Cứ bảo sao tôi lại say đắm miền đất này đến thế! Cảm giác như mắc phải bùa mê thuốc ngải của những rừng đào, rừng mận, của những rừng trẩu, vườn lê cùng bao loài cỏ dại cứ đua hương tỏa sắc qua mỗicung đường. Cảnh vật tình người như níu kéo bước chân tôi. Từ Bản Phố đến Tả Van Chư, từ Hoàng Thu Phố đến Lùng Phình, đất và người Bắc Hà trải thắm tình xuân lên chồi non, nụ biếc như bức tranh tiên cảnh mùa xuân.
Trắng trời hoa mận Bắc Hà.
Có biết bao cung đường tươi đẹp như mạch máu hồng vươn về các bản làng trên mảnh đất biên cương Lào Cai như thế. Song, cung đường ấy đã làm tôi da diết nhớ thương như một kẻ si tình. Để mỗi dịp lại háo hức như sớm xuân này, hồn nhiên chộn rộn thả bước chân lên xứ núi mờ sương thơ mộng. Được đắm chìm vào thiên nhiên, hoa cỏ mùa xuân, được hà hít cái không khí trong lành và ngát hương thơm các loại cây dược liệu. Mỗi loại mang hương thơm và tác dụng khác nhau nhưng đều chắt lọc tinh túy đất trời và công sức người dân nơi đây. Vùng đất được thiên nhiên hào phóng ban tặng phong cảnh núi non và khí hậu để phát triển cây ăn quả ôn đới, đặc biệt phù hợp với cây dược liệu cho chất lượng và sản lượng cao. Những vườn cây cát cánh, đương quy, xuyên khung, atiso, bạch truật… với quy mô lớn. Người ta ví nơi đây là “thủ phủ” của cây dược liệu. Vùng đất bốn mùa hoa trái và cũng là cung đường trải nghiệm đẹp nhất.
Tôi còn nhớ một lần lên Bắc Hà, chưa biết chọn điểm nào để xâm nhập. Trong buổi gặp gỡ các văn nghệ sỹ với Thường trực Huyện ủy Bắc Hà, được ông Đoàn Ngọc Tuyến,Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Bắc Hà (giờ là Phó Bí thư Thành ủy Lào Cai) “bật mí”, giới thiệu về vùng đất tiềm năng đang thay da đổi thịt bằng những lợi thế cây dược liệu… Và rồi câu nói nghĩa tình của người lãnh đạo huyện làm tôi ấn tượng mãi: “Anh cứ ngược con đường, một vòng cung ấy… sẽ thấy mình yêu thương Bắc Hà thêm nhiều lắm!”. Thật không uổng phí những ngày xuân hạn hẹp, chuyến đi cho tôi cái nhìn sâu hơn, thân thiện hơn về đất và người trên rẻo cao này.
Trên con đường rộn ràng sắc xuân, tôi đã gặp những bước chân trần, hồn nhiên, vô tư và giàu lòng mến khách. Sắc xuân tỏa ra từ những nụ cười của trai gái trong sắc màu thổ cẩm dưới trời hoa đào, hoa mận, hoa lê trắng ngát cao nguyên. Sắc xuân tỏa ra từ hương rượu ngô Bản Phố lừng thơm, vờn xanh khói bếp. Sắc xuân tỏa thơm từ bàn tay khéo léo… “Sợi lanh em xe nhuộm xanh nhuộm đỏ/Nhuộm in hoa thêu váy mới/Dệt mùa xuân đợi anh ở hội Gầu Tào…”. Tôi đã nghe những thanh âm mùa xuân da diết của khèn môi, của ánh mắt, nụ cười sơn nữ. Sắc xuân rộn ràng trong nhịp múa sinh tiền ngày hội.
Trồng rau công nghệ cao Bắc Hà.
Tôi mê mải theo chân Chấu Seo Phừ, một trong những cán bộ trẻ của Dự án 600 trí thức trẻ. Anh đưa tôi đến với Bản Phố 1, Bản Phố 2, đến với những người dân thân thiện như Giàng Seo Sẩu, Lý Seo Cường, Vàng Seo Chúng, Lý Seo PLấu… Những con người biết phát huy truyền thống quê hương, biết áp dụng tiến bộ khoa học trong sản xuất nông nghiệp để đổi thay cuộc sống. Men rượu ngô ấm áp tan chảy trong huyết quản cho hồn xuân phấn chấn.
Vắt qua con dốc thoai thoải, trên tỉnh lộ thảm nhựa uốn lượn về Tả Van Chư đẹp như đường lên tiên cảnh. Càng đi càng thấy mê ly như lạc vào chốn bồng lai. Sắc màu đỏ thắm làm cho bước chân ai phiêu lãng ngày xuân. Với bình độ cao nguyên 1.300 - 1.500 m nên khí hậu nơi đây quanh năm mát mẻ. Cảm giác mênh mông khoáng đạt, thơ mộng và bình yên khiến tâm hồn trở nên dịu dàng. Với những thung lũng rộng lớn mỡ màu rất phù hợp cho phát triển cây dược liệu. Tả Van Chư ẩn hiện trong màu xanh của rừng là những con đường uốn lượn, thấp thoáng những bản làng nhập nhòa trong sắc hoa.
