Dưới tán cây bồ đề

Cập nhật: 27/12/2021
Những ngày cuối tháng 12, giữa mùa lá rụng. Dưới tán cây bồ đề giữa làng Ðại Ðồng (Thạch Thất, Hà Nội), Kiều Cao Dũng (39 tuổi) say sưa kể về chặng đường vất vả nhưng đầy đam mê để nghiên cứu thành công bí quyết chằm xương lá bồ đề "bất tử" lần đầu ở Việt Nam thành nón, kết thành quạt và dựng đèn hoa đăng-những sản phẩm vừa mang giá trị truyền thống, vừa góp phần bảo vệ môi trường.

Ba năm trước, Dũng cũng chính là người đã nghiên cứu và chế tác bông hoa sen không tàn theo tháng năm, điều mà chưa ai làm được. Không bằng lòng với những gì đã có, anh tiếp tục nghĩ ra ý tưởng mới, với mục tiêu vượt qua chính bản thân, tạo ra nhiều hơn những sản phẩm góp phần đưa văn hóa Việt Nam ra thế giới.

Ý tưởng "không tưởng"

Còn nhớ ở lần gặp trước, vào cuối tháng 12/2020, trong chiều muộn giá rét giữa lòng Hà Nội, khuôn mặt bơ phờ, Dũng kể: "Mình vừa phóng xe máy một mạch đến Bắc Giang, vùng nguyên liệu của một sản phẩm mới, rồi quay trở lại cho kịp hẹn với bạn". Trọng tín và không ngừng nỗ lực, Dũng luôn xoay quanh những ý tưởng mà bạn bè hay cho là kỳ quặc, có thể do óc sáng tạo và sự đam mê cái mới từ nguồn kiến thức dồi dào đúc kết sau quãng thời gian dài là du học sinh, quản lý khách sạn, hướng dẫn viên du lịch. Nhiều năm trước, anh mất ba năm miệt mài đi tầm thầy, học nghề để biến những đóa hoa sen tươi có thể... sống bất tử; lần này, Dũng lại nhiều đêm không ngủ suốt hơn một năm trời nhằm nghiên cứu ra các sản phẩm từ chiếc lá bồ đề linh thiêng. Thời điểm đó, kể với tôi rất nhiều, nhưng chốt lại, anh hẹn một năm sau gặp vì ý tưởng mới thành hình chứ chưa "thành tài". Một cuộc hẹn có mốc thời gian dài hơn thông lệ rất nhiều, và cũng đầy háo hức.

Những ngày đầu tháng 12 năm nay, sau tròn một năm, anh gặp tôi như đúng lời hứa... Và với một sản phẩm nghệ thuật vô cùng độc đáo, sử dụng nguyên liệu hoàn toàn chưa ai làm được: Chiếc nón bằng xương lá cây bồ đề. "Một năm qua, dịch bệnh đã khiến ngành du lịch rã rời. Nhưng trong thời điểm trầm nhất thì vẫn có một cơ hội, đó là mình tự vận động khi tất cả đóng băng. Vận động để tạo ra một sản phẩm độc đáo, chưa có tiền lệ", Kiều Cao Dũng kể. Suốt mấy tháng trời giãn cách xã hội đầu năm 2021, Dũng bị "chôn chân" ở quê, lúc đó anh gọi là thời kỳ "hoang mang", không biết phải làm gì trước nhiều sức ép của công việc, cuộc sống.

Lang thang ra ngồi dưới gốc bồ đề quen thuộc nơi quê nhà, nếu không vì một chiếc lá vô tình rơi tà tà trúng đầu khiến anh cầm và quan sát kỹ dưới ánh mặt trời, thì chắc Dũng cũng bỏ qua như trong bao mùa lá rụng khác. "Những chiếc lá của các loại cây, khi nhìn chúng dưới ánh nắng, nếu thấy khung xương nó chi chít như mạng nhện thì mới có thể làm bất tử. Lá bồ đề thỏa mãn điều này, thậm chí còn sở hữu một bộ khung xương chắc chắn hơn cả", Dũng chia sẻ.

