TP. Bạc Liêu : Để du lịch sinh thái vườn được phát huy

Cập nhật: 15/01/2022
Với vị trí là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội của tỉnh, trong những năm qua, tình hình du lịch trên địa bàn thành phố Bạc Liêu có những bước phát triển. Là địa phương có tiềm năng du lịch phong phú, với những nét độc đáo về văn hóa, xã hội; có 15 km bờ biển, với mảng rừng phát triển xanh tốt và nhiều loại sinh vật sống ven biển, dưới tán rừng phù hợp với phát triển du lịch sinh thái; có quần thể du lịch phong phú như: Điện gió, Vườn chim Bạc Liêu,vườn Nhãn cổ, chùa Xiêm Cán và các di tích lịch sử - văn hóa, các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng dân gian...

Đặc biệt, hiện toàn tỉnh Bạc Liêu có tổng cộng 9 điểm du lịch tiêu biểu đã được Hiệp hội Du lịch Đồng bằng sông Cửu Long công nhận, thì trong đó có 8 điểm trên địa bàn của thành phố đó là : Khu lưu niệm Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ và Nhạc sĩ Cao Văn Lầu, Khu du lịch sinh thái Hồ Nam, Quảng trường Hùng Vương, Khu nhà Công tử Bạc Liêu, Khu biển nhân tạo – khu du lịch Nhà Mát, Khu quán Âm Phật Đài, Khách sạn Sài Gòn- Bạc Liêu, Điện gió Bạc Liêu.

Một trong những hướng đi đột phá được thành phố xác định trong thời gian tới là đẩy mạnh phát triển du lịch sinh thái vườn, tập trung ở 02 xã Hiệp Thành và Vĩnh Trạch Đông. Với tiềm năng để tổ chức nhiều hoạt động du lịch sinh thái cộng đồng như : tham quan vườn Nhãn cổ, Cây di sản trên 300 năm tuổi, đi bộ tham quan các mô hình trồng màu – nuôi cá của người dân địa phương, tham quan di tích lịch sử - văn hóa Chùa Xiêm Cán, Điện gió Bạc Liêu, thưởng thức món ăn đặc sản của địa phương, thưởng thức Đờn ca tài tử…

Trước mắt, thành phố tiếp tục triển khai quy hoạch và xây dựng lại Đề án bảo tồn nhãn cổ gắn với phát triển du lịch, khuyến khích người dân đầu tư phát triển dịch vụ du lịch và khai thác du lịch từ nhãn cổ. Tổ chức, sắp xếp lại các dịch vụ du lịch tại khu du lịch Giồng Nhãn; tuyên truyền vận động ‘‘nhà nhà làm du lịch, người người làm du lịch’’, xây dựng phong cách “người Bạc Liêu hiếu khách, văn minh, lịch thiệp”, tăng cường quảng bá, giới thiệu những sản phẩm du lịch đặc trưng của thành phố. Nghiên cứu thành lập Trung tâm Xúc tiến, hướng dẫn du lịch thành phố để thực hiện công tác xúc tiến, quảng bá du lịch; cung cấp dịch vụ tư vấn cho các doanh nghiệp nhằm định hướng cho phát triển du lịch sinh thái vườn của thành phố.

Tập trung đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng nhất là các tuyến giao thông nông thôn trên địa bàn các xã gắn với công tác xây dựng Nông thôn mới kiểu mẩu. Tuyên truyền, vận động người dân, các hộ kinh doanh trên tuyến đường Giồng nhãn xây dựng các tuyến đường hoa, cây cảnh, xây dựng cảnh quan môi trường Xanh – Sạch – Đẹp ; giữ gìn an ninh trật tự - ổn định xã hội cho hoạt động du lịch.

Phát triển mạnh phong trào đờn ca tài tử, tiếp tục nâng chất các câu lạc bộ đờn ca tài tử tại các khu ẩm thực trên tuyến Giồng nhãn phục vụ nhu cầu thưởng thức văn nghệ của du khách; đưa hoạt động đờn ca tài tử thành sản phẩm du lịch văn hóa tiêu biểu của thành phố.

Trong thời gian tới với định hướng phát triển du lịch sinh thái gắn với phát triển sản xuất nông nghiệp, thành phố xác định nguồn lực đầu tư vào các điểm du lịch vườn, du lịch sinh thái là rất lớn. Vì thế, ngoài việc khuyến khích cộng đồng dân cư địa phương tự đầu tư, kinh doanh trên mảnh vườn của mình, thành phố rất mong muốn và kêu gọi các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, các đơn vị lữ hành kết hợp với thành phố đầu tư làm du lịch, xây dựng tuyến, điểm du lịch sinh thái, mô hình du lịch luu trú homestay… nhằm khai thác, phát huy có hiệu quả mô hình du lịch sinh thái, tạo ra nhiều sản phẩm du lịch có chất lượng để thu hút và đáp ứng nhu cầu của nhiều du khách khi đến với thành phố.

CT

Nguồn: tpbl.baclieu.gov.vn