gòn về đêm được thành phố Hồ Chí Minh xác định là một trong những tài nguyên du lịch sẽ được khai thác nhiều trong thời gian tới.
Còn chị Phạm Phương Trang, một du khách đến từ Hà Nội, cho biết buýt sông buổi tối là tour khám phá rất mới với chị. “Tôi có nhiều lần vào thành phố Hồ Chí Minh, nhưng đây là lần đầu tiên được đi trên sông Sài Gòn vào buổi tối. Giá vé 15.000 đồng/người/lượt là rất rẻ. Không khí buổi tối mát mẻ, cảnh vật lung linh, trên tàu còn được nghe các nhạc công hòa tấu những bản nhạc du dương nữa. Thật là một trải nghiệm thú vị. Mong thành phố có thêm nhiều tuyến buýt sông buổi tối nữa”, chị Trang nói.
Đánh giá sau khi trải nghiệm tour du lịch ngắn này, ông Chai Cheng Huan đến từ Singapore, cho biết: “Tôi khá bất ngờ và cảm thấy thú vị khi tham gia chuyến đi kéo dài gần 1 giờ đồng hồ này. Cảm giác khá đặc biệt, khác hẳn khi trải nghiệm dịch vụ tương tự ở Singapore. Rất hấp dẫn”.
Ông Nguyễn Kim Toản, Giám đốc Công ty TNHH MTV Thường Nhật (chủ đầu tư tuyến buýt sông số 1 Bạch Đằng - Linh Đông), cho biết sau 1 tuần triển khai, lượng khách đi buýt sông buổi tối khá đông và ổn định. Doanh nghiệp sẽ xây dựng thêm nhiều hoạt động thú vị và các tuyến buýt sông buổi tối khác để nâng cao trải nghiệm của du khách khi sử dụng phương tiện này.
Nhóm Phóng Viên