Định hướng phát triển du lịch xanh đã được tỉnh Quảng Ninh đề ra tại Nghị quyết số 07-NQ/TU ngày 24/5/2013 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển du lịch Quảng Ninh giai đoạn 2013 - 2020, định hướng đến năm 2030, trong đó xác định phát triển du lịch bền vững, theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, hiệu quả; có trọng tâm, trọng điểm; để du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong cơ cấu GDP của tỉnh; góp phần quan trọng thực hiện 3 đột phá chiến lược gắn với mô hình tăng trưởng, tái cấu trúc nền kinh tế, chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “ xanh”.
Quảng Ninh xác định, muốn phát triển bền vững phải chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu phát triển kinh tế từ phụ thuộc vào sản xuất công nghiệp, công nghiệp khai khoáng sang phát triển dịch vụ, du lịch bền vững và kinh tế biển đảo. Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Quảng Ninh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 được xây dựng trên quan điểm phát triển du lịch đi đôi với bảo vệ và phát huy tối đa các lợi thế tự nhiên, giữ gìn và phát huy bản sắc dân tộc, các giá trị văn hóa, gìn giữ cảnh quan và bảo vệ môi trường. Theo đó, tổ chức không gian du lịch gắn với không gian văn hóa; xây dựng các trung tâm du lịch trọng điểm tại Hạ Long, Cẩm Phả, Vân Đồn, Móng Cái, Uông Bí, Cô Tô trở thành động lực phát triển dịch vụ của tỉnh và của vùng; xây dựng thành phố Hạ Long trở thành trung tâm du lịch quốc gia mang tầm quốc tế gắn với bảo tồn và phát huy bền vững di sản - kỳ quan thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long và khu bảo tồn thiên nhiên Đồng Sơn - Kỳ Thượng; tập trung phát triển Khu kinh tế Vân Đồn và vùng biển đảo Vân Đồn, Cô Tô kết nối với vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long tạo thành chuỗi sản phẩm du lịch biển, du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng đặc sắc, cao cấp. Đồng thời, phát triển đi đôi với tăng cường quản lý khu vực Uông Bí - Đông Triều - Quảng Yên trở thành trung tâm du lịch văn hóa - lịch sử - tâm linh, sinh thái có sức hấp dẫn cao; khu vực Bình Liêu, Ba Chẽ, Tiên Yên, Đầm Hà, Hải Hà kết nối với thành phố Móng Cái phát triển du lịch sinh thái khám phá, trải nghiệm gắn với cảnh quan thiên nhiên và bản sắc văn hóa dân tộc; thu hút các nhà đầu tư chiến lược có tiềm lực, thương hiệu mạnh đầu tư quy mô lớn, đồng bộ, hiện đại, phát triển du lịch dịch vụ đẳng cấp, bền vững trên các đảo thuộc vùng biển Vân Đồn - Cô Tô, đảo Cái Chiên (Hải Hà), Vĩnh Trung, Vĩnh Thực gắn với Khu du lịch quốc gia Trà Cổ (Móng Cái).
Quảng Ninh có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch xanh theo hướng bền vững. Việc phát triển du lịch nông nghiệp, du lịch cộng đồng, sinh thái sẽ góp phần quan trọng phát huy những giá trị văn hóa địa phương, giải quyết việc làm, giảm nghèo bền vững. Tỉnh có nguồn tài nguyên du lịch đặc sắc, trong đó vịnh Hạ Long luôn luôn là tâm điểm, là động lực phát triển các hoạt động du lịch của tỉnh. Với quan điểm phát triển du lịch đi đôi với bảo tồn và phát huy bền vững các nguồn tài nguyên du lịch, vịnh Hạ Long trở thành một trong những điểm du lịch đẳng cấp và bền vững. Một số khu di tích trở thành điểm đến thu hút đông đảo du khách như: Yên Tử, Bạch Đằng, đền Cửa Ông, khu di tích lịch sử văn hóa nhà Trần tại Đông Triều. Bên cạnh đó, nhiều địa phương miền núi của tỉnh có vẻ đẹp hoang sơ, mang đậm nét văn hóa của các dân tộc thiểu số tạo nên sức hấp dẫn cho loại hình du lịch sinh thái, cộng đồng như Bình Liêu, Hải Hà, Tiên Yên, Móng Cái... Nhiều mô hình du lịch sinh thái, cộng đồng được đưa vào khai thác như mô hình hợp tác xã dịch vụ du lịch chèo thuyền đưa du khách đi tham quan làng chài Cửa Vạn, Vông Viên; mô hình phát triển du lịch cộng đồng ở làng quê Yên Đức của Công ty Cổ phần Du thuyền Đông Dương...
