Đồng Nai có tiềm năng đa dạng, phong phú về du lịch nhưng kết quả đạt được còn khá khiêm tốn. Với một loạt dự án phát triển du lịch - dịch vụ được triển khai trong thời gian tới, Đồng Nai kỳ vọng sẽ tạo được bước đột phá về phát triển du lịch.
Khu du lịch Thác Giang Điền.
Nhân dịp Xuân Nhâm Dần, ĐTTC đã có cuộc trao đổi với ông Cao Tiến Dũng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, xung quanh lĩnh vực này.
Phóng viên: - Thưa ông, xin ông cho biết một số nét về tiềm năng phát triển du lịch của Đồng Nai?
Ông Cao Tiến Dũng: - Tỉnh Đồng Nai nằm giữa các địa phương có ngành du lịch phát triển mạnh là TPHCM, Bà Rịa - Vũng Tàu và Lâm Đồng, do đó việc xác định các lợi thế cạnh tranh, tiềm năng thế mạnh rất quan trọng.
Đồng Nai có cảnh quan thiên nhiên đa dạng với hệ thống sông ngòi, hồ đập, suối nước, như sông Đồng Nai dài hàng trăm km, hồ lớn có thể phát triển du lịch như Trị An, Đạ Tôn, suối nước nóng Thác Mai, Suối Tre...
Đặc biệt, tỉnh có diện tích rừng nguyên sinh rất rộng lớn ở Khu Bảo tồn Thiên nhiên văn hóa Đồng Nai với hơn 200.000ha, ngày 29-6-2011 đã được tổ chức UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thứ 580 của thế giới và thứ 8 của Việt Nam.
Khu du lịch Bửu Long (TP Biên Hòa) luôn thu hút đông du khách (ảnh chụp trước khi có dịch Covid-19).
Khu dự trữ sinh quyển này được xem như lá phổi xanh của Đồng Nai và cả miền Đông Nam bộ, đến nay đã ghi nhận có 2.376 loài thực vật và 2.824 loài động vật hoang dã, trong đó có nhiều loài quý hiếm nằm trong Sách đỏ Việt Nam và thế giới. Đây chính là lợi thế để phát triển du lịch sinh thái, dã ngoại, xây dựng khu Safari.
Tỉnh có con sông Đồng Nai hiền hòa chảy qua 4 địa phương có thể tận dụng để phát triển các tour du lịch đường sông - kết nối với TPHCM, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, tạo nên các tour tuyến du lịch nội vùng Đông Nam bộ cho du khách tham quan, nghỉ ngơi.
Đặc biệt, Đồng Nai có hệ thống di tích lịch sử văn hóa phong phú, trong đó có những di tích tầm cỡ quốc gia như Khu di tích chiến khu Đ - nơi ra đời lực lượng vũ trang Quân Giải phóng miền Nam; Khu Văn miếu Trấn Biên, Cù lao Phố lưu dấu quá trình khai hoang lập ấp từ thời Đức Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh vâng lệnh triều đình đi mở mang bờ cõi về phương Nam; di tích rừng ngập mặn Rừng Sác (huyện Nhơn Trạch) ghi dấu chiến công của lực lượng đặc công nước trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ; các địa danh lịch sử Xuân Lộc, Long Khánh gắn với chiến công lừng lẫy của chiến dịch Đại thắng mùa Xuân năm 1975 là các điểm du lịch truyền thống về nguồn hấp dẫn…
Khu du lịch Đảo Ó - Đồng Trường nằm trong lòng hồ Trị An.
Đồng Nai còn có nét đặc sắc về văn hóa truyền thống của các dân tộc bản địa người Chơro, Mạ, S’tiêng đến nay còn lưu giữ được. Ngoài ra có hệ thống chùa chiền, nhà thờ có thể phát triển du lịch tâm linh, để từ đó có thể thiết kế, hoàn chỉnh các sản phẩm du lịch đa dạng phục vụ du khách trong, ngoài nước.
- Theo ông, tình hình phát triển du lịch ở Đồng Nai những năm qua đã tương xứng với tiềm năng của tỉnh?
