Cách đây vừa đúng 75 năm, tại Hội nghị Văn hóa (VH) toàn quốc lần thứ nhất tổ chức vào tháng 11/1946, Bác Hồ đã nói: “VH soi đường cho quốc dân đi”
1. Và trong mục Đọc sách ở phần cuối tập Nhật ký trong tù, Bác định nghĩa: Vì lẽ sinh tồn cũng như mục đích của cuộc sống, loài người mới sáng tạo ra ngôn ngữ, chữ viết, đạo đức, pháp luật, khoa học, tôn giáo, văn học, nghệ thuật; những công cụ cho sinh hoạt hàng ngày về ăn, ở và các phương thức sử dụng.
Toàn bộ những sáng tạo và phát minh đó tức là VH. VH là sự tổng hợp của mọi phương thức sinh hoạt với biểu hiện của nó mà loài người đã sản sinh ra nhằm thích ứng những nhu cầu đời sống và đòi hỏi của sự sinh tồn” (Hồ Chí Minh toàn tập, trang 431). Thế giới ngày nay có hàng trăm định nghĩa VH, nhưng cách định nghĩa VH trên đây của Bác Hồ là rất rõ nghĩa và dễ hiểu nhất.
Minh họa internet
2. Trong một bài viết đăng báo Sài Gòn Giải Phóng số ra ngày 05/7/1998, tiêu đề Cội nguồn của VH Việt Nam xuất phát từ tinh thần yêu nước chống ngoại xâm của dân tộc - cố GS Trần Văn Giàu đã dẫn lịch sử các cuộc khởi nghĩa chống xâm lăng mà tổ tiên ta tiến hành từ khởi nghĩa của Hai Bà Trưng đến khởi nghĩa Lam Sơn, khởi nghĩa Tây Sơn và khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám 1945 do Đảng và Bác Hồ lãnh đạo, để nhấn mạnh rằng “Văn hóa dân tộc (VHDT) đi liền với tinh thần yêu nước; rằng không có VH tách rời hay đối lập với yêu nước”; và “Địch mạnh gấp 10 lần, 20 lần ta, cuối cùng ta vẫn thắng và giành được độc lập trong danh dự bằng tinh thần VHDT”; “Sóng to gió lớn từ Tây Thái Bình Dương ào đến nhưng bị xua tan dưới chân dãy Trường Sơn. Chính người Mỹ thừa nhận rằng Mỹ thất bại lần này là thất bại trước VHDT Việt Nam”. Nhà sử học lỗi lạc Trần Văn Giàu còn viết: “Chính VHDT làm cho dân tộc ta không bị Hán hóa dù đã hơn 1.000 năm bị giặc phương Bắc đô hộ”.
Câu thơ Tố Hữu “Kéo bốn ngàn năm vào trận đánh” cũng trên tinh thần VHDT. “Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước” (lời Bác Hồ nói chuyện với Đại đoàn quân Tiên phong tại Đền Giếng trong khu Di tích Đền Hùng, ngày 19/9/1954).
3. Nhà VH lão thành Hữu Ngọc (103 tuổi) - “con khủng long của VH Việt còn sót lại”, tác giả của hơn 40 công trình nghiên cứu VH/ tác phẩm văn học). Trong bài viết nhan đề Ngày xuân tìm về hồn Việt, tìm hiểu bản sắc Việt đăng trên Giai phẩm Hồn Việt Tết Mậu Tuất 2018 (tr.14, 15, 16, 17), cụ cho biết, nhiều học trò cũ của cụ là “Bắc di cư” sinh sống ở Sài Gòn từ năm 1954 trở đi; sau năm 1975, họ định cư ở Mỹ - đều là trí thức thành đạt - dù thầy xưa, trò cũ xa nhau hơn nửa thế kỷ, họ vẫn vượt qua ý thức hệ, nối lại ân tình sau năm 1975 thống nhất đất nước.
Mỗi lần “về quê ăn tết”, họ đều tìm đến chúc tết thầy cũ Hữu Ngọc bằng cả tấm lòng “tôn sư trọng đạo”. Cụ cho đó là một nét bản sắc VH Việt. Theo cụ, trước năm 1975, Việt kiều chỉ độ 100.000 người ở các nước láng giềng: Lào, Campuchia, Trung Quốc, Thái Lan và một ít ở Mỹ, Pháp,... Năm 2012, Việt kiều ở Mỹ đã lên tới 2,2 triệu người, Pháp 300.000 người, Australia 300.000 người, Canada 250.000 người, Đài Loan 200.000 người, Nga 60.000 người, Anh 40.000 người và Nhật 40.000 người,… (tính chưa hết). Tinh thần VHDT đã hướng tâm linh người Việt ở nước ngoài giữ gìn cội rễ, VH ông cha, dù phải bâng khuâng duyên mới (với nước mình đang sống) và ngậm ngùi tình xưa với hồn Việt.
Chả thế mà một học trò cũ của cụ là bác sĩ Nguyễn Lê Hiếu ở bang Oklahoma, Mỹ, còn quy tụ các Việt kiều ở Mỹ làm một cuộc hội thảo về VH Việt Nam và tập hợp các ý kiến phát biểu thành tập kỷ yếu tặng thầy Hữu Ngọc trong dịp mừng Tết Cổ truyền. Cụ cho rằng, tình cảm gắn bó thiết tha ấy chứng tỏ tết là một hiện tượng VH cộng đồng được hun đúc từ rất xa xưa. “Sống hơn trăm tuổi, tôi may mắn có lần được thể nghiệm tết có một sức mạnh tâm linh gắn bó dân tộc” - cụ viết.
Cụ nhớ lại, vào thập niên 60 của thế kỷ trước, không lực Mỹ quấy rối miền Bắc, ở Hà Nội, đêm 30 tết, mọi người vẫn đổ ra bờ hồ Gươm và chen nhau lên cầu Thê Húc, lên đền Ngọc Sơn để đón giao thừa. Đang đông đúc và ồn ào, chợt còi điện rúc, báo hiệu giờ giao thừa đã đến. Không khí tĩnh lặng và uy nghiêm hẳn khi loa phóng thanh phát lời Chủ tịch Hồ Chí Minh chúc tết. Ai nấy cảm nhận tâm hồn mình hòa vào cộng đồng… Như thể, “Tết là một sự đồng cảm sâu sắc, huyền bí cho tất cả dân tộc ta; đồng cảm giữa con người với vũ trụ, giữa người sống với người chết, giữa hiện đại với dĩ vãng lịch sử, giữa gia tộc - xóm làng - đất nước, giữa người đi xa với người ở nhà,…
Hồn Tết là một góc độ thể hiện hồn Việt, thể hiện bản sắc của dân tộc Việt, kết tinh truyền thống dân tộc Việt”, và “Tết có một đặc thù là tính nhân văn sâu đậm. Trong tâm thức dân tộc, người ta tin và mong năm mới có thể mang lại điều may, tránh rủi cho cuộc đời mình. Mà muốn được hưởng cái tốt lành thì phải làm điều thiện, với tư tưởng lạc quan là năm mới có thể thay đổi số phận,… Do đó, loại trừ các thứ mê tín nhảm nhí, đa số tục lệ quy định những việc nên làm và kiêng kỵ đều có tính nhân văn (…) Tết, trong họ thì cúng tổ tiên, gia đình thì cúng ông bà và người thân, đất nước thì cúng vua Hùng; mọi bất hòa, hiềm khích đều xí xóa, nợ nần cũng để sau tết,… Rồi là bao nhiêu cuộc đi chúc tết, đi lễ hội,…” - cụ viết. Từ đó ta thấy, niềm vui tết cộng cảm cứ vậy mà thắt chặt cộng đồng,…
Nhà VH Hữu Ngọc mong mỏi: Dù có phát triển KT - XH thế nào cũng phải giữ hồn Việt - hồn Tết, bởi đó là “một giá trị tinh thần vô giá của văn minh lúa nước, nằm trong bản sắc dân tộc”; và “chúng ta cần xây dựng lại một nền VH tết đang bị suy thoái” - cụ trăn trở bảo rằng, điều tối kỵ là biến tết thành một dịp để ăn chơi hoang phí…
Tết này là Nhâm Dần 2022, khiến ta nhớ Mậu Dần 1698 - năm chúa Nguyễn Phúc Chu sai tướng Nguyễn Hữu Cảnh vô kinh lược đất phương Nam và tổ chức lại nền hành chánh quốc gia, đưa đất phương Nam vào nước Việt Nam thống nhất từ ải Nam quan đến mũi Cà Mau. Từ đó, “Nam - Bắc một nhà, sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý ấy không bao giờ thay đổi” (lời Chủ tịch Hồ Chí Minh).
Theo cố GS sử học Trần Quốc Vượng thì phải nhìn Sài Gòn từ Hà Nội - trong bối cảnh VH văn minh Nam bộ với gốc mẹ VH văn minh Sông Hồng. Do lẽ VHDT là một dòng chảy từ nguồn gốc Thăng Long và tỏa cành xanh ngọn từ Sài Gòn đến tận chót mũi Cà Mau và cứ thế xuôi dòng đến muôn ngàn sau,…/.
Quang Hảo