Bằng kinh nghiệm của bản thân, Dũng nhanh chóng áp dụng công nghệ ướp để giúp lá bồ đề không bị héo úa, từ mầu xanh chuyển sang mầu vàng tươi mà vẫn giữ nguyên mùi lá. Tuy nhiên, nếu giữ nguyên phần thịt lá thì không thể kết thành nón, anh ứng dụng phương pháp dùng nước vôi trong để tách thịt lá: "Mình từng tham khảo cách này từ một cơ sở ở Ninh Bình nhưng thử cải biên lại, kết quả vẫn phải mất 60 ngày mới tách được thịt lá khỏi xương. Một năm bồ đề rụng lá ba lần, mỗi lần làm mất hai tháng thì sao mà áp dụng ra sản phẩm", Dũng chia sẻ. Chưa kể, cách làm này tạo ra xương lá dẻo và mềm, lại có mùi khó chịu cho nên Dũng quyết định bỏ qua, tiếp tục nghiên cứu để giảm thời gian, tăng độ dẻo dai cho xương lá bồ đề.

Anh lục lại những kinh nghiệm được học từ Nghệ nhân Nhân dân Nguyễn Bá Mưu về cách làm hoa khô, kèm theo kiến thức cơ bản về hóa sinh, nhất là phản ứng hóa học để xử lý công thức mới: "Photpho và canxi là thành phần cơ bản của xương lá, mình phải tạo cho nó một phản ứng thích hợp để tăng phần cứng cáp. Thử đi thử lại suốt hai tháng trời, kết quả từ 60 ngày đã rút thời gian tách thịt lá xuống 30 ngày, sau đó giảm còn sáu ngày, cuối cùng, hiện mình chỉ mất đúng... một ngày. Xương lá sau cùng rất dẻo dai, cuống và râu không hề bị đứt rời". Ðó là kết quả thần kỳ sau nhiều ngày đêm thức trắng, đến nỗi như Dũng nói: "Mình gắn bó với lá bồ đề ngày qua ngày, giờ qua giờ, nhiều đến nỗi cầm vào bất kỳ chiếc lá nào thì biết ngay nó bao nhiêu tuổi, dùng bao nhiêu lực là vừa để tách thịt mà không làm rách xương"...

Nhiệm vụ khó khăn tiếp theo là làm gì với bộ xương lá bồ đề đã hoàn hảo hơn trước. Trong hơn 30 loài cây lá mà Dũng từng làm bất tử thì chỉ một số ít trong đó có thể sản phẩm hóa như hoa sen, hoa hồng, hoa baby... Còn đối với lá bồ đề, một loài cây mang ý nghĩa thiêng liêng gắn liền với Phật giáo, ngoài đời cũng rất quen thuộc ở nông thôn Việt Nam với công dụng tạo bóng mát; anh nảy ra một ý tưởng: "Làm nón từ lá cây bồ đề. Một chiếc lá nói chung, lá bồ đề nói riêng, khi còn sống trên cây tỏa bóng mát cho đời, che chở cho người. Dùng lá bồ đề để kết nón cũng là chuyển nó sang một hình thái khác, sang một trang mới nhưng vẫn tiếp tục sứ mệnh đáng trân trọng kia. Và hơn cả, chiếc nón lá còn là sản phẩm mang tính biểu tượng của đất nước và con người Việt Nam".