- Thành thực mà nói những năm qua việc phát triển các chương trình phục vụ phát triển du lịch chưa được nhiều, lượng khách du lịch đến tham quan, nghỉ dưỡng có tăng nhưng không cao so với tốc độ tăng chung của vùng Đông Nam bộ và cả nước, nhất là so với các địa phương lân cận có ngành du lịch phát triển là TPHCM, Bà Rịa - Vũng Tàu, Lâm Đồng, Bình Thuận.
Khách sạn đạt tiêu chuẩn 5 sao Central Park ở TP Biên Hòa.
Nguyên nhân do sản phẩm du lịch chưa được phong phú, còn đơn điệu, một thời gian dài tỉnh quá chú trọng phát triển công nghiệp chưa quan tâm phát triển du lịch - dịch vụ.
- Vậy tỉnh có kế hoạch triển khai cụ thể như thế nào để phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn như tinh thần Nghị quyết 08-NQ/TW của Trung ương, thưa ông?
- Chúng tôi sẽ phải tính toán lại, thiết kế để ra các kế hoạch phát triển du lịch ở Đồng Nai theo hướng bền vững, có tính chuyên nghiệp và có tính cạnh tranh. Đầu tiên, tỉnh chú trọng phát triển nguồn nhân lực biết làm du lịch để có thể thiết kế, xây dựng các tour tuyến, sản phẩm du lịch; tập trung đầu tư hạ tầng ngoài khu du lịch như đường giao thông đi lại, kết nối đến các khu, điểm du lịch được thuận lợi.
Thứ hai, về thu hút đầu tư tỉnh sẽ chọn các nhà đầu tư có năng lực về tài chính, kinh nghiệm làm du lịch để mời gọi đầu tư trong các khu du lịch.
Về phát triển du lịch đường sông, thực hiện thỏa thuận liên kết phát triển du lịch vùng Đông Nam bộ (ký kết tháng 6-2020), chúng tôi dự định mở bến thuyền du lịch ở đầu cầu An Hảo, kết nối với TPHCM, Bà Rịa - Vũng Tàu nhưng do dịch Covid -19 nên chưa làm được nên sắp tới đây sẽ làm.
Tỉnh đã có kế hoạch triển khai cho nhà đầu tư ký hợp đồng thuê đất rừng, giữ rừng để làm du lịch ở Khu bảo tồn thiên nhiên văn hóa Đồng Nai (dự kiến 400ha), suối nước nóng thác Mai (huyện Định Quán); khảo sát lại, lập dự án mời gọi nhà đầu tư vào khu vực núi Chứa Chan và hồ núi Le (huyện Xuân Lộc), trong đó núi Chứa Chan đã được công nhận là Danh thắng cấp quốc gia tháng 3-2012; hồ Đạ Tôn (huyện Tân Phú) với tổng diện tích mở khoảng 500ha (có 300ha mặt nước); lập dự án Khu du lịch thể dục thể thao ở xã Thừa Đức (huyện Cẩm Mỹ) để tận dụng lợi thế gần sân bay quốc tế Long Thành; mở rộng thêm khu du lịch Suối Mơ (huyện Tân Phú); tập trung chỉ đạo làm cầu bắc qua sông Đồng Nai vào rừng quốc gia Nam Cát Tiên (huyện Tân Phú) thay cho đi phà…
Hy vọng, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, tỉnh sẽ tập trung thực hiện cho được bước đột phá về phát triển du lịch trong nhiệm kỳ 2020-2025.
- Xin cảm ơn ông.
Một số mục tiêu phát triển du lịch Đồng Nai giai đoạn 2021-2025:
- Tốc độ tăng trưởng khách bình quân các năm 2021-2023 đạt 20%, doanh thu dịch vụ - du lịch đạt 2.000 tỷ đồng trở lên, tốc độ tăng trưởng doanh thu bình quân đạt 25%.
- Tốc độ tăng trưởng khách bình quân các năm 2024-2025 đạt 25% và năm 2025 đạt 5,6 triệu lượt khách, doanh thu đạt từ 3.500 tỷ đồng trở lên.
Văn Phong (thực hiện)