Những ngày giáp Tết Nguyên đán, các công ty du lịch lữ hành tất bật chốt tour, kiểm tra dịch vụ, đảm bảo hành trình du xuân cho khách an toàn, suôn sẻ. Ðiều này cho thấy, thị trường du lịch đã dần ấm lên theo diễn biến tích cực từ việc kiểm soát dịch bệnh trên địa bàn tỉnh và các địa phương có điểm du lịch.
Tour khép kín, an toàn
Ông Trần Văn Thảo, Giám đốc Vietravel Cà Mau, cho biết, sau đại dịch, xu hướng khách đi du lịch có nhiều thay đổi, thời gian chốt tour cận so với ngày khởi hành. Khách đi chia thành từng nhóm nhỏ, gia đình, bạn bè và chọn tour ngắn ngày. Theo đó, điểm đến quan tâm hàng đầu là an toàn, du lịch sinh thái và vùng nông thôn. Do vậy, ngoài các tour truyền thống, Vietravel Cà Mau đẩy mạnh liên kết với Vietravel TP Hồ Chí Minh và chi nhánh các tỉnh xây dựng các chương trình tour phù hợp.
Cụ thể, tour trong tỉnh: Cà Mau - Ðất Mũi, thời gian đi - về trong ngày. Với chương trình này, ngoài tham quan Mũi Cà Mau, công ty kết hợp với du lịch cộng đồng tổ chức cho khách đi xuyên rừng tham quan mô hình nuôi nghêu, nuôi sò để khách trải nghiệm và chế biến ăn tại chỗ.
“Tour này hấp dẫn và thu hút khách bởi tạo sự hiếu kỳ, thoả mãn nhu cầu du lịch sinh thái của khách”, ông Thảo phấn khởi.
Tour thứ 2 là xuyên rừng U Minh Hạ. Ngoài tham gia các trò chơi, các dịch vụ, còn tổ chức cho khách đi xuồng len lỏi vào rừng, đi ăn ong, và thưởng thức đặc sản của địa phương: lẩu mắm U Minh hạ, món ngon từ ong, cá đồng…
Du khách thích thú trải nghiệm trò chơi dân gian tại Ðiểm du lịch Hương Tràm, huyện U Minh.
Tour ngoài tỉnh: Cà Mau - Phú Quốc, Cà Mau - Côn Ðảo, Cà Mau - Ðà Lạt với thời gian 3 ngày, 2 đêm.
Ngoài ra, thích ứng điều kiện “bình thường mới”, Vietravel Cà Mau còn có tour caravan tham quan bằng xe tự lái, thành lập từng đoàn hộ gia đình, nhóm bạn bè du lịch trên hành trình mình đặt ra.
Ông Thảo cho biết thêm, thời gian qua, tour đón khách hồi hương trọn gói từ nước ngoài về Việt Nam cũng rất khả quan; còn có tour “1 cung đường, 2 điểm đến” áp dụng cho các nhà máy, xí nghiệp, các cơ sở sản xuất, các đơn vị có đông lao động…
Ðánh thẳng vào nhu cầu cụ thể của từng cá nhân, gia đình và doanh nghiệp, BenThanh Tourist xây dựng sản phẩm mang tính cá nhân hoá cao. Khách hàng có thể yêu cầu các sản phẩm dịch vụ dành riêng.
Ngoài tour trọn gói, công ty còn đẩy mạnh chào bán các sản phẩm dịch vụ hỗ trợ như đặt phòng, đặt vé tàu, vé máy bay, cho thuê xe cá nhân đáp ứng nhu cầu đi tự túc của du khách. Công ty cũng xây dựng các gói Combo hấp dẫn ở các tiêu chuẩn khách sạn, resort 4 sao, 5 sao kết hợp dịch vụ vận chuyển giúp khách hàng tiết kiệm chi phí mà sử dụng được các sản phẩm sang trọng, đẳng cấp.
Với sự kết hợp giữa công ty và cơ sở dịch vụ, khách hàng phổ thông vẫn có thể tiếp cận và sử dụng các sản phẩm dịch vụ ở phân khúc cao cấp.
Theo ông Trần Thanh Nghị, Giám đốc BenThanh Tourist chi nhánh Cần Thơ, Trưởng Văn phòng đại diện tại Cà Mau, các sản phẩm du lịch xanh, về vùng nông thôn, di chuyển bằng các phương tiện thô sơ như xe đạp, chèo thuyền Kayak, đi bộ trekking… hay các sản phẩm Camping, cắm trại cũng là xu hướng mà BenThanh Tourist đang hướng đến. Bởi, trải qua đại dịch, con người lại quay về với thiên nhiên, chú trọng sức khoẻ, ước mong sống gắn kết với gia đình nhiều hơn.
“Công ty đang chào bán các chương trình tour Tết âm lịch 2022 với hành trình và giá tour hấp dẫn như tour Ðà Lạt, Phú Quốc, các gói combo nghỉ dưỡng tại khách sạn 4 sao, 5 sao kết hợp vé máy bay… Ðây là hy vọng cho sự hồi phục và bứt phá, hướng đến trạng thái “bình thường mới” của công ty trong năm nay và giai đoạn lâu dài sắp tới”, ông Nghị cho hay.
Tương tự, nắm bắt tâm lý chú trọng an toàn, Happy Tourist Cà Mau khai thác tour mới và độc đáo đảm bảo tính thực tế cao, như: tour Trekking đi rừng - tăng sức khoẻ và cực kỳ thoải mái; tour hành hương về Côn Ðảo bằng máy bay - khách hàng tiểu thương là chủ yếu; tour Phú Quốc - trải nghiệm combo nghỉ dưỡng, chi phí vừa túi tiền; tour Ðà Lạt - không khí mát mẻ, kết hợp nghỉ dưỡng, trekking, cung đường mới, đảm bảo hạn chế tiếp xúc nhiều người...