Ý tưởng dùng xương lá bồ đề làm tranh, làm đồ lưu niệm đã có ở nhiều nơi nhưng để dùng chúng chằm nón gần như là không thể... do chiếc lá rất mỏng manh, đưa vào kết nón cho thẩm mỹ, hiệu quả lại càng khó thực hiện. Hết mấy tháng giãn cách dày công nghiên cứu, Dũng rời nhà với ý tưởng "không tưởng" này để tìm đến xóm Cốc, thôn Phú Mỹ (xã Ngọc Mỹ, huyện Quốc Oai, Hà Nội) có nghề làm nón truyền thống với những thử nghiệm đầu tiên đều thất bại: "Một chiếc nón cần khoảng 500 chiếc lá bồ đề, lần đầu thử nghiệm hỏng đến chục cái. Hàng nghìn chiếc xương lá với biết bao công sức phải rứt ruột bỏ đi mà mọi người vẫn cương quyết không nản lòng", Dũng nhấn mạnh. Bác Doãn Thị Thái, đã có hơn bốn đời làm nón ở Phú Mỹ, kể: "Trước chúng tôi quen làm nón chỉ chú trọng yếu tố bền bỉ, bán ra chợ là xong. Giờ thử chằm lá bồ đề lên nón mà hỏng suốt, thử kiểu này sang kiểu khác vẫn xấu, không thể vừa ý nên cũng có lúc nản lắm. Nhưng nể tâm huyết của Dũng, bọn tôi vẫn tiếp tục với hy vọng cải tiến được sản phẩm hoàn hảo hơn".

Không nản lòng, sau năm lần thay đổi phương án làm nón, nhiều tháng trời trôi qua, cuối cùng những chiếc nón thành quả đã thật sự thành hình trong sự vỡ òa của người già, người trẻ: "Nón bồ đề phải được kết từ 9 tầng lá, mỗi tầng tương ứng với một kích cỡ khác nhau, nối trùng trùng điệp điệp tạo hình như một bông hoa sen đang nở rộ. Số 9 cũng là con số tâm linh trong Cửu phẩm liên hoa của kiến trúc chùa tháp Việt Nam, đem lại sự bác ái, bình yên và may mắn", Dũng chia sẻ về câu chuyện ý nghĩa gắn liền với chiếc nón lá bồ đề lần đầu xuất hiện ở Việt Nam.

Anh Kiều Cao Dũng bên các sản phẩm làm từ xương lá bồ đề. 

Truyền tải tinh thần bảo vệ môi trường

Kiều Cao Dũng vốn là một học sinh chuyên văn, cử nhân ngôn ngữ học, thạc sĩ quản trị khách sạn và du lịch ở Thái Lan, anh cũng không ngại kể rằng: "Mình vốn không nghĩ sẽ gắn bó với hoa lá vì trước cứ nghĩ nó chỉ dành cho phái yếu khi họ có sự tỉ mỉ, khéo léo". Nhưng sau nhiều biến cố trong cuộc sống, Dũng gặp được thầy Mưu và mê mẩn bí quyết bất tử hoa lá rồi tình yêu đó thấm dần vào máu không biết từ lúc nào. Sản phẩm sen bất tử trước đây là cách để Dũng báo đáp công ơn thầy. Nhưng lần này với nón bồ đề, ngoài mang yếu tố tâm linh thì một mục tiêu khác là nâng tầm sản phẩm truyền thống của Việt Nam, biến chúng thật sự thân thiện với môi trường, hướng đến tương lai bền vững - đó mới là con đường riêng mà anh chọn.

Hiện tại, Dũng cùng các cộng sự đang tiếp tục tạo ra những sản phẩm khác từ xương lá bồ đề như quạt với phần thân được tết tỉ mẩn từ hàng nghìn chiếc xương lá; đèn hoa đăng được kết bởi đáy là mo cau, thân là xương lá bồ đề;... "Các sản phẩm từ lá bồ đề đều chú trọng sử dụng các chất liệu thân thiện với môi trường. Ngay cả hợp chất để nhuộm mầu cũng đều từ nguyên liệu xanh, bảo vệ sức khỏe con người mà có thể dễ dàng tiêu hủy trong tự nhiên khi sử dụng", Kiều Cao Dũng nhấn mạnh.

