Tập quán săn bắn trong văn hóa các dân tộc thiểu số

Cập nhật: 12/01/2022
Trong cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam, chỉ có 4 dân tộc có vùng cư trú ở đồng bằng là Kinh, Hoa, Chăm, Khmer. Như vậy, hầu hết các dân tộc thiểu số còn lại có đời sống gắn bó với rừng núi, trung du và vùng cao. Đây cũng là các vùng phân bổ rừng tự nhiên và các dân tộc có tập quán săn thú rừng lâu đời do đặc điểm cư trú mang lại. Điều này có ảnh hưởng như thế nào tới đa dạng sinh học và sự biến mất, tuyệt chủng của các loài, giống động vật hoang dã?

Voi rừng đã được thuần dưỡng thành voi nhà tại huyện Buôn Đôn, Đắk Lắk. Ảnh: TTH

Liên quan tới việc cấp thiết phải bảo vệ tính đa dạng của động thực vật hoang dã tự nhiên hiện nay, Phó Giáo sư, Tiến sĩ dân tộc học Vương Xuân Tình (Viện Dân tộc học) chia sẻ với chúng tôi nghiên cứu của ông về sự liên quan giữa tập tính săn bắt hái lượm sản vật rừng của người dân tộc thiểu số tới việc giữ gìn đa dạng sinh học trong tự nhiên. Hay nói cách khác là tập quán săn thú của người vùng cao nhìn từ khía cạnh lịch sử, văn hóa. Ông cho hay, tập quán săn thú rừng cho đến nay không còn giữ vai trò đặc biệt trong đời sống của đồng bào thiểu số như từng tồn tại trong lịch sử.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ dân tộc học Vương Xuân Tình chia sẻ, người dân tộc Thái có câu ngạn ngữ “đi đường cạn nước không nướng cũng chấm, đi đường cạn có khi về tay không” cho thấy tập quán sinh sống săn bắt hái lượm của đồng bào có vai trò quan trọng trong đời sống của họ. Con thú trên rừng, con cá dưới sông là thức ăn nuôi sống con người. Đó là nguồn đạm quan trọng trong thức ăn để con người có thể lực tốt, ý chí kiên cường chống chọi với thiên nhiên khắc nghiệt, làm chủ địa hình rừng núi hiểm trở, heo hút.

Khi con người bắt đầu phát triển đàn gia súc, gia cầm vật nuôi trong gia đình thì lại phát sinh thêm một nguyên nhân đó là dịch bệnh thường xuyên xảy ra làm chết gia súc, gia cầm và nguồn thực phẩm một lần nữa lại thiếu hụt. Chưa kể, khi đồng bào sống trong lòng rừng, xung đột về môi trường sống xảy ra, con người càng đốt nương làm rẫy, phá rừng thì muông thú càng mất đất sống, quay trở lại tấn công người và vật nuôi. Một số loài có thể tấn công con người như rắn độc, thú ăn thịt... gây nên mâu thuẫn sống còn giữa người và loài vật. Muông thú lại trở thành kẻ thù của đời sống cộng đồng và các tráng sĩ triệt tiêu kẻ thù được cho là hành động anh dũng bảo vệ cộng đồng.

Việc đi săn không còn là nhu cầu thực phẩm nữa mà trở thành đối kháng. Những thợ săn càng nhiều thành tích, săn được nhiều thú lớn, thú dữ nhận được sự vị nể, kính trọng của cộng đồng. Điều này hình thành nên một nghề đặc biệt đó là nghề thợ săn cùng với vô vàn những kinh nghiệm, kỹ năng săn bắn, tuyệt chiêu bẫy, bắn, đấu trí với con thú và đương nhiên con người luôn giành phần thắng lợi. Đàn thú rừng cứ vơi đi như một tất yếu lịch sử, dù con người không hoàn toàn là nguyên nhân duy nhất khiến các loài vật tuyệt chủng.

Yếu tố được tính đến của việc săn thú là con người săn thú hoang dã để thuần dưỡng chúng thành vật nuôi, sử dụng để vận chuyển hàng hóa, làm cảnh và để canh giữ tài sản. Người M’nông ở các tỉnh Tây Nguyên từng rất tự hào với nghề săn và thuần dưỡng voi rừng cho đến khi đàn voi rừng bị thu nhỏ quần thể đến mức thảm hại và bị cấm triệt để. Đàn voi trong tự nhiên hiện nay chỉ còn khoảng gần 50 con và khả năng sinh đẻ để tăng đàn là vô vọng.