Quảng Ninh cũng đã nhận được sự hỗ trợ của JICA (Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản) trong dự án thúc đẩy tăng trưởng xanh khu vực vịnh Hạ Long và đã đạt được một số kết quả nhất định như: xây dựng hai hành trình khám phá trên đảo Quan Lạn (hành trình khám phá văn hóa - lịch sử hào hùng đảo Quan Lạn; hành trình một ngày làm nông dân - ngư dân tại đảo Quan Lạn, huyện Vân Đồn); lắp đặt các nhà vệ sinh sinh thái cho tàu du lịch và trạm ủ phân vi sinh; xây dựng nhãn tiêu chí cánh buồm xanh cho tàu thủy du lịch trên vịnh Hạ Long; xây dựng các giải pháp tiết kiệm năng lượng; xuất bản sách trắng về tăng trưởng xanh vịnh Hạ Long.
Bên cạnh đó, tỉnh đã triển khai mạnh mẽ các hoạt động nhằm khôi phục và bảo vệ môi trường gắn với sử dụng hợp lý các nguồn tài nguyên thiên nhiên, phát huy giá trị di sản thiên nhiên thế giới của vịnh Hạ Long, bảo đảm cho mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, phù hợp với năng lực quản lý và phát triển du lịch bền vững của Quảng Ninh. Đồng thời, các ngành, địa phương trong tỉnh cũng đề xuất những ý tưởng mang tính đột phá, những giải pháp quản lý phù hợp; chủ động ban hành các kế hoạch, chương trình tổ chức thực hiện các quy hoạch, thu hút nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước đến với các dự án phát triển du lịch; khuyến khích nhà đầu tư xây dựng các khu du lịch sinh thái và các sản phẩm du lịch hấp dẫn, thân thiện môi trường để bảo đảm các yêu cầu về bảo vệ môi trường và phát triển du lịch bền vững.
Nhờ cách làm mới mang tính đồng bộ, giải pháp hiệu quả, hoạt động du lịch đã có bước tiến quan trọng, bước đầu xây dựng được thương hiệu hình ảnh du lịch của tỉnh. Du lịch dần khẳng định là một ngành kinh tế quan trọng trong cơ cấu kinh tế của Quảng Ninh, đóng góp cho ngân sách địa phương với tỷ lệ ngày càng tăng. Sự phát triển của du lịch đã thúc đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa nông thôn, tạo thêm việc làm cho người lao động, góp phần nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho các tầng lớp nhân dân; nâng cao dân trí, xóa đói giảm nghèo, góp phần vào việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ “nâu” sang “xanh”.
Tuy nhiên, trong 2 năm 2020 và 2021, do tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19, tốc độ tăng trưởng của ngành Du lịch bị suy giảm mạnh, nhiều doanh nghiệp du lịch phải tạm dừng hoạt động kinh doanh dẫn đến tình trạng người lao động không có việc làm, không có thu nhập. Năm 2021 là năm thứ hai ngành Du lịch Quảng Ninh không đạt được chỉ tiêu kế hoạch đề ra do ảnh hưởng bởi dịch bệnh: tổng khách du lịch ước đạt 4,38 triệu lượt, bằng 97% so với chỉ tiêu kế hoạch; tổng thu du lịch ước đạt 7.745 tỷ đồng, đạt 85% so với chỉ tiêu kế hoạch.
Mặc dù vậy, Quảng Ninh vẫn nỗ lực kiên cường giữ vững địa bàn “An toàn - Ổn định - Phát triển trong trạng thái bình thường mới”. Tỉnh đã xác định, điều kiện tiên quyết để phục hồi dịch vụ, du lịch là giữ được "vùng xanh" an toàn, địa bàn ổn định kết hợp phủ vắc xin toàn tỉnh (Quảng Ninh là một trong những địa phương có độ phủ vắc xin cao với khoảng 94%); hiện tỉnh đang tập trung hoàn thành tiêm mũi 3 (mũi tăng cường) cho toàn bộ người dân có chỉ định tiêm trong quý I/2022. Đồng thời, ngành Du lịch Quảng Ninh đã chủ động xây dựng kế hoạch phục hồi theo chiến lược “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” với lộ trình cụ thể, khuyến khích những mô hình khép kín, ít rủi ro tới cộng đồng; tận dụng mọi cơ hội để khôi phục du lịch trong trạng thái bình thường mới nhưng có kế hoạch từng bước chắc chắn, đưa ra các giải pháp căn cơ, quản lý được rủi ro, ngay cả khi địa bàn có F0 nhưng vẫn không đóng băng du lịch...
Quảng Ninh có vị trí địa lý thuận lợi, nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú; văn hóa đa dạng; con người cởi mở và thân thiện. Đặc biệt, nơi đây có vịnh Hạ Long hai lần được UNESCO công nhận là Di sản Thiên nhiên thế giới và được vinh danh là Kỳ quan Thiên nhiên mới của thế giới, cùng với vịnh Bái Tử Long tạo nên quần thể gồm 2.077 đảo đất, đá là nguồn tài nguyên du lịch nổi bật, đặc sắc bậc nhất Việt Nam. Quảng Ninh còn có danh thắng Yên Tử và hơn 600 di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh. Đây là tài nguyên vô giá để Quảng Ninh phát triển các loại hình du lịch, hướng đến phát triển ngành công nghiệp văn hóa - giải trí; trở thành trung tâm du lịch quốc tế và trọng điểm du lịch hàng đầu quốc gia.
Phạm Ngọc Thủy