Xuân Nhâm Dần 2022 gõ cửa từng ngôi nhà, con đường, ngõ xóm; hoa đào, hoa mận đua nhau khoe sắc trên khắp bản làng. Riêng với lực lượng Kiểm lâm tỉnh, những người đã dành hết tâm huyết, trách nhiệm của mình trong công tác phát triển và bảo tồn đa dạng sinh học rừng (ĐDSH) trong năm qua, niềm vui Xuân mới là những hệ sinh thái tự nhiên được bảo tồn trong những dải rừng xanh mướt trên mảnh đất địa đầu Tổ quốc.
Lực lượng Kiểm lâm huyện Yên Minh tuần tra rừng.
Năm 2021 là năm gặp nhiều khó khăn, thách thức do ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh. Nhưng công tác bảo tồn đa dạng sinh học thiên nhiên vẫn đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Theo kết quả điều tra, khảo sát tại các khu bảo tồn, động vật có xương sống thống kê, tại tỉnh ta khu hệ động vật rừng có 775 loài thuộc 131 họ, 32 bộ; 58 loài thú thuộc 23 họ, 8 bộ, 104 loài chim thuộc 33 họ, 12 bộ; 25 loài bò sát thuộc 8 họ. Hệ động vật có 41 loài quý hiếm chiếm 5,3% tổng số loài, 6 loài chim và 13 loài bò sát - ếch nhái; một số loài được ghi trong sách đỏ Việt Nam (2007) như Cu li nhỏ, Voọc mũi hếch, Vượn đen má trắng, Khỉ mặt đỏ, Khỉ mốc, Khỉ vàng, Sơn dương, Mèo rừng, gà Lôi trắng, Cầy mực... Cùng với đó, hiện nay có 61 trại nuôi sinh sản, sinh trưởng động vật hoang dã, động vật hoang dã quý, hiếm, bao gồm các loài: Trăn gấm, Gà lôi trắng, Công, Trĩ sao, Rắn hổ mang, Rắn ráo trâu, Cầy vòi hương, Cầy vòi mốc với 4.721 cá thể. Trung tâm bảo tồn thực vật đã trồng cấy hơn 100 cây Bách vàng, hơn 200 cây Bách xanh, hơn 2000 cây Ngọc Lan được giâm hom từ tự nhiên tại trạm bảo vệ rừng thuộc BQL khu bảo tồn Bát Đại Sơn. Năm 2019 tiếp tục trồng thêm 626 cây Bách vàng tại thôn Cốc Mạ, xã Đông Hà, huyện Quản Bạ. Nhờ làm tốt nhiệm vụ bảo vệ, bảo tồn các loài quý hiếm này, đã đóng góp quan trọng vào việc phát triển hệ sinh thái rừng ngày càng phong phú hơn.
Voọc mũi hếch sinh sống tại Khu bảo tồn Khau Ca thuộc Vườn Quốc gia Du Già - Cao nguyên đá Đồng Văn
Đồng chí Bùi Văn Đông, Chi Cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho biết: Xác định tầm quan trọng của tài nguyên rừng và đa dạng sinh học, Chi cục đã tham mưu tỉnh ban hành các văn bản, quy hoạch bảo vệ thiên nhiên; chủ động thực hiện các dự án, đề tài nghiên cứu khoa học, tiếp nhận các dự án của các tổ chức bảo vệ thiên nhiên, cụ thể như: Tuyên truyền và bảo vệ tốt các Khu Bảo tồn thiên nhiên hiện có; bảo tồn nguyên trạng, tạo ra môi trường tốt nhất để bảo tồn và các loài động vật, thực vật, đặc hữu, quý hiếm, các hệ sinh thái nhằm nâng cao chất lượng rừng và giá trị sinh học; tăng cường công tác quản lý lâm sản trên địa bàn toàn tỉnh, đặc biệt tại khu vực rừng đặc dụng do các BQL rừng đặc dụng quản lý. Quán triệt, chỉ đạo sát sao Kiểm lâm các huyện, thành phố xây dựng kế hoạch triển khai công tác ngăn chặn các hành vi khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép. Xử lý nghiêm đối với các hành vi vi phạm về quản lý, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản. Cùng với đó, thực hiện tốt Dự án “Bảo tồn loài Voọc mũi hếch và các loài thực vật nguy cấp dựa vào cộng đồng do tổ chức FFI tài trợ” và một số loài động, thực vật quý hiếm khác…
Có thể nói, trong năm qua, ngành Kiểm lâm đã thực hiện hiệu quả công tác phát triển rừng, bảo vệ động vật hoang dã và các loài quý hiếm vì đây cũng chính là phục vụ phát triển kinh tế - môi trường, an ninh sinh thái, an sinh xã hội và cũng chính là bảo vệ cuộc sống của cả cộng đồng. Hy vọng rằng, với những nỗ lực trên của ngành Kiểm lâm nói chung và cả xã hội nói riêng, hệ sinh thái tự nhiên của tỉnh ta tiếp tục được phát huy và giữ mãi màu xanh của núi rừng trên mảnh đất địa đầu Tổ quốc.
Bài, ảnh: Hồng Cừ