Để phát huy tiềm năng du lịch (DL) rừng tràm Tân Tuyến (huyện Tri Tôn), UBND tỉnh ban hành Quyết định 2757/QĐ-UBND, ngày 17-11-2021 phê duyệt Đề án “DL sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí khu bảo vệ cảnh quan rừng tràm Tân Tuyến, giai đoạn 2021 - 2030”.
Hệ sinh thái đa dạng
Tân Tuyến là khu rừng đặc dụng thuộc hệ sinh thái đất ngập nước điển hình của vùng Tứ giác Long Xuyên, có nhiều loài động, thực vật quý hiếm để du khách chiêm ngưỡng. Rừng tràm Tân Tuyến rộng 1.672ha, được UBND tỉnh đưa vào danh mục rừng ngập nước bảo tồn thiên nhiên. Trong đó, hơn 255ha tại khu A được quy hoạch khai thác, phát triển hoạt động DL với sinh cảnh rừng tràm ngập nước; sinh cảnh kênh, mương và loài thực vật sen, súng, bèo; đồng cỏ, đầm lầy ngập nước theo mùa.
Rừng tràm Tân Tuyến có 154 loài thực vật, thuộc 122 chi, 52 họ của 2 ngành thực vật bậc cao có mạch là dương xỉ (polypodiophyta) và ngọc lan (magnoliophyta). Trong đó cây cà na (elaeocarpus hygrophilus) là loài thực vật có trong "Sách đỏ thực vật Việt Nam" (2007) ở mức sẽ nguy cấp (VU). Có 63 loài chim nước, trong đó loài chim sẻ đồng ngực vàng (emberiza aureola) là loài quý, hiếm. Có 82 loài cá thuộc 26 họ và 9 bộ. Trong đó, cá hô (catlocarpio siamensis) và cá trà sóc (probarbus jullieni) là loài quý, hiếm, có tên trong "Sách đỏ Việt Nam (2007)" và "Sách đỏ IUCN" (2014).
Tiềm năng phát triển du lịch trải nghiệm trong rừng tràm Tân Tuyến. Ảnh: Ngô Chuẩn
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư, mục tiêu phát triển DL sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí ở khu bảo vệ cảnh quan rừng tràm Tân Tuyến, giai đoạn 2021 - 2030, gồm: Khai thác tiềm năng tự nhiên về cảnh quan, môi trường và sự đa dạng về tài nguyên tự nhiên của hệ sinh thái rừng, đất ngập nước để phát triển DL sinh thái. Thông qua phát triển DL, góp phần tuyên truyền, giáo dục người dân địa phương và du khách về giá trị tự nhiên, đặc điểm sinh thái của vùng, từ đó nâng cao ý thức bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, môi trường. Phát triển loại hình và sản phẩm DL phục vụ nghỉ ngơi, giải trí, tham quan, học tập và nghiên cứu khoa học, làm phong phú thêm hoạt động DL của huyện Tri Tôn và tỉnh. Tạo cơ sở pháp lý để thu hút đầu tư (từ nguồn vốn ngân sách nhà nước, doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước) để tạo nguồn lực cho việc xây dựng và phát triển ngành DL địa phương theo hướng bền vững.
Phát triển du lịch sinh thái
Trong tổng diện tích hơn 80ha của phân khu dịch vụ - hành chính quy hoạch phát triển DL sinh thái thì có hơn 13ha để Ban Quản lý rừng phòng hộ và đặc dụng tỉnh xây dựng trụ sở Trạm bảo vệ rừng Tân Tuyến và trụ sở điều hành hoạt động DL sinh thái. Đồng thời, hơn 67ha cho thuê môi trường rừng kinh doanh DL sinh thái. Các hoạt động tham quan, khám phá thiên nhiên, tìm hiểu về đa dạng sinh học của khu bảo vệ cảnh quan rừng tràm Tân Tuyến thực hiện ở phân khu phục hồi sinh thái và phân khu bảo vệ nghiêm ngặt theo quy định tại Nghị định 156/2018/NĐ-CP của Chính phủ. Do tổng diện tích của khu bảo vệ cảnh quan rừng tràm Tân Tuyến rất nhỏ (chỉ hơn 256ha) nên trong giai đoạn 2021 - 2030 chỉ cho 1 nhà đầu tư thuê môi trường rừng để kinh doanh DL sinh thái.
Hoạt động bảo tồn đất ngập nước gắn với DL sinh thái ở phân khu phục hồi sinh thái có diện tích 94ha. Chức năng chủ yếu của phân khu này là tiến hành biện pháp kỹ thuật bảo tồn và phục hồi rừng tràm; trảng cỏ ngập nước theo mùa; sinh cảnh của các loài chim nước và thủy sản; phục vụ nghiên cứu khoa học, giảng dạy và học tập. Được tiến hành loại hình DL sinh thái với sản phẩm DL, như: Đưa khách DL đi bằng xuồng chèo tay, xuồng máy tham quan, khám phá cảnh quan đất ngập nước (kênh, mương, rừng tràm, trảng cỏ, đầm lầy...) để khách DL hiểu về hệ sinh thái tự nhiên là đất ngập nước và một phần đất quê hương An Giang đại diện cho vùng đất ngập nước Tứ giác Long Xuyên. Tổ chức cho khách DL trồng tràm trên diện tích đất trống và bờ kênh được quy hoạch bởi chủ rừng để góp phần làm cho quê hương An Giang thêm xanh, đẹp, bảo vệ môi trường, phục hồi rừng bằng hành động rất cụ thể và thiết thực. Chủ rừng quy hoạch địa điểm, thiết kế trồng và hướng dẫn kỹ thuật trồng cho du khách. Chủ đầu tư DL đầu tư cây giống, dụng cụ trồng (cuốc, xẻng), làm bảng đánh dấu số hiệu cây, bảng điện tử ghi tên người trồng và số hiệu cây để ghi nhận đóng góp của họ. Nếu du khách trở lại sẽ nhìn thấy cây mình trồng còn sống và lớn lên trên khu DL này.
Bên cạnh đó, tổ chức cho du khách thử nghiệm đánh bắt cá trên kênh bằng dụng cụ truyền thống. Kỹ sư thủy sản giới thiệu cho khách: Tên, giá trị của loài cá, quy định của pháp luật về những loài cá được đánh bắt, sử dụng. Nếu cá được đánh bắt là loài quý, hiếm thì kỹ sư thủy sản hướng dẫn du khách thả cá trở lại kênh, mương. Đây là hành động cụ thể giáo dục ý thức bảo tồn thiên nhiên và đất ngập nước cho khách DL.
Ngoài ra, sẽ thiết lập một số kiểu nhà truyền thống của người dân vùng Tứ giác Long Xuyên để du khách biết về nét văn hóa truyền thống, đặc thù của địa phương, với những dụng cụ sản xuất, sinh hoạt, trang phục hoàn toàn bản địa. Khách DL được trải nghiệm và chụp hình kỷ niệm, qua đó nâng cao hiểu biết về vùng đất, vùng nước và con người ở đây.
Thu Thảo