Có thể thấy tập quán săn bắn thú rừng sinh ra và song hành cùng với đời sống con người. Mối quan hệ giữa con người và tự nhiên luôn là cộng sinh và xâm lấn lẫn nhau. Trong ý thức hệ của các dân tộc thiểu số, nguồn thức ăn từ tự nhiên mang lại luôn là thứ thần linh ban phát cho con người. Rất nhiều dân tộc có tập tục cúng rừng, vì rừng che chở, mang lại nguồn thức ăn. Một số dân tộc sinh sống dọc sống lưng dãy Trường Sơn có tập tục săn tập thể. Mỗi cộng đồng phân chia rõ ràng những trai tráng nào có thể nhập vào đoàn thợ săn. Săn thú dữ, thú lớn phải vây bắt và dùng cả đoàn người. Khi săn được thú luôn phải mở hội lớn và phân chia chiến lợi phẩm cho cả làng.

Các ngôi nhà cộng đồng chung như nhà gươl, nhà rông của họ cài rất nhiều xương đầu thú săn được và coi đó là thứ thị uy, thể hiện sức mạnh chinh phục tự nhiên, thành tích thắng thú lớn. Vì thế, những cuộc săn cũng nhuốm màu tâm linh, một số nghi thức như cúng lễ trước khi săn, cúng voi khi mang voi từ rừng về nhà, lễ tế thần bằng thú săn được... đã từng là nét văn hóa đặc trưng của nhiều dân tộc. Nay việc săn bắn thú rừng bị cấm, những nghi lễ này cũng không còn nữa.

Việc một số dân tộc dù có tập quán săn bắn nhưng lại bảo tồn một số loài động vật đặc biệt cũng là điều thú vị. Một loài vượn đen má trắng đặc biệt xuất hiện ở Vân Hồ, Sơn La cho đến nay vẫn tồn tại một quần thể nhỏ sống rất gần bản làng người Mông ở đây là một ví dụ. Nhiều năm trước, một thợ săn liên tục gặp tai ương sau khi bắn chết một con vượn và từ đó những người khác trong cộng đồng đều sợ, không ai dám săn bắn vượn nữa. Nhờ sự sợ hãi này, quần thể vượn đen má trắng quý hiếm còn lại đến ngày nay. Theo các nghiên cứu dân tộc học, việc kiêng dè một loài vật trong tự nhiên tránh va chạm, có phần nể sợ vì cho rằng loài vật đó có thần linh phù trợ, không ai được động đến, có thể do hiện tượng lựa chọn totem (vật thể tâm linh) một cách tự nhiên trong các cộng đồng dân tộc.

Nguyên nhân tồn tại, duy trì tập tục săn bắn hái lượm sản vật rừng hiện nay không còn vai trò trong các cộng đồng thiểu số. Đa số các cộng đồng cư trú gần rừng, thậm chí cư trú ngay trong lòng các khu rừng tự nhiên, vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên... đều không còn nghề thợ săn nữa. Thịt thú rừng không còn là nguồn thức ăn chính khi con người đã canh tác, nuôi trồng tự chủ lương thực, thực phẩm. Đặc biệt là tập tính săn thú hầu như không còn tồn tại trong nhiều cộng đồng người.

Mặt khác, việc đặt bẫy, săn bắt động vật hoang dã lại chuyển dịch sang một nguyên nhân khác đó là nguyên nhân thương mại. Khi có cầu, thì ắt có cung vì vậy truyền thông bảo tồn động vật hoang dã thường không tính đến tập quán săn bắn trong các cộng đồng dân tộc thiểu số mà nhắm vào các nhà hàng, các trung tâm đô thị tiêu thụ động vật hoang dã, các hành vi sử dụng động vật hoang dã của con người; đả phá các quan niệm lệch chuẩn rằng động vật hoang dã có thể chữa bệnh, giàu đạm, hay là mang lại sức mạnh tinh thần...

Thúy Hằng

Nguồn: Báo Biên Phòng