Có thể thấy, các công ty du lịch lữ hành hướng đến những tour hợp túi tiền, dịch vụ tốt nhất, tiêu chí an toàn, thư giãn, đồng thời, tập trung rất nhiều vào chất lượng và làm mới sản phẩm.
Quyết tâm vực dậy
Nhìn lại một năm đầy khó khăn, ông Trần Văn Thảo bùi ngùi, Vietravel Cà Mau chỉ hoạt động 4 tháng đầu năm 2021, doanh thu thực hiện chỉ bằng 50% so với năm 2020; so với doanh thu 2019 chưa đạt đến 10%; người lao động phải nghỉ làm việc không lương, các chi phí thuê nhà, khấu hao tài sản cố định, chi phí khác… Từ đó, làm cho kết quả kinh doanh năm 2021 bị âm với con số khá lớn. Do đó, ngay khi có tín hiệu khả quan về phục hồi du lịch, Vietravel Cà Mau đã xây dựng các phương án, giải pháp về công tác phòng, chống dịch bệnh đảm bảo cho khách có những chuyến đi an toàn.
“Vừa qua, Vietravel Cà Mau có tổ chức đoàn khách đi Phú Quốc khoảng 40 người, thời gian 3 ngày, 2 đêm. Trước khi đi thực hiện test nhanh cho khách và hướng dẫn viên, tài xế. Các biện pháp an toàn khác cũng thực hiện nghiêm. Nhờ đó, chuyến đi an toàn 100%, khách hài lòng”, ông Trần Văn Thảo dẫn chứng.
Ông Trần Thanh Nghị cho rằng, các quy định “Thích ứng an toàn với Covid-19” ở mỗi địa phương được áp dụng không đồng bộ, khiến cho việc triển khai tour gặp nhiều khó khăn.
“Tôi vừa có đoàn đi thị trường xa trong nước, đi qua địa phương nào họ cũng yêu cầu test Covid-19 khiến khách hàng vừa tốn tiền vừa không thoải mái tâm lý. Bên cạnh đó, về hệ sinh thái du lịch bao gồm vận chuyển, khu điểm tham quan du lịch, cơ sở lưu trú, ăn uống, mua sắm, giải trí… mở cửa chưa đồng loạt khiến cho hành trình tham quan và xây dựng điểm đến, dịch vụ trên tour gặp nhiều khó khăn”, ông Nghị chia sẻ.
Ðồng quan điểm, ông Trần Văn Thảo cho rằng, ngành du lịch là ngành kinh tế tổng hợp để du lịch tỉnh nhà phát triển bền vững, ổn định sau dịch. Do đó, về mặt quản lý Nhà nước, ông kiến nghị UBND tỉnh sớm điều chỉnh Quyết định số 2777 ký ngày 8/12/2021 và Văn bản số 3203 của Sở VH-TT&DL tỉnh Cà Mau ký ngày 8/12/2021 về việc hướng dẫn thực hiện điều kiện an toàn trong phòng, chống dịch Covid-19 đối với doanh nghiệp kinh doanh du lịch đề xuất cấp độ phòng, chống dịch cấp độ 2 như: cơ sở lưu trú cho phép phục vụ khách 100% công suất (hiện quy định 70%); các khu điểm du lịch không nên hạn chế số lượng khách đoàn (hiện tối đa mỗi nhóm, đoàn không quá 20 khách). Ông cho rằng, đây là bước cản khó khăn cho doanh nghiệp lữ hành. Tương tự, về lữ hành, đề xuất là không bắt buộc tổ chức xét nghiệm nếu như các nhân sự không triệu chứng ho, sốt, đau họng…; không khống chế số lượng khách đoàn đi tour (hiện chỉ 20 khách).
“Những quy định này trước đây là phù hợp nhưng hiện nay cả nước đã phủ vắc-xin rộng khắp, do vậy, đối với công ty lữ hành không còn phù hợp nên kiến nghị tỉnh cũng như Sở VH-TT&DL điều chỉnh phù hợp”, ông Thảo khẳng định.
Ngoài ra, để kích cầu, thu hút khách tham quan du lịch, ông Thảo đề xuất các điểm tham quan do Nhà nước quản lý, xem xét miễn hoặc giảm 50% giá vé tham quan du lịch; Cà Mau cần mời gọi công ty lữ hành có thương hiệu trong và ngoài tỉnh cùng tham gia các chương trình xúc tiến.
Ông Trần Thanh Nghị mong muốn, khi cả nước đã phủ đủ mũi vắc-xin, năng lực y tế dần hồi phục, các loại thuốc đặc trị Covid-19 có nhiều thì Chính phủ mạnh dạn mở cửa du lịch theo lộ trình. Cần đưa ra các chương trình kích cầu du lịch toàn quốc, kết nối sản phẩm trong nước, phát động chương trình ưu tiên “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam”. Riêng đối với ngành du lịch, các doanh nghiệp cũng phải biết thích ứng và thay đổi. Xây dựng các sản phẩm, dịch vụ mới phù hợp với xu hướng thị trường, đo lường được nhu cầu của khách hàng; năng động, sáng tạo, chuyển đổi số, chạy theo các xu hướng truyền thông hiện đại và học cách bán hàng “không tiếp xúc”...
Băng Thanh