Cách bảo vệ môi trường của đồng bào dân tộc Cơ Tu ở Hòa Vang, Đà Nẵng

Cập nhật: 26/01/2022
Xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang (TP. Đà Nẵng) là vùng đệm nằm giữa Vườn quốc gia (VQG) Bạch Mã và Khu bảo tồn thiên nhiên (KBTTN) Bà Nà - Núi Chúa, có vai trò quan trọng trong việc bảo tồn giá trị đa dạng sinh học ở Việt Nam. Nơi đây sở hữu nhiều cánh rừng nguyên sinh đa đạng với những dòng sông, con suối, thác ghềnh hoang sơ, gần như nguyên vẹn chưa bị thương mại hóa… Dựa vào lợi thế tự nhiên sẵn có, đồng bào Cơ Tu ở 3 thôn Tà Lang, Giàn Bí và Phú Túc đang từng bước phát triển loại hình du lịch sinh thái (DLST) gắn với cộng đồng, nhằm bảo vệ sự đa dạng về sinh học, BVMT và góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống.

Vẻ đẹp bình yên, mộc mạc của Hòa Bắc

Hiện nay, đồng bào dân tộc Cơ Tu ở Tà Lang, Giàn Bí, Phú Túc có khoảng 1.250 nhân khẩu sinh sống. Do nằm ở thượng nguồn sông Cu Đê, nơi có địa hình đồi núi, sông suối tự nhiên và hệ động, thực vật phong phú, đa dạng, từ Tà Lang, Giàn Bí, có thể chèo thuyền, chống bè, ngược nhánh Bắc, qua các địa danh hố Giếng, Lỗ cối thượng, Lỗ cối hạ, thác Xếp, thác Rễ, Nà Mùn, Khe Giao, Trạng Trao, Trang Trợt, Bãi Hai, Vườn Mít, Côn Đờ Bay… hoặc ngược Khe Đương lên với những thác, hồ kỳ thú giữa rừng nguyên sinh. Đặc biệt, qua Tà Lang, vượt đèo Mũi Trâu, từ đây sẽ nhìn thấy rõ đỉnh Bạch Mã cùng núi Chúa mây phủ giăng mờ… Trước đây, xã Hòa Bắc thu hút nhiều khách du lịch trong nước và quốc tế đến tham quan, khám phá, tuy nhiên, họ đến để thưởng thức thiên nhiên, nhưng khi ra về, thứ họ để lại toàn là rác. Không ai quản lý những điểm du khách đến, hoạt động du lịch tự phát đã tác động tiêu cực đến hệ sinh thái, khiến môi trường sống nơi đây trở nên ô nhiễm, hệ sinh thái bị tác động, nét văn hóa đặc sắc của người Cơ Tu cũng vì thế mà bị pha trộn, ngày càng mai một.

Cảm nhận được môi trường đang bị suy thoái trên quê hương mình, đồng thời nhận thấy bên cạnh sự đa dạng về tự nhiên và văn hóa ở xã Hòa Bắc, hiện nay, ở huyện Hòa Vang còn có nhiều làng nghề như nghề trồng rau ở Túy Loan, làm chiếu ở Cẩm Nê, khô mè ở Quang Châu, đan tre ở Yến Nê, nón ở La Bông... Những nơi này có nhiều tiềm năng phát triển du lịch nhưng chưa được khai thác. Trong khi đó, huyện đang triển khai các đề án, hiện thực hóa ý tưởng phát triển du lịch làng nghề, kết hợp trải nghiệm sinh thái làng nghề, kết nối các điểm đến... nhằm phát triển DLST, DLCĐ, góp phần cải thiện sinh kế cho người dân, anh Đinh Như (A Lăng Như) - Bí thư kiêm trưởng thôn Tà Lang, Tổ trưởng Tổ hợp tác du lịch cộng đồng (DLCĐ) - Người con của đồng bào dân tộc Cơ Tu đã quyết định làm mô hình DLCĐ,  DLST, kết hợp khai thác hợp lý cảnh quan thiên nhiên với khôi phục, gìn giữ nét văn hóa đặc sắc của đồng bào Cơ Tu. Với suy nghĩ, muốn bảo tồn văn hóa của đồng bào thì không có cách nào tốt hơn là để các giá trị đó “sống” trong cộng đồng, A Lăng Như đã thành lập một Tổ hợp tác DLCĐ tại 2 thôn Tà Lang, Giàn Bí gồm 45 thành viên. Được chính quyền xã ủng hộ, Tổ hợp tác đã tổ chức các tuyến du lịch trải nghiệm trong ngày và khôi phục một số nghề truyền thống, một mặt nhằm đưa hoạt động du lịch đi vào nền nếp, bài bản, quản lý được điểm đến của du khách, từ đó thu gom rác thải, hạn chế tác động tiêu cực đến môi trường. Mặt khác, để du khách được tìm hiểu, khám phá, trải nghiệm nét văn hóa truyền thống, các món ăn dân dã của núi rừng Tây Bắc, đồng thời tạo thêm thu nhập cho người dân. Đến nay, Tổ hợp tác đã thành lập được 8 nhóm để phục vụ du khách, gồm cồng chiêng, văn nghệ, ẩm thực, trekking, đan lát, hát lý, dệt thổ cẩm, thuyết minh, với số lượng thành viên tham gia là 62 hộ dân địa phương, bước đầu đã khôi phục được nghề dệt thổ cẩm, đan lát, sắp đến sẽ khôi phục nghề điêu khắc hình tượng gỗ và cho ra đời một số sản phẩm bán kèm như chè dây, mật ong, ớt xiêm rừng, thuốc thảo dược... của người đồng bào.

