Năm qua, mặc dù gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, ngành Văn hóa vẫn nỗ lực thực hiện công tác bảo tồn di sản văn hóa, nhằm góp phần phát triển du lịch dựa trên khai thác giá trị di sản.
Sở Văn hoá Thể thao (VHTT) đã tham mưu trình UBND tỉnh thực hiện nhiều hoạt động bảo tồn di sản văn hóa, như: Hoàn thành việc đề nghị xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT lần thứ 10 - năm 2021, danh hiệu NSND, NSƯT trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 3; lập hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể Lễ hội Đô thị Nước Mặn trình Bộ VHTTDL đưa vào danh mục di sản quốc gia. Đặc biệt, hiện vật Tượng thần Hộ pháp - đang trưng bày tại Bảo tàng tỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận bảo vật quốc gia…
Tháp Dương Long (huyện Tây Sơn) được trùng tu, tôn tạo phục vụ du lịch. Ảnh: Ngọc Nhuận
Ông Bùi Tĩnh, Giám đốc Bảo tàng tỉnh, cho biết: Ngoài 8 cụm tháp Champa được trùng tu, tôn tạo, tỉnh ta còn quan tâm tu bổ nhiều di tích lịch sử, văn hóa. Nhiều di tích được đầu tư từ vốn của Nhà nước và vốn xã hội hóa, như: Đền thờ Tây Sơn Tam kiệt, Huyện đường Bình Khê, Đền thờ Nguyễn Trung Trực, Bãi biển Lộ Diêu - nơi cập bến tàu không số chi viện vũ khí vào chiến trường khu 5…
Các địa phương trong tỉnh cũng nỗ lực triển khai tốt hoạt động bảo tồn di sản. Ông Phan Tuấn Hoàng, Trưởng Phòng VHTT TP. Quy Nhơn, cho hay: “Cùng với việc duy trì tổ chức các hoạt động tại Phố Văn hóa - Nghệ thuật trên đường Lê Đức Thọ (thời điểm trước khi dịch Covid-19 bùng phát) nhằm phát triển du lịch gắn với bảo tồn nghệ thuật tuồng, bài chòi, võ cổ truyền Bình Định, thành phố có kế hoạch tổ chức làm điểm mô hình phát triển du lịch gắn bảo tồn các giá trị di sản, như nghệ thuật bài chòi, bả trạo, kiến trúc làng chài, lăng ông Nam Hải tại làng chài xã Nhơn Lý”.
Còn theo ông Lê Văn Vinh, Trưởng Phòng VHTT huyện Vĩnh Thạnh, ngoài các di tích: Vườn cam Nguyễn Huệ, Gộp Nước Ló, Gò Đại Hội - Nơi thành lập Trung đoàn 96 quân chủ lực Liên khu 5, thành đá Tà Kơn, địa phương còn lưu giữ nhiều giá trị văn hóa mang đậm bản sắc của đồng bào dân tộc thiểu số Bana, như: Nghề dệt thổ cẩm, lễ hội đâm trâu, lễ mừng lúa mới, nhạc cụ cồng, chiêng, đàn tơ rưng… Huyện đang xây dựng kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030; trong đó, có nội dung trọng tâm về bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn phát triển du lịch.
TX Hoài Nhơn là địa phương dẫn đầu trong tỉnh trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa. Phó Chủ tịch UBND TX Hoài Nhơn Trần Hữu Thảo cho biết: “Không những quan tâm đầu tư tôn tạo, xây dựng di tích, chúng tôi còn chú trọng bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể là tuồng, bài chòi, lễ hội cầu ngư, bả trạo. Thị xã đã thành lập 1 đoàn tuồng không chuyên, 1 CLB bài chòi dân gian trực thuộc Trung tâm Văn hoá thông tin và thể thao ( VHTTTT); mỗi phường, xã của thị xã cũng đều thành lập 1 CLB bài chòi, nhằm tạo sản phẩm du lịch văn hóa theo định hướng phát triển du lịch của thị xã”.
Thời gian tới, ngành Văn hóa tiếp tục triển khai Chương trình bảo tồn và phát huy bền vững giá trị di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025; đầu tư quy hoạch, xây dựng, bảo vệ, trùng tu, tôn tạo các di tích lịch sử, văn hóa gắn kết phục vụ du lịch. Giám đốc Sở VHTT Tạ Xuân Chánh cho biết: Ngành Văn hóa sẽ tham mưu UBND tỉnh lập hồ sơ khoa học Võ cổ truyền Bình Định trình UNESCO vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại; tiếp tục thực hiện Đề án bảo tồn và phát huy giá nghệ thuật bài chòi Trung bộ Việt Nam - Di sản văn hóa phi vật thể đại diện cho nhân loại, giai đoạn 2019 - 2023 trên địa bàn tỉnh; thực hiện kế hoạch quảng bá di sản nghệ thuật tuồng và bài chòi…
Đoàn Ngọc Nhuận