Bảo vệ động vật hoang dã là một trong những vấn đề cấp thiết hiện nay, khi mà nhiều loài động vật đang đứng trước nguy cơ bị tuyệt chủng do các hoạt động săn bắt và kinh doanh của con người. Nâng cao nhận thức và hành động của giới trẻ - thế hệ tương lai của đất nước - là một chính sách cần thiết của mỗi quốc gia.
Lễ trao giải cuộc thi “Bảo vệ động vật hoang dã”. (Ảnh: Minh Duy)
Sáng 8/1, tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế (số 11, đường Lê Hồng Phong, Ba Đình, Hà Nội), Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), Trung tâm Hỗ trợ Phát triển Khoa học và Công nghệ, Ngân hàng thế giới tại Việt Nam, Trung tâm Phát triển cộng đồng sinh thái cùng với các đơn vị liên quan đã tiến hành trao giải cuộc thi “Bảo vệ động vật hoang dã” năm 2021.
Ban tổ chức đã nhận được hơn 200 bức tranh của nhiều bạn trẻ ở nhiều tỉnh, thành trên cả nước. Giải Nhất đã được trao cho hai tác phẩm ấn tượng “Tê tê vô tội” của tác giả Lâm Ngọc Huyền (sinh năm 1999) và tác phẩm “Gấu con mất mẹ” của tác giả Hoàng Phước Đại (sinh năm 2012).
Hai tác phẩm xuất sắc giành giải Nhất của cuộc thi “Bảo vệ động vật hoang dã” năm 2021. (Ảnh: Minh Duy)
Bên cạnh đó, “Bảo vệ động vật là bảo vệ chính mình” của tác giả Nguyễn Xuân Quân (sinh năm 2002) và tác phẩm “Động vật cũng cần được yêu thương” của tác giả Lê Gia Hưng (sinh năm 2013) đã xuất sắc giành giải Nhì của cuộc thi.
Tiếp đó, “Tàn nhẫn” của tác giả Tạ Thùy Dương (sinh năm 2002) và tác phẩm “Thời trang tránh xa động vật” của tác giả Nguyễn Thị Xuân Cầm được trao giải Ba. Giải Khuyến khích của cuộc thi đã được trao cho tác phẩm “Protect The Wildlife ” của tác giả Nguyễn Hồng Sơn và tác phẩm “Vì một trái đất tươi đẹp-Hãy chung tay bảo vệ động vật hoang dã” của tác giả Trương An Như.
“Con rất thích đi công viên, vì ở đó có nhiều loài động vật hoang dã. Đó là những loại vật rất đáng yêu. Con cảm thấy cuộc thi này rất bổ ích và ý nghĩa. Vẽ tranh tham gia cuộc thi giúp con có thể gửi tới những bạn khác thông điệp bảo vệ động vật hoang dã, nhất là những loài vật đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng”, Lê Gia Hưng, học sinh trường Tiểu học Thịnh Liệt, chia sẻ.
Lê Gia Hưng, học sinh trường Tiểu học Thịnh Liệt, giành giải Nhì cuộc thi. (Ảnh: Minh Duy)
Trương An Như, học sinh lớp 3, trường Tiểu học Điện Biên cho biết, các loại động vật hoang dã là một phần của tự nhiên và là một bộ phận không thể tách rời của đa dạng sinh học, góp phần không nhỏ vào sự bền vững cho cuộc sống của con người. “Con cảm thấy rất vinh dự khi được đóng góp một thông điệp nhỏ cho hoạt động ý nghĩa này.”
Giải Khuyến khích thuộc về bé Trương An Như, học sinh lớp 3, trường Tiểu học Điện Biên. (Ảnh: Minh Duy)
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), khoảng 70% bệnh truyền nhiễm trong 50 năm qua đều bắt nguồn từ động vật hoang dã. Nhiều virus lạ đã dần xâm nhập vào cơ thể con người và gây ra những đại dịch với sức tàn phá khủng khiếp, do thói quen tiêu thụ động vật hoang dã.
Từ các đại dịch trong lịch sử cho đến hiện nay là Covid-19, chúng ta đều thấy rõ được nguyên nhân đều do sự lây truyền virus từ động vật hoang dã sang con người. Trước đó, các đại dịch SARS (2002-2003), MERS (2012) và cả Ebola (2014) cũng đều được xác định là bắt nguồn từ loài dơi, truyền sang các động vật trung gian như cầy hương, quạ, linh trưởng và lạc đà rồi gây bệnh cho người.
Trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã lên tiếng cảnh báo về một số chủng vi rút corona có nguồn gốc từ động vật có thể lây truyền sang con người. Theo các nghiên cứu, SARS-CoV được truyền từ dơi sang cầy hương rồi sang người, và MERS-CoV được truyền từ lạc đà sang người…
Phát biểu tại lễ trao giải, ông Vũ Minh Lý, Phó Giám đốc Trung tâm Truyền thông Tài nguyên và Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), cho biết là một trong 16 quốc gia sở hữu sự đa dạng sinh học cao nhất thế giới. “Cuộc thi nhằm nâng cao nhận thức của toàn xã hội, đặc biệt là các bạn học sinh, sinh viên trong việc bảo vệ động vật hoang dã; thay đổi thái độ, hành vi tham gia bảo vệ các loài động vật.”
Về phía mình, bà Hoàng Thị Thanh Nhàn, Phó Cụ trưởng, Cục Bảo tổn thiên nhiên và Đa dạng sinh học, nhấn mạnh tầm quan trọng sự chung tay của toàn xã hội, toàn cộng đồng, đặc biệt là giới trẻ, cùng với sự đồng hành của các ban, bộ, ngành và các tổ chức trong nước cũng như quốc tế. “Cuộc thi đã thu hút hàng trăm tác phẩm ở các độ tuổi là học sinh, sin viên trên cả nước. Các tác phẩm rất ấn tượng, thể hiện tình yêu của các thí sinh đối với các loài động vật hoang dã, sẽ góp phần không nhỏ trong chiến dịch truyền thông nhằm nâng cao nhận thức của xã hội.”
Bà Hoàng Thị Thanh Nhàn, Phó Cụ trưởng, Cục Bảo tổn thiên nhiên và Đa dạng sinh học, phát biểu tại lễ trao giải. (Ảnh: Minh Duy)
Đặc biệt, nhiều tác phẩm xúc động được gửi từ chính các bạn nhỏ của Làng Trẻ em SOS tỉnh Lâm Đồng, thể hiện sự quan tâm sâu sắc của các bạn trẻ tới nạn buôn bán trái phép động vật hoang dã và công tác bảo vệ đa dạng sinh học hiện nay, chia sẻ từ bà Nguyễn Thị Lệ Thu, Chủ nhiệm dự án (Ngân hàng Thế giới).
Cuộc thi “Bảo vệ động vật hoang dã” năm 2021 ghi nhận sự đồng hành của Câu lạc bộ (CLB) Liên Kết Trẻ Việt Nam, CLB Mỹ Thuật Trẻ trường Đại học Kiến Trúc Hà Nội và CLB Mỹ Thuật trường THPT Việt Đức.
Một số tác phẩm ấn tượng tại Lễ trao giải cuộc thi “Bảo vệ động vật hoang dã” năm 2021:
Minh Duy