Trong mấy năm gần đây, vai trò của cây dược liệu nói chung, đặc biệt là cây cát cánh đã khẳng định là nguồn thu chủ lực giúp xóa đói, giảm nghèo cho vùng đất gian khó này. Không những là loại cây có hiệu quả kinh tế cao mà nó còn làm nên thương hiệu mới cho vùng đất cao nguyên trong phát triển kinh tế. Kỹ sư nông nghiệp Trần Văn Sơn, cán bộ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Bắc Hà, phụ trách khuyến nông xã Tả Van Chư cho chúng tôi biết: Xã Tả Van Chư là 1 trong 9 xã của huyện Bắc Hà được quy hoạch trồng cây dược liệu và cây ăn quả ôn đới. Riêng cây dược liệu cát cánh thì Tả Van Chư là vùng trọng điểm, với tổng diện tích năm 2021 là 65ha, tăng hơn năm trước 30ha. Theo quy hoạch dự kiến đến năm 2025, diện tích cây cát cánh ở Tả Van Chư sẽ phát triển khoảng 100 ha. Điều đặc biệt mới hiện nay là xã đang phát triển mô hình trồng xen cây dược liệu trên vườn cây ăn quả ôn đới khi chưa khép tán đã mang lại hiệu quả kinh tế cao. Được biết, từ khi triển khai dự án trồng dược liệu, bà con được tập huấn và cam kết canh tác đúng quy trình kỹ thuật, đảm bảo những quy định khắt khe về sản xuất dược liệu an toàn. Chính các yếu tố đó đã giúp sản phẩm vùng nguyên liệu ở Bắc Hà đạt tiêu chuẩn GACP-WHO (chứng chỉ của Tổ chức Y tế thế giới). Mô hình canh tác này được sự hỗ trợ và giám sát kỹ thuật bởi BioTrade - Dự án phát triển dược liệu sạch do Liên minh châu Âu tài trợ và chính thức được cấp chứng nhận đạt chuẩn.
Do làm tốt công tác quản lý chất lượng sản phẩm nên dược liệu của Bắc Hà có thương hiệu cao trên thị trường. Với phương châm “Nam dược trị Nam nhân”, từ đó các công ty dượctrong nước đã về đây đầu tư sản xuất và thu mua sản phẩm. Nhiều năm qua, cây dược liệu đã giúp người dân xóa đói, giảm nghèo, nhiều hộ vươn lên làm giàu. Thôn Lả Dì Thàng có nhiều hộ là điển hình phát triển kinh tế. Gặp ông Giàng Seo Hồ, hộ có diện tích cây cát cánh nhiều nhất thôn, ông Hồ cho biết: Năm 2020, gia đình ông trồng 0,8ha, khi thu hoạch cho thu nhập 150 triệu đồng. Năm nay gia đình ông mở rộng diện tích lên 1,2 ha, dự kiến đem về hơn 200 triệu đồng. Nhiều gia đình khác như Hoàng Seo Hảng, Giàng Seo Tiềm, Giàng Seo Ly cũng có thu nhập tương tự…
Theo con đường phơi phới sắc xuân dẫn dụ về Lùng Phình nơi nhộn nhịp chợ phiên, nơi những con người thoáng đạt sinh nghiệp trên đất rồng huyền thoại. Nắng xuân vàng chảy trên đồi nương, thong thả cuốc bộ trên con đường bê tông phẳng phiu ẩn hiện dưới tán đào phai thắm sắc. Bí thư Đảng ủy xã Vàng Seo Dín niềm nở như người thân lâu ngày gặp lại. Cái lý của người vùng cao ngày tết sum vầy. Rượu ngô thơm lừng róc rách mừng bạn, tình cố tỷ như lửa cháy, tay nắm chặt tay. Căn nhà của người anh em đã là homestay xinh đẹp để đón khách bốn phương. Rồi Vàng Seo Dín “xi-nhan” tự tay lái chiếc “xế hộp” đưa đến thăm trang trại dâu tây trên địa bàn. Ôi, mùa xuân cao nguyên sao mà vời vợi yêu thương!
Cùng với cây dược liệu như đương quy, xuyên khung, atiso, đan sâm, bạch truật…những trang trại rau quả công nghệ cao đã và đang khẳng định vị thế ưu việt trong phát triển kinh tế mang tính bền vững cho vùng cao Bắc Hà. Mỗi ha dược liệu bình quân thu nhập 170 đến 200 triệu đồng, giá trị kinh tế cao gấp 8 lần trồng ngô. Thực sự những cánh đồng bạc tỷ ở vùng cao nguyên trắng đang hiển hiện.
Đứng dưới vườn lê hoa nở trắng muốt, dưới trời xanh mây trắng lưng lơ, nhìn những thiếu nữ hồn nhiên nô đùa, trong tôi bỗng thấy bâng khuâng xao xuyến. Một mùa xuân mới dâng đầy trên cao nguyên yêu thương!
Công Thế