Lượng khách đến Hòa Bắc ngày càng đông, nhiều du khách có nhu cầu nghỉ lại qua đêm, vì vậy, A Lăng Như đã làm một phương án trình cấp trên đề xuất được hỗ trợ vay vốn để làm nhà lưu trú (homestay). Tháng 6/2019, Dự án Homestay Đinh Như chính thức khởi công, nằm trong khuôn viên gia đình anh Như, nhìn ra bờ sông được bao quanh bởi những rặng tre và có hàng cau thẳng tắp dẫn lối vào. Đến nay, sau 2 năm triển khai thực hiện, Dự án được UBND huyện Hòa Vang quan tâm, theo dõi, hỗ trợ vay vốn 300 triệu không lãi suất; mời các chuyên gia tư vấn về DLCĐ tại TP. Hồ Chí Minh về hướng dẫn cách thức triển khai, đồng thời tạo sự kết nối với khách du lịch tại TP. Đà Nẵng, trong nước và quốc tế. Với vai trò là Tổ trưởng Tổ hợp tác du lịch sinh thái cộng đồng và homestay, A Lăng Như cũng đã lãnh đạo Mặt trận, chính quyền và đoàn thể trong thôn tập xây dựng, nhân rộng các mô hình DLST gắn với BVMT, tiêu biểu như Chi hội Phụ nữ với “Mỗi hố rác một cây xanh”, “Ngày Chủ nhật Xanh - Sạch - Đẹp”, “Phân loại rác tại nguồn”; Chi hội Người cao tuổi với mô hình “3 không + 1 trong tang lễ” giảm bớt các thủ tục trong tang lễ truyền thống; Chi hội Nông dân với các hoạt động giúp nhau sản xuất, phát triển kinh tế, xây dựng vườn mẫu trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, thôn kiểu mẫu nông thôn mới...

Bên cạnh các hoạt động vì môi trường của A Lăng Như, phải kể đến hiệu quả của Đề án Bảo tồn văn hóa đồng bào Cơ Tu gắn với phát triển DLST cộng đồng tại xã Hòa Bắc. Đề án do Ban điều hành Quỹ Môi trường toàn cầu tại Việt Nam xây dựng tại hai thôn Tà Lang và Giàn Bí với tổng kinh phí hơn 2 tỷ đồng, nhằm mục tiêu bảo vệ đa dạng sinh học vùng đệm của KBTTN Cơ Tu, hướng tới phát triển DLST cộng đồng, cải thiện sinh kế của đồng bào dân tộc nơi đây. Thời gian đầu triển khai, đồng bào gặp rất nhiều khó khăn về vốn cũng như kinh nghiệm trong việc tổ chức thực hiện và xây dựng các loại hình du lịch, hoạt động kinh doanh du lịch lưu trú cộng đồng… Tuy nhiên, nhờ sự hỗ trợ của UBND huyện Hòa Vang, đến nay, các điểm DLST, DLCĐ tại hai thôn Tà Lang và Giàn Bí rất phát triển. Để hỗ trợ địa phương, Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Hòa Vang cũng phục dựng các phong tục, tập quán và lễ hội đặc sắc như nghệ thuật điêu khắc gỗ, nghề dệt thổ cẩm, nghệ thuật cồng chiêng và một số nghề truyền thống khác… đây là sản phẩm gia tăng phục vụ du lịch và cũng là điểm nhấn độc đáo, thú vị, thu hút khách du lịch tìm đến các địa điểm DLST, DLCĐ của địa phương. Từ khi Đề án về với đồng bào, đã có tác động tích cực đến cuộc sống người dân, tạo sinh kế và nâng cao nhận thức, tầm quan trọng về bảo tồn thiên nhiên; khôi phục một số nét văn hóa truyền thống đã mai một như đan lát, thổ cẩm, múa cồng chiêng; thành lập 2 tổ quản lý rừng với diện tích hơn 1.800 ha rừng tự nhiên, vùng đệm của VQG Bạch Mã và KBTTN Bà Nà - Núi Chúa; thành lập các câu lạc bộ đan lát, ẩm thực truyền thống, văn nghệ; hỗ trợ trang bị cồng chiêng, trang phục truyền thống; truyền thông về công tác quản lý, bảo vệ rừng và tập huấn thực hiện cách quản lý, phân loại, tái sử dụng các loại chất thải trong sinh hoạt để giảm thiểu ô nhiễm môi trường, nâng cao sức khỏe cộng đồng... Đặc biệt, xã Hòa Bắc đã xây dựng hương ước bảo vệ rừng cộng đồng, điều này cho thấy sự đảm bảo trao quyền cho cộng đồng trong việc chung tay quản lý tài nguyên thiên nhiên và bảo tồn đa dạng sinh học.

