Ốc Hồ Tây là giống ốc đá xanh, mỏng vỏ, dày thịt và thơm ngon. Giờ thì ốc Hồ Tây có lẽ đã tuyệt chủng bởi sự ô nhiễm do con người gây nên.
Hồ Tây (còn có những tên gọi: Dâm Đàm, Kim Ngưu, đầm Xác Cáo…) là một thắng tích lớn và thiêng liêng của Thăng Long - Hà Nội. Đặc biệt khu vực quanh hồ hiện có hệ thống đình - đền - chùa đậm đặc, trong đó có những di tích cổ hiếm quý thuộc hàng rào tâm linh nước Việt (như: đền Đồng Cổ, đền Trấn Võ, phủ Tây Hồ, chùa Trấn Quốc…). Đó đều là những giá trị to lớn không dễ gì trăm năm mà có được. Câu chuyện này chỉ xin kể về loài vật nhỏ nhoi - con ốc, vốn được coi là đặc sản Hồ Tây - cùng với những sâm cầm, tôm hang, chép hang, cà cuống…
Ốc Hồ Tây là giống ốc đá xanh, mỏng vỏ, dày thịt và thơm ngon. Chừng dăm năm về trước thôi, người Hà Nội còn chứng kiến và quen với cảnh hàng đoàn người dầm mình dưới hồ cào ốc. Người ta ước tính, khi ấy mỗi ngày lượng ốc khai thác lên tới 5-6 tấn. ốc được bán ngay tại bờ, nhưng đông nhất và nổi tiếng nhất là chợ ốc làng Võng Thị - Xuân La. Dân sành điệu thường lên tận đây để chọn mua ốc về chế biến những món ăn đặc sản Hà thành (như bún ốc, ốc hấp lá gừng, ốc luộc, chấm mắm gừng…). Giờ thì ốc hết - tới mức được cảnh báo là “ốc Hồ Tây tuyệt chủng” và chợ đã tan - chỉ còn là bãi cỏ hoang, sáng chiều không một bóng người.
Hiển nhiên, về mặt sinh thái học - trong cùng một thủy vực, khi một loài hết thì kéo theo các loài khác cũng hết - bởi chuỗi thức ăn tự nhiên bị phá vỡ, gây mất cân bằng. ốc và nhóm sinh vật đáy hết. Cá trắm đen Hồ Tây hết. Sâm cầm Hồ Tây cũng đã thưa về và hiếm gặp nữa… Ngay đến cả những đôi trai thanh gái lịch quen ngồi hóng mát bên hồ giờ cũng ngại mùi tanh tưởi từ nước hồ bốc lên. Đi tìm “thủ phạm” của tình trạng này, một số vị có bổn trách ở đây đổ tội cho cá trắm đen Hồ Tây ăn khỏe. Thật nực cười! Bởi theo khảo sát của các nhà nghiên cứu khoa học, cá trắm đen hiện cũng hết rồi, còn đâu? Thì ra, đứng trước “bà mẹ thiên nhiên”, trước báu vật Hồ Tây, con người vẫn không muốn và không dám thừa nhận sự thật.
Đó là: Thứ nhất, lượng phế thải và nước thải quá lớn (ước tính mỗi ngày khoảng 4.000m3) xả trực tiếp xuống hồ, gây ô nhiễm nặng (hàm lượng ammoniac cao gấp 3 lần cho phép). Xả nhiều nhất là các cống Xưởng phim truyện Trung ương, Nhà máy Giấy Trúc Bạch, các khách sạn lớn nhỏ ven hồ… Thứ hai, việc quản lý và khai thác bị thả nổi (đúng ra là vô trách nhiệm), người ta đã dễ dàng bán quyền khai thác ốc cho tư nhân và cứ thế họ khai thác không thương tiếc các sản vật đặc hữu ở Hồ Tây.
Suy cho cùng, tất cả là tại con người - thủ phạm chính đang giết mòn Hồ Tây. Rồi lại nghe dự án này nọ xuyên ngầm lòng hồ… Cứ thế - có lẽ không chỉ ốc, hến, trai, cá… mà đến cả sự cao thiêng và vẻ thơ mộng vốn có của Hồ Tây cũng phải theo cánh sâm cầm bay đi, về Trời!/.
Quân Sắc (Báo TNVN)