Thời điểm này, Dũng đang bắt đầu thương mại hóa các sản phẩm để vừa góp phần truyền tải tinh thần bảo vệ môi trường trong ngành du lịch, vừa tạo việc làm, thu nhập bền vững. Tuấn Anh (sinh năm 1998), học trò và cũng là cộng sự của Kiều Cao Dũng, chia sẻ: "Em theo học và làm cùng chú Dũng đã được bốn năm, nhưng nửa thời gian đó đã vướng phải dịch bệnh khiến đầu ra sản phẩm gặp nhiều trở ngại, không có thu nhập. Tuy nhiên từ tình yêu và niềm tin vào công việc sáng tạo của chú Dũng, em vẫn quyết tâm theo đuổi cùng chú". Tuấn Anh hiện đang là "chủ công" thực hiện một sản phẩm quạt bồ đề "khổng lồ" với khung quạt có đường kính lên đến 3 m dưới sự hướng dẫn của Kiều Cao Dũng. Hằng ngày, cậu tranh thủ làm thợ xăm hình, shipper... để kiếm thêm thu nhập theo đuổi đam mê. Bản thân Dũng trong khoảng thời gian nghiên cứu sản phẩm mới, hằng tuần vẫn đều đặn nhập bưởi từ quê lên bán tại nhà để... có tiền tiếp tục nghiên cứu.

Và sự cố gắng không biết mệt mỏi của họ bước đầu được đền đáp khi các sản phẩm rất được đón nhận và hứa hẹn đầu ra đa dạng. Hiện, một đơn vị bán hàng trực tuyến chuyên về đồ thủ công handmade ở Nhật Bản đã liên hệ trực tiếp với Dũng để có thể đưa các sản phẩm của anh sang thị trường nước bạn. Dũng ngoài việc chuẩn bị sẵn một đội ngũ đưa sản phẩm lên các sàn giao dịch trực tuyến, anh cũng đã nhận được nhiều lời ngỏ ý hợp tác bán nón, quạt, đèn hoa đăng từ xương lá bồ đề tại chùa Hương, chùa Bái Ðính...

Trước đó, việc định giá các sản phẩm để mang lại giá trị thương mại bền vững cũng đã được tính toán kỹ, nhưng quan trọng hơn cả là giúp các cộng sự của anh có thu nhập ổn định. Bác Doãn Thị Thái nói: "Hiện một chiếc nón lá bồ đề được định giá là 550 nghìn đồng thì chúng tôi được hưởng 250 nghìn đồng. Với mức thu nhập này thì rất yên tâm để tiếp tục làm nón bồ đề". Kiều Cao Dũng đã đăng ký thương hiệu "Nón lá bồ đề Cao Dũng" vào tháng 7/2021, Tết Nguyên đán Nhâm Dần sắp tới sẽ là thời gian sản phẩm của anh chính thức ra mắt trên các sàn giao dịch điện tử, một cách thức bán hàng rất quan trọng thời Covid-19. "Ðẩy mạnh bán hàng online cũng là cách để mang giá trị Việt Nam ra xa hơn với thế giới, đồng thời đưa bạn bè thế giới đến với văn hóa nước ta. Mình nghĩ công việc của bọn mình cũng chỉ như một hạt cát, nhưng với nhiều nhiều hạt cát hơn nữa thì sản phẩm truyền thống của Việt Nam sẽ vang danh", Dũng chia sẻ.

Rời đường quê Ðại Ðồng trên chính con đường mà suốt nhiều tháng qua, Kiều Cao Dũng vẫn một mình một chiếc xe máy đi đi về về, có khi chở cả trăm quả bưởi trên xe để bán kiếm tiền theo đuổi đam mê. Ðiều đáng trọng ở người đàn ông xấp xỉ 40 tuổi này là chưa bao giờ nản chí với tình yêu mãnh liệt với cây cối, hoa lá và vì thế chắc chắn Kiều Cao Dũng sẽ tiếp tục vượt tiếp những khó khăn để luôn hướng về phía trước.

Bài và ảnh: Phong Chương

Nguồn: Báo Nhân dân