Ông Nguyễn Xuân Bình, Phó Giám đốc Sở Du lịch TP. Đà Nẵng chia sẻ, DLCĐ là loại hình du lịch được phát triển trên cơ sở các giá trị văn hóa của cộng đồng, do cộng đồng dân cư quản lý, tổ chức khai thác và hưởng lợi. Hiện nay, DLCĐ đang được coi là loại hình du lịch mang lại nhiều lợi ích phát triển kinh tế bền vững nhất cho bản địa, không chỉ giúp người dân bảo vệ tài nguyên, môi trường sinh thái, mà còn góp phần bảo tồn và phát huy những nét văn hoá độc đáo của địa phương. Bởi vậy mà những năm qua, huyện Hoà Vang nói chung, đồng bào dân tộc người Cơ Tu ở Hoà Bắc nói riêng rất chú trọng đến công tác BVMT, giữ gìn thôn, xóm, làng văn hóa Xanh - Sạch - Đẹp theo nếp sống mới. Tham gia làm DLCĐ, đồng bào Cơ Tu không còn chặt phá rừng bừa bãi để làm nương rẫy, không còn cảnh người dân lặn lội rừng sâu núi thẳm bứt mây hái đót, kiếm sống qua ngày; ý thức bảo vệ, giữ rừng được nâng cao rõ rệt, bởi họ đã hiểu rằng giữ rừng cũng là giữ sinh kế bền vững cho mình, do đó, những cánh rừng nguyên sinh cứ mặc sức phát triển, những con suối tuôn mãi dòng nước trong xanh. Bên cạnh đó, bà con đã biết được cách tận dụng rác thải sinh hoạt làm thành những sản phẩm hữu ích như nước rửa chén, dung dịch xịt côn trùng để sử dụng hàng ngày hoặc ủ phân bón cho cây trồng. Không những thế, hàng tuần, người dân hai thôn Tà Lang và Giàn Bí còn tổ chức ra quân dọn dẹp vệ sinh môi trường, trồng hoa, cây cảnh để tạo cảnh quan sinh thái; nhặt rác và tuyên truyền, vận động du khách tham quan không vứt rác ra sông, suối… Tiêu biểu là những hoạt động tích cực của Hội Liên hiệp Phụ nữ xã, vừa kết hợp tuyên truyền, vừa phát động nhiều phong trào BVMT để các chi hội phụ nữ đi đầu thực hiện; vận động các tổ chức, đoàn thể thay thế chai nước nhựa bằng chai thủy tinh trong các cuộc hội họp, dùng làn thay cho túi ni lông đựng thực phẩm khi đi chợ...

Người dân xã Hòa Bắc thực hiện phân loại rác thải tại nguồn

Có thể nói, mô hình DLCĐ là sản phẩm ý nghĩa, góp phần quảng bá văn hóa đồng bào dân tộc Cơ Tu cũng như đóng góp vào sự phát triển chung của du lịch Đà Nẵng. Thời gian qua, Sở Du lịch Thành phố Đà Nẵng đã tham mưu cho Lãnh đạo Thành phố nhiều nội dung, đề án về phát triển DLST, DLCĐ, nhất là tại huyện Hòa Vang, với mục tiêu gắn người dân tham gia cùng phát triển du lịch và hướng tới việc mỗi người dân là đại sứ, sứ giả của ngành du lịch để xây dựng môi trường du lịch của Thành phố ngày càng văn minh và thân thiện. Tới đây, Sở Du lịch Đà Nẵng sẽ tiếp tục phối hợp với UBND huyện Hòa Vang tăng cường quảng bá hình ảnh, hướng dẫn du khách khám phá và trải nghiệm mô hình DLCĐ tại địa phương. Hy vọng Tà Lang và Giàn Bí nói riêng, Hòa Bắc nói chung sẽ trở thành điểm đến du lịch học tập cộng đồng mẫu của Thành phố Đà Nẵng.

Lê Thị Ngọc - Liên hiệp hội Thanh niên Việt Nam

Nguồn: Tạp